Ngày 15/5, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Trung Nghĩa,76 tuổi (ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), 14 năm tù về tội “Lừa đảo”, 2 năm tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố, ngày 15/3/1997, Phòng cảnh sát kinh tế Hà Nội nhận được đơn của một số cán bộ công nhân viên thuộc công ty Văn phòng phẩm Cửu Long tố cáo ông Nguyễn Đức Đảng, Giám đốc đã lợi dụng chức quyền để bán tài sản, hàng hoá và cho một số đơn vị, cá nhân vay tiền không đúng nguyên tắc, thất thoát 1,9 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác minh, xác định, tháng 9/1995, ông Đảng được một khách hàng giới thiệu làm quen với ông Nghĩa. Ông Nghĩa tự giới thiệu là Trưởng ban vận động thành lập Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nghĩa khoe có khả năng và điều kiện đối ngoại, làm kinh tế với nhiều đơn vị nên ông Đảng đã đề nghị tìm đối tác nước ngoài có nhu cầu sử dụng mặt hàng giấy than của công ty thì giới thiệu, xuất khẩu.
Tại phiên sơ thẩm hôm nay, bị cáo vắng mặt vì lý do sức khỏe
Theo thoả thuận, nếu xuất khẩu được, công ty sẽ trích lại 5% theo giá trị lô hàng. Ông Nghĩa đã lấy một số mẫu đi chào hàng. Vì Nghĩa là nhà sư, chưa có chứng nhận tăng ni của Trung ương, không có tư cách pháp nhân nên đã nhờ Nguyễn Thế Kỳ (khi đó 35 tuổi, trú ở TP HCM) luật sư, Giám đốc Trung tâm đào tạo Luật Kinh tế - TP HCM thuộc Viện quản trị doanh nghiệp, đứng tên ký hợp đồng hộ để Nghĩa mua giấy than của công ty Cửu Long. Nghĩa nói mua hàng để xuất khẩu sang Liên Xô và hứa sẽ trích cho Kỳ 1% số tiền lời.
Khoảng một tháng sau, Nghĩa quay lại công ty của ông Đảng, thông báo Trung tâm trên có nhu cầu mua hàng để xuất khẩu ra nước ngoài đổi lấy máy tính. Do tin Nghĩa, ngày 10/10/1995, sau khi thoả thuận xong nội dung Hợp đồng kinh tế, công ty đã bán cho ông Kỳ, do Nghĩa làm đại diện 100.000 hộp giấy than đen, trị giá 1,45 tỷ đồng và 120.000 hộp giấy than loại xanh - gần 2,2 tỷ đồng.
Mặc dù không nhận được tiền theo nội dung hợp đồng cam kết, nhưng công ty của ông Đảng vẫn giao cho Nghĩa làm đại diện, tổng số lô hàng giấy than trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Ông Nghĩa đã nhờ Kỳ ký hợp đồng thuê kho hàng ở TP HCM để gửi lô giấy than. Sau đó, ông Kỳ đã ký giấy uỷ quyền cho đồng nghiệp để làm thủ tục xuất số hàng trên cho Nghĩa.
Nghĩa đã bán được một phần lô hàng, trị giá gần 1,1 tỷ đồng nhưng không trả số tiền cho công ty Cửu Long, rồi bỏ trốn. Trong khi đó, ông Đảng và cán bộ công ty xác minh mới biết Nghĩa không phải là đại diện của Trung tâm trên. Phía công ty đã thu hồi số hàng còn lại, trị giá 580 triệu đồng.
Tiếp đó, năm 1998, ông Kỳ đã trả cho công ty được gần 90 triệu đồng để khắc phục thay cho Nghĩa, còn gần 980 triệu sau này ông Kỳ trả nốt cho công ty của ông Đảng. Cơ quan chức năng cũng làm rõ, khi còn quen với ông Đảng, Nghĩa vay của công ty 112 triệu đồng nhưng không trả nợ.
Cơ quan công an cũng xác định, việc ông Nghĩa tự xưng là đại diện của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là phạm pháp. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam không cấp giấy giới thiệu cho Nghĩa mua giấy than và vay tiền của đơn vị, cá nhân.
Liên quan đến vụ án, ông Đảng và ông Kỳ đã bị khởi tố về tội lừa đảo, cố ý làm trái nhưng sau đó được đình chỉ điều tra vụ án. Riêng ông Nghĩa bỏ trốn 17 năm mới bị bắt giữ.
Tại phiên sơ thẩm hôm nay (15/5), bị cáo vắng mặt vì lý do sức khỏe.