Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên, có tuổi thọ không quá 2 tháng, rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Nuôi dế vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thu hoạch ngắn, lợi nhuận khá, giúp các hộ nuôi dế có thu nhập ổn định. Hiện nay, những hộ nuôi dế ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã thành lập Tổ liên kết tiêu thụ dế và mở rộng quy mô sản xuất.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Với 0,4ha đất vườn, chị Phạm Thị Bích Hằng ngụ tại Ấp Cầu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu vất vả gieo trồng quanh năm cũng không đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Hơn 3 năm trước, thấy phong trào nuôi dế ở địa phương phát triển, chị Hằng mua dế non về nuôi thử một chuồng rộng khoảng 4,5m², kết quả thu lãi chỉ sau 30 ngày thả giống. Thấy nuôi dế có triển vọng cao, chị mở rộng diện tích nuôi dế lên 20 chuồng, và chị có dự định tăng thêm 10 chuồng nữa trong thời gian tới. Chị Hằng chia sẻ: "Tôi nuôi một chuồng mà đã thu được 60 đến 70kg dế thương phẩm, với 20 chuồng dế, trừ tiền cám và các chi phí khác thì mỗi tháng lãi khoảng 12 triệu. Hiện nay, tôi muốn mở rộng diện tích nhưng chưa có vốn".
Theo kinh nghiệm của những người nuôi dế, chuẩn bị chuồng nuôi dế không quá khó khăn, chỉ cần lấy thân cây mì (cây sắn non) làm chuồng là chủ yếu, bổ sung thức ăn tự nhiên cho dế, tạo môi trường ẩm ướt vừa phải giống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng thân cây mì cần khá lớn, nên người nuôi dế chủ động tự trồng thêm cây mì phòng khi thiếu. Khi chăm sóc và cho dế ăn cần chú ý không cho thân mì làm cản trở đường dế lên xuống, đi lại, thường xuyên thay thân cây mì mới để tránh gây nấm bệnh ở dế.
Được chị Nguyễn Thị Thùy Dương, người đã có thâm niên nuôi dế trên 10 năm hướng dẫn, chị Bùi Thị Trúc Hà, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu trước đây làm công nhân, ngày nào cũng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái. Được hướng dẫn và nhận thấy công việc nuôi dế nhàn rỗi hơn, vừa chăm sóc dế vừa có thể làm việc nhà, lại có thu nhập. Chị Hà quyết định mua dế giống về nuôi thử 10 chuồng. Năm đó, trúng mùa dế, thu nhập khá, chị Hà quyết định mở rộng quy mô thêm 20 chuồng nuôi dế nữa. Thấy được lợi nhuận từ việc nuôi dế, chị có ý định mở rộng thêm diện tích nuôi dế thương phẩm. Bởi vì, tất cả nguồn dế thương phẩm từ những người nuôi dế ở xã Tiên Thuận đều được chị Nguyễn Thị Thùy Dương bao tiêu hết sản phẩm nên mọi người rất yên tâm chăm sóc trang trại dế của mình.
Chị Hà chia sẻ: "Một chuồng dế chỉ đầu tư khoảng 800.000 đồng, nuôi được khoảng 30kg dế mình đã có lãi từ 500.000 đến 600.000 đồng. Nếu thu được 40 đến 50kg một chuồng thì còn được lãi nhiều hơn, mỗi một chuồng đầu tư dùng được 3 đến 4 tháng, 30 ngày thu hoạch dế một lần". Chị Nguyễn Thị Thùy Dương là người thành lập trang trại nuôi dế đầu tiên ở huyện Bến Cầu, cũng là đầu mối tiêu thụ dế cho các hộ nuôi dế ở Bến Cầu. Từ năm 2008, chị Dương đã bắt đầu nuôi dế. Qua thời gian thăng trầm, có lúc vì phải giữ thương hiệu, uy tín, chị phải chịu lỗ cả tỷ đồng.
Là đầu mối bao tiêu dế từ Tây Ninh, theo hợp đồng, mỗi ngày chị Dương cung cấp hàng tấn dế cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm đó thất mùa, nguồn dế từ Tây Ninh không đủ, phải mua dế từ các tỉnh khác với giá cao hơn hợp đồng để giữ thương hiệu. Ngoài cung cấp dế thương phẩm, trang trại dế của chị Dương còn đảm nhận cung cấp nguồn dế làm thức ăn cho chim cảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày 200kg dế. Năm 2020, dịch COVID bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho chị, dù thua lỗ nhưng chị cố bám nghề. Đến năm 2021-2022, chị Dương mở rộng quy mô nuôi dế thịt, chị mua sắm thêm thiết bị đông lạnh để dự trữ nguồn dế phòng khi những tháng hiếm hàng, giá cao có thể cung cấp ra thị trường thu thêm nhiều lợi nhuận. Hiện tại, trang trại nuôi dế của chị Dương có 96 chuồng, 13 hộ nuôi dế khác với 250 chuồng nuôi dế, hợp đồng bao tiêu sản phẩm dế thịt với chị. Chị có 15 tủ thiết bị đông lạnh, cung cấp ra thị trường Thành phố Hồ Chí Minh 6 tấn/1 tháng.
“Quy trình cho dế đẻ cũng đơn giản, cái mâm chao mình trộn với sơ dừa, nẹp lại để vào chuồng cho con dế đẻ. Sáng nay bỏ vào thì sáng mai mình lấy ra, 10 ngày sau trứng nở, chuồng làm sạch thả dế giống vào để nuôi. Từ ngày thả con giống vào đến ngày thu hoạch đúng một tháng là dế để thịt, còn dế đẻ thì 40 ngày”. Chị Dương cho biết.
Mỗi tháng, chị Dương xuất bán ra thị trường 7 tấn dế thịt, còn 3 tấn làm dế đông lạnh. Trong năm có 2 tháng nuôi dế ổn định nhất là tháng 6 và tháng 7. Khi thu hoạch được, chị Dương dồn hết vào kho đông, tủ đông để bảo quản, đến tháng Giêng hoặc tháng Hai thì chị xuất 5 đến 10 tấn cùng một lúc. Thời điểm này, dế bán với giá khoảng 60.000 đồng/1kg, nếu là dế có trứng thì 80.000 đồng/1kg.
Hiệu quả rõ rệt
Hiện nay, xã Tiên Thuận đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dế trên cơ sở các hộ dân đang nuôi, liên kết, tiêu thụ sản phẩm với địa phương. Còn chị Dương phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người nuôi dế ở Tiên Thuận nuôi theo hướng VIETGAP, nuôi theo tỷ lệ đạt chuẩn OCOP. Nghề nuôi dế ở Tiên Thuận được biết đến khi có đề tài tham gia Hội thi Sáng tạo và Khoa học Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh và đạt giải nhì ở Hội thi sáng tạo, được UBND tỉnh khen tặng.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, nhận định: "Mô hình nuôi dế ở Tiên Thuận là tự phát nhưng mang lại hiệu quả tích cực. Có những giai đoạn khó khăn cực đỉnh nhưng các hộ nuôi vẫn kiên trì bám nghề cho đến ngày nay. Từ việc nuôi dế tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tham mưu cấp ủy phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn dế, tạo thương hiệu cho dế Tiên Thuận đạt chuẩn OCOP."
Mô hình nuôi dế rất khả thi, hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi dế với trên khoảng 400 chuồng dế. Đặc biệt, các hộ được chị Nguyễn Thị Thùy Dương bao tiêu hết sản phẩm để xuất thị trường, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hộ nuôi dế có thu nhập ổn định.
Là vật nuôi có chi phí đầu tư thấp, chỉ cần diện tích nhỏ hẹp, dễ chăm sóc, vòng thu hoạch ngắn. Nghề nuôi dế ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã thu hút nhiều lao động ở địa phương. Các cơ sở nuôi dế đã định hình tồn tại lâu năm, Tổ hợp tác nuôi dế có mô hình tương tự làm ăn như kinh tế tập thể, liên kết chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tới đây, con đường nuôi dế sẽ phát triển theo hướng VIETGAP, đạt chuẩn OCOP. Những điều kiện này sẽ là tiền đề cho các hộ nuôi dế ở xã Tiên Thuận yên tâm, phát triển quy mô đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.