Nếu như, “Tổng thống Putin đã chết” như một kịch bản khá “rùng rợn” được đưa ra trong thời gian ông “vắng mặt” trên truyền thông Nga, thì đất nước Bạch Dương sẽ như thế nào?
Sự “biến mất” đầy bí ẩn của Tổng thống Vladimir Putin khiến công chúng Nga không khỏi hoang mang. Đến nay, chưa ai biết ông đang ở đâu. Có giả thuyết cho rằng, ông đã bị “tước quyền” trong một cuộc đảo chính!? Thậm chí ung thư, và… đã qua đời!
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov một mực khẳng định rằng, chẳng có gì bất thường hay sai trái khi ông Putin không trực tiếp xuất hiện trên truyền thông cả. Và ông Dmitry Peskov cũng thông báo rằng, Tổng thống Putin sẽ có mặt tại St. Petersburg vào ngày mai (16/3), theo dự kiến sẽ có cuộc họp với Tổng thống Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambaev.
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên kể từ “lần cuối cùng” người dân Nga “nhìn thấy” ông hôm 05/3 trong cuộc họp với Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp với Thủ tướng Italy Matteo Renzi hôm 05/3
Việc xuất hiện trở lại của Tổng thống Nga sẽ dập tắt một loạt tin đồn cùng với những giả thiết không mấy hay ho, thậm chí nực cười mà báo giới phương Tây đặt ra về sự “biến mất” của ông. Thế nhưng, nếu như… nếu như, “Tổng thống Putin đã chết” như một kịch bản khá “rùng rợn” được đưa ra trong thời gian ông “vắng mặt” trên truyền thông Nga, thì đất nước Bạch Dương sẽ như thế nào?
Mặc dù hình ảnh Tổng thống Putin vẫn xuất hiện một cách “rời rạc” trên truyền hình Nga vào các ngày 05/3, 08/3, 11/3, 12/3 và 13/3, nhưng chừng đó là không đủ với những nghi ngờ và tin đồn bủa vây quanh ông, khi giới truyền thông phương Tây nhanh chóng phát hiện ra đó không phải là những đoạn phát sóng trực tiếp.
Cho đến nay, các nhà phân tích vẫn có ít lý do để tưởng tượng ra kịch bản này - ông Putin đã qua đời. Ông chủ Điện Kremlin mới chỉ 62 tuổi, và hình ảnh thường thấy của Tổng thống trên truyền thông “nhắc nhở” thế giới rằng, ông là một người đàn ông khỏe mạnh, thể trạng tốt, yêu thể thao. Ông cũng được sử dụng như một tấm gương để nhắc nhở nam giới nước Nga thường xuyên luyện tập thể dục, nói không với rượu và thuốc lá.
Ông chủ Điện Kremlin mới chỉ 62 tuổi, và hình ảnh thường thấy của Tổng thống trên truyền thông “nhắc nhở” thế giới rằng ông là một người đàn ông khỏe mạnh, thể trạng tốt, yêu thể thao.
Song chẳng một ai có thể nghĩ rằng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il đã qua đời, vào năm 2011, khi mới chỉ 69 tuổi. Và thậm chí từng có một tiền lệ trong lịch sử nước Nga trước đây với sự “ra đi” nhanh chóng của ba nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết chỉ trong một thời gian ngắn - ông Leonid Brezhnev (giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao) mất năm 1982, ông Yuri Andropov mất năm 1984 và ông Konstantin Chernenko mất năm 1985 (cả hai ông từng giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô). Vậy thì, kịch bản một người đàn ông nam tính, khỏe mạnh, mới chỉ 62 tuổi đã qua đời… có thể xảy ra?
Do quy mô của nước Nga, sức mạnh hạt nhân, sức mạnh quân đội Nga, và tầm ảnh hưởng trong khu vực của đất nước này, sự ra đi của nhà lãnh đạo với đường lối cứng rắn Vladimir Putin có thể sẽ khiến nước Nga phải gánh chịu một hậu quả đáng kể - không kể đó là ai.
Còn nhớ, sau khi nhận được sự tín nhiệm của người tiền nhiệm Boris Yeltsin trong cuộc chuyển giao quyền lực vào năm 2000, với chủ trương đường lối cứng rắn của mình, ông Putin đã khiến nước Nga thay đổi.
Và hơn một thập kỷ đã qua kể từ ngày Tổng thống Boris Yeltsin phát biểu câu nổi tiếng: “Tôi nghỉ đây!” cùng lời nhắn nhủ cuối cùng dành cho người kế nhiệm Vladimir Putin: “Hãy giữ gìn nước Nga!”, ông chủ Điện Kremlin đã “đưa nước Nga trở lại danh sách các cường quốc thế giới”, nhưng cũng khiến nước Nga rơi vào cuộc va chạm khốc liệt trên chính trường toàn cầu do xung đột về lợi ích kinh tế cũng như lợi ích chính trị.
Thủ tướng Dmitry Medvedev sẽ là người kế nhiệm nếu Tổng thống Vladimir Putin qua đời?
Giới truyền thông phương Tây mô tả Tổng thống Putin đã “điều khiển” truyền hình, kiểm duyệt chặt chẽ internet, đưa “thông tin sai lạc” về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine... Và ngay cả cái chết của cựu Phó thủ tướng Boris Nemtsov đêm 27/02, ông chủ Điện Kremlin cũng bị cáo buộc là có dính líu trong vụ án mạng này…
Nếu “Tổng thống Putin qua đời”, theo lý thuyết, quyền lực sẽ được chuyển giao cho Thủ tướng Dmitry Medvedev, người theo Hiến pháp Liên bang Nga sẽ có 3 tháng để tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống. Và nếu vậy, ông chủ Điện Kremlin một thời (từ năm 2008 - 2012) có thể “đường đường chính chính” nắm quyền lực tối cao trong tay mình, mà không phải chịu sự “chi phối” của người đàn ông thép Vladimir Putin như phương Tây từng đánh giá.
Và nếu “ông Putin qua đời” như đúng kịch bản mà truyền thông đưa ra, thì đây sẽ là một cuộc chuyển giao quyền lực êm ả, chứ không phải một cuộc đấu tranh quyền lực kéo dài, và dường như đây sẽ là kịch bản tốt nhất cho nước Nga?
Tuy nhiên, hãy chờ đợi từ bây giờ cho đến ngày mai, khi ông chủ Điện Kremlin “tái xuất” tại St. Peterburg đúng như ông Dmitry Peskov thông báo!