Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi lần kể lại kỷ niệm lúc được gặp, biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ và đoàn Bộ Chính trị xem, ánh mắt nữ văn công lại sáng lên đầy tự hào.
Niềm đam mê ca hát bất tận từ thuở thiếu thời
58 năm đã trôi qua, nhưng với bà Nguyễn Thị Khiêm trú ở xóm 5, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu (Nghệ An), được gặp Bác Hồ, được biểu diễn cho Bác xem đó là kỷ niệm đáng nhớ và rất đáng tự hào.
Quay ngược lại thời gian, vốn có niềm đam mê ca hát, văn nghệ từ thuở nhỏ nên cứ đi đâu hay làm gì, lúc nào cô gái nhỏ tên Khiêm cũng cất tiếng hát làm niềm vui cuộc sống. Tình yêu ca hát dường như đã ngấm vào máu của cô đến quên ăn quên ngủ, đó như một món ăn tinh thần không thể thiểu đối với cô từ lúc còn trẻ cho đến sau này khi đã về già.
Mê hát đến nỗi khi đang tuổi đi học, khi cha mẹ bắt ở nhà để học bài, nhưng nghe thấy tiếng hát cất lên ở ngoài đình làng của đoàn văn công về diễn là trong lòng cô lại thấy rạo rực, những lúc ấy cô lại rón rén trốn cha mẹ để đi xem, để được học theo lời hát hay điệu múa trên sân khấu.
Đến thuở đôi mươi, cô gái nhỏ tên Khiêm ấy càng trở nên xinh đẹp, nết na nên được nhiều chàng trai trong làng, cũng như ngoài làng để mắt tới. Đặc biệt, nhờ trời phú cho giọng hát hay và ngọt ngào, nên tiếng hát của cô cất lên ở đâu là ở đó biết bao chàng trai phải lòng, thầm thương nhớ trộm đến cô.
Cũng giống như các em trong gia đình mình, là con thứ 2 trong gia đình có 7 người con, cha mẹ đều làm nông nghiệp. Ngay từ nhỏ, cô cũng như các em khác đã “thấm” tình yêu văn nghệ từ người mẹ của mình. “Mẹ tôi thích văn nghệ, yêu văn nghệ lắm. Mỗi khi rảnh rỗi, mấy mẹ con lại ngồi hát cho nhau nghe những bài dân ca…” – bà Khiêm tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Khiêm với niềm đam mê ca hát, và vinh dự được biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem.
Nhờ hát hay và xinh đẹp, nên mỗi lần ở địa phương có hoạt động văn nghệ, tên của cô đều được mọi người nhắc đến đầu tiên. Cứ vậy, cô ngày càng có nhiều đất để “diễn” hơn, tiếng hát của cô gái ngày càng được nhiều người biết đến nhiều hơn.
Năm 1960, khi ấy cô vừa tròn 20 tuổi, mặc dù có nhiều chàng trai theo đuổi cô vẫn không màng để ý tới, cha mẹ cô thấy con vẫn một thân một mình, nên cũng đã dạm được vài mối cho cô, tuy nhiên nhất mực cô đều từ chối hết. Rồi cái duyên cũng đến, cô gái đem lòng yêu mến anh chàng giáo viên nghèo tên là Cao Đình Quang ở cùng làng. Tình yêu của hai người lớn dần lên theo năm tháng, cũng như tiếng hát của cô ngày càng đạt được độ “chín” của mình sau nhiều lần tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương. Và kết quả tất yếu của tình yêu đó là một đám cưới đơn giản nhưng đầm ầm của hai bên gia đình.
Vinh dự được biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”, phận làm vợ nên việc lo toan công việc cho nhà chồng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, vốn bản tính siêng năng, chăm chỉ, không chỉ làm tròn bổn phận của một người vợ, người phụ nữ của gia đình mà mỗi khi có thời gian rỗi, cô vẫn luôn giành niềm đam mê ca hát cho bản thân mình. Lại được chồng và gia đình chồng hết lòng ủng hộ nên cô được thỏa thích với niềm đam mê của mình hơn.
“Năm 1954, khi ấy tôi mới 14 tuổi nhưng đã nằm trong đoàn văn công chủ chốt của xã Diễn Minh. Đoàn đã đi đóng tuồng, diễn văn nghệ tuyên truyền ở nhiều nơi trong cũng như ngoài xã. Mặc dù xã Diễn Minh lúc bấy giờ là một xã nhỏ, nhưng lại là địa phương nức tiếng bởi phong trào văn nghệ” – Bà Khiêm nhớ lại.
Đoàn văn công lúc đó chỉ có 5 người do ông Nguyễn Lương Duyên làm trưởng đoàn. Chỉ sau một thời gian ngắn tham gia đoàn văn nghệ, cô được bình bầu là chiến sỹ gương mẫu của đoàn. Đến năm 1960, cô vinh dự cùng đoàn văn công xã Diễn Minh được Sở Văn hóa tỉnh nghệ An chỉ định đi ra Hà Nội để biểu diễn cho Bác Hồ xem.
Bà Khiêm bồi hồi kể lại: “Biết tin được ra Hà Nội và được gặp Bác Hồ, chúng tôi ai cũng đều phấn khởi, vui mừng chuẩn bị tâm lý là sẽ được nhìn thấy Bác Hồ, nhưng vẫn rất hồi hộp vì chưa ai trong chúng tôi được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, lâu nay chỉ ngắm nhìn Bác qua ảnh”.
Do tích cực trong các phong trào văn nghệ của địa phương, nên bà được tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Từ lúc được Sở Văn hóa tỉnh thông báo, đoàn chỉ có khoảng hai tuần để chuẩn bị cho tiết mục của mình. Dù thời gian gấp rút, nhưng vì được phục vụ văn nghệ cho Bác nên ai cũng lấy đó làm động lực để chăm chỉ luyện tập cho tiết mục biểu diễn của đoàn được hoàn hảo nhất. Đoàn văn nghệ của bà Khiêm đã chuẩn bị vở kịch “Chiếc áo cánh phin” để đem ra Hà Nội.
Đúng 7h tối, có tiếng còi ôtô vang lên. Cả đoàn như nín thở sau cánh gà nhìn dồn vào cửa hội trường. Bác Hồ cùng với bác Trường Chinh, bác Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…nhanh chóng xuống xe bước vào hội trường. Vừa thấy Bác, cả hội trường đồng loạt vỗ tay và hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Bác giơ tay chào, thăm hỏi sức khỏe mọi người và dặn mọi người hóa trang cho đẹp, diễn cho tốt…Hành động của Người làm những lo lắng, hồi hộp của cả đoàn lắng xuống.
Bà Khiêm bảo: “Hôm ấy, tôi vui lắm. Được gặp Bác Hồ đã là một vinh dự, lại được múa cho Bác xem. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị Cha già bình dị, gần gũi mà thân thương…”.
“Bước ra sân khấu, tôi cố lấy lại bình tĩnh, tự chủ hơn, tôi nhìn Bác, lại nhìn khán giả, tự nhiên cảm thấy một luồng động viên to lớn. Tôi bắt đầu hát, dường như tôi đã “mê” đi trong vai diễn của mình, đồng thời cần phải “tỉnh” trong ý thức trách nhiệm nghệ thuật. Vai diễn hôm đó, đoàn văn nghệ xã Diễn Minh được huy chương vàng” - người nữ văn công năm xưa nói.
Kỷ niệm không thể nào quên
Đến nay đã bước sang tuổi 80, nhưng trông bà vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Giờ các con của ông bà đều đã lập gia đình và ở riêng cả. Tuổi già, hai ông bà ân cần chăm sóc lẫn nhau và lấy việc chăm sóc các cây cảnh, cây ăn quả trong vườn, chăn nuôi dăm con gà làm niềm vui cuộc sống, nhưng ý nghĩa hơn thế nữa, đó chính là kỷ niệm của bà về lần biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem. Kỷ niệm về những năm tháng tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho văn nghệ của xã nhà, cho đến khi về già, bà vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động thể thao, văn nghệ của tuổi già, đưa phong trào người cao tuổi của xã nhà phát triển đi lên.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Khiêm vui vẻ bên nhau ở tuổi về già.
“Khi đoàn văn công biểu diễn xong thì Bác Hồ cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Trường Chinh và bác Phạm Văn Đồng đã ra sau cánh gà để thăm hỏi anh em trong đoàn. Thấy Bác, tất cả anh em trong đoàn văn công đều hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác giơ tay vẫy chào và nở nụ cười hiền từ.
Buổi biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp và đã để lại bao nhiêu kỷ niệm cho toàn đoàn. Cuối buổi biểu diễn, Bác Hồ phát kẹo cho mọi người, đồng thời chụp ảnh kỷ niệm với từng đoàn văn công. Bà vinh dự được đứng trong đoàn chụp ảnh với Bác Hồ. Đó là một kỷ niệm vô giá và sẽ không bao giờ quên được trong tâm trí của bà. Và điều bà tiếc nuối nhất cho đến bây giờ là đã không thể giữ được tấm ảnh kỷ niệm năm nào của đoàn văn công xã Diễn Minh do xảy ra lũ lụt nhiều lần nên đã bị mất đi.