Đại hội cổ đông vừa qua của Công ty CP Tập đoàn FLC xuất hiện một gương mặt nữ khả ái trong thành viên HĐQT. Chưa tới 40 tuổi, là Tiến sĩ Luật quy hoạch xây dựng, bà Hương Trần Kiều Dung đã được bầu làm Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ thường trực FLC.
Một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành tham vọng nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ thường trực FLC.
Nếu nói kết quả của các đợt phát hành cổ phiếu là chỉ báo quan trọng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của doanh nghiệp thì bà Dung và các cộng sự tại FLC đã và đang làm rất tốt điều này. Trong quý I vừa qua, đợt phát hành 77,18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng gấp đôi vốn điều lệ của FLC đã được thị trường đánh giá là thành công.
Là một tập đoàn đa ngành với hoạt động cốt lõi là đầu tư và phát triển các dự án bất động sản, FLC trong 5 năm qua đã lớn mạnh cả về quy mô doanh thu lẫn vốn chủ sở hữu. Bất chấp bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản, FLC cho biết dự án FLC Landmark Tower vẫn được hoàn thành xây dựng và đã bán hết 100%. Việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu thông qua các đợt phát hành đã giúp FLC có nguồn tiền để mua lại những dự án tiềm năng như FLC Garden City và gần đây nhất là dự án FLC Complex tọa lạc tại khu đất đắc địa 36 Phạm Hùng.
Sự thành công trong khủng hoảng chính là nền tảng tạo niềm tin cho cổ đông và nhà đầu tư trong các dự án tiếp theo của FLC, khi mà bức tranh thị trường sáng sủa hơn và kinh nghiệm cũng như tiềm lực của Tập đoàn đã được tích lũy đáng kể.
Chia sẻ về bí quyết vượt qua khó khăn trong khủng hoảng của Tập đoàn FLC, bà Dung cho biết: “Với chiến lược đầu tư đúng hướng, chiến lược quản trị, nhất là quản trị rủi ro hiệu quả, Tập đoàn FLC vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh khả quan với doanh thu, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước”.
Khi các thành viên ban điều hành của FLC hầu hết đều là luật sư, văn hóa kinh doanh của Tập đoàn chính là sự thận trọng và chắc chắn, đặc biệt là trong vấn đề pháp lý. Đây cũng chính là một lợi thế cạnh tranh đáng kể của FLC khi doanh nghiệp này hoạt động trong ngành bất động sản tại Việt Nam.
Bảo vệ Tiến sĩ Luật quy hoạch xây dựng tại Pháp, cùng hơn 13 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và triển khai các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam, bà Dung còn là giám đốc của Công ty FLC Land. Đây là công ty con 100% vốn của Tập đoàn FLC và là chủ đầu tư của dự án FLC Landmark Tower. Đồng thời, bà Dung cũng là Phó tổng giám đốc chuyên trách pháp chế và phát triển dự án của Tập đoàn FLC. Với vai trò là Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Phát triển dự án, sắp tới bà Dung sẽ gánh vác một trọng trách nặng nề hơn rất nhiều khi bà sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho hàng loạt dự án mới của Tập đoàn FLC tại miền Trung trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Tập đoàn FLC sẽ đầu tư một quần thể sân golf- resort - khách sạn với diện tích 450 ha, có tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỉ đồng tại xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nguồn vốn cho các dự án này được kỳ vọng đến từ các cổ đông cũ thông qua phát hành mới cho các trái chủ và cả cổ đông chiến lược nước ngoài.
Vừa qua, GEM Global Yield Fund, một quỹ đầu tư tài chính được thành lập năm 1991 có trụ sở tại London, New York, Paris và Hồng Kông, đã cam kết đầu tư 800 tỉ đồng dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của FLC.
Lễ khởi công sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links.
Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links chính là tâm điểm của quần thể khép kín này. Chạy dọc bờ biển Sầm Sơn sẽ là sân golf 18 lỗ, rộng hơn 92 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng. Dự án do công ty thiết kế sân golf Nicklaus Design, đơn vị đã xây dựng 380 sân golf trên toàn thế giới thiết kế, thực hiện. Đây là địa điểm có vị trí tiềm năng hiếm có để xây dựng sân golf dạng links độc đáo, là nơi giao thoa giữa cửa biển và dòng sông Mã, giáp Khu du lịch biển Sầm Sơn.
Đây cũng là dự án sân golf đầu tiên tại Thanh Hóa, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và là dự án hạ tầng du lịch lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực Bắc miền Trung.
Bên cạnh dự án FLC Samson Golf Links, Tập đoàn FLC sẽ đầu tư xây dựng khu quần thể văn hóa du lịch Cồn Nổi có quy mô trên 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng, được thiết kế trở thành một khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều hạng mục như khu giải trí trong nhà, ngoài trời, hệ thống nhà hàng, quán bar, bể bơi 4 mùa, khách sạn, biệt thự, nhà liền kề.
Đặc biệt, một hệ thống cáp treo hiện đại nối liền Cồn Nổi với đất liền cũng sẽ được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, cũng như mang lại trải nghiệm thú vị khi ngồi trên cáp treo di chuyển trên mặt biển.
Sầm Sơn là một địa danh khá nổi tiếng về nghỉ mát và du lịch của xứ Thanh, có lợi thế về bãi biển đẹp rộng hơn 200 m trải dài trên diện tích khoảng 150 ha. Địa phương này đã đón gần 2,5 triệu lượt khách trong năm 2013. Đây cũng là điểm đến nổi tiếng của du lịch văn hóa tâm linh gần các dự án khu kinh tế lớn của cả nước. Tiềm năng ở nơi đây dù rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hết.
Khi được hỏi vì sao quyết định chọn Thanh Hóa làm địa điểm đầu tư trong giai đoạn mới, bà Dung cho biết: “Tham vọng của chúng tôi là tạo ra một khu dịch vụ đẳng cấp về chất lượng dịch vụ, hoành tráng về quy mô, đa dạng về hình thức dịch vụ..., biến những bất lợi về thời tiết theo mùa cho du lịch nghỉ dưỡng của miền Bắc, miền Trung hiện nay thành điểm mạnh thu hút du khách thông qua những dịch vụ vui chơi giải trí phù hợp cho các mùa, đi kèm khu nghỉ dưỡng cao cấp”.
Không chỉ đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng, FLC còn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở tại tỉnh này với dự án nhà ở hỗn hợp Nam thành phố Thanh Hóa. Dự án có diện tích 2 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 800 tỉ đồng. Việc đầu tư dự án này là nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Thanh Hóa, một trong những tỉnh đông dân nhất cả nước.
Kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của FLC đã là 144 tỉ đồng, cao hơn năm ngoài và gần bằng 50% kế hoạch năm. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thường dồn vào 6 tháng cuối năm, do đó nhiều khả năng FLC sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (350 tỉ đồng). Đây sẽ là thông tin tích cực giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đợt phát hành cổ phiếu mới với tỉ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu sắp diễn ra.
Để một nữ luật sư quản lý và điều hành các dự án bất động sản cả ngàn tỉ đồng có thể là một ý tưởng tuyệt vời của HĐQT Tập đoàn FLC khi sự am hiểu pháp lý kết hợp với đức tính thận trọng và mềm mỏng sẽ là vũ khí lợi hại của họ trên thị trường vô cùng phức tạp này.