Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người nữ Tổ trưởng Công ty Cao su Phú Riềng trong phiên toà phúc thẩm không thể vơi đi sự bức xúc của gia đình người bị hại. Ra tay tàn độc lạnh lùng, bất chấp hậu quả để trả thù, kết cục mà nữ Tổ trưởng gánh chịu là oán chồng thêm oán, ngoài ra bị cáo còn phải lãnh mức án tù chung thân để trả giá cho những lỗi lầm không
Các bị cáo tại Toà
Gắn bó với cây cao su hàng chục năm, Trần Thị Liên (SN 1951) mới được bổ nhiệm là Tổ trưởng tổ 5, đội 3, Nông trường 7, Công ty Cao su Phú Riềng. Trong dịp Tết nguyên đán, Công ty thưởng 18 công nhân trong tổ 5 tổng cộng 28,8 triệu đồng. Do lóa mắt vì tiền, Liên không phát cho công nhân mà ém lại tiêu xài cá nhân. Vụ việc bị anh Lê Hải Đăng phát giác và hướng dẫn cho anh Trần Huy Cường, công nhân tổ 5 nên làm đơn tố cáo Liên đến lãnh đạo Công ty. Khi thanh tra vào cuộc, Liên thừa nhận sai phạm, bị kiểm điểm và buộc phải chi trả tiền thưởng cho mọi người. Sau vụ “ăn chặn” tiền thưởng hụt trên, Liên tỏ ra cay cú và nảy sinh ý định phải trả thù anh Đăng.
Ngày 18-2, Liên bàn bạc với con trai là Nguyễn Trung Kiên (SN 1977), gọi điện cho cháu ruột Trần Anh Dũng (SN 1982) tìm người đánh dằn mặt anh Đăng. Do có mối quan hệ với các đối tượng bất hảo nên Dũng nhanh chóng huy động được một lực lượng hùng hậu gồm Trương Văn Bình (SN 1983), Lê Phạm Tuấn (SN 1983), Nguyễn Thanh Tùng (SN 1983), Lê Văn Sơn (SN 1980), Hoàng Minh Hiền (SN 1982), Phạm Thạch Thị (SN 1986) và Trần Hoàng Ân (SN 1983). Cả bọn thuê hẳn chiếc xe ôtô BKS 61H-2163 tiến lên xã Bù Nho. Tại nhà Liên, Kiên đứng lên “phổ biến” kế hoạch cho đồng bọn: “Thằng Đăng nó bố láo lắm, anh em phải đánh cho nó một trận”. Liên nói với Dũng: “Đánh cho nó gãy tay, gãy chân cho nó chừa”. Cả bọn đồng ý và kéo nhau đi nhậu để tăng thêm “nhuệ khí”.
Sau đó, Dũng sắp xếp Sơn dẫn cả bọn đi trước, riêng Dũng và Kiên ở lại chờ xe rồi xuống sau. Trong lúc bàn bạc, Liên chỉ thị cho đồng bọn: “Tụi bây mua xăng đốt cháy nhà thằng Đăng cho tao!”. Kiên liền lấy dao và xăng đưa cho Dũng. Kiên và đồng bọn được trang bị hung khí đến “tận răng”, hùng hổ kéo đến nhà anh Đăng. Thị và Quang cầm dao, gậy đập phá nhà, Sơn tưới xăng, Hiền bật lửa đốt, các đối tượng còn lại lấy đá ném vào nhà anh Đăng. Trước hành vi ngông cuồng của Kiên và đồng bọn, anh Lê Dương Liễu (em ruột anh Đăng) hoảng sợ chạy ra khỏi nhà liền bị Dũng phát hiện và tưởng nhầm là anh Đăng. Dũng soi đèn xe và cùng Bình, Thị, Tùng đuổi theo. Khi đuổi kịp anh Liễu, bọn chúng dùng đá, dao, gậy tấn công nạn nhân quyết liệt khiến anh Liễu gục chết ngay tại chỗ. Khi thấy nạn nhân nằm bất động, bọn chúng mới bỏ chạy ra đường, leo lên xe ôtô và cùng đồng bọn tẩu thoát về tỉnh Bình Dương.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước nhận định bị cáo Trần Thị Liên tổ chức thực hiện hành vi phạm tội theo kiểu xã hội đen để trả thù. Đây chính là tình tiết tăng nặng định khung, phạm tội có tổ chức, vì động cơ đê hèn… Với nhiều tình tiết tăng nặng, cấp sơ thẩm tuyên phạt Liên mức án tử hình về tội “Giết người”. Các bị cáo Trần Anh Dũng, Trương Văn Bình lãnh án tù chung thân…
Sau phiên toà sơ thẩm, VKSND tỉnh Bình Phước quyết định kháng nghị tăng hình phạt đối với một số bị cáo. Riêng Trần Thị Liên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Toà Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử vụ giết người do Trần Thị Liên cầm đầu. Tại phiên toà phúc thẩm, Trần Thị Liên rơi nước mắt thừa nhận hành vi phạm tội. Chỉ vì bị kích động, nhất thời không kiềm chế được mà tổ chức đồng bọn gây án, gây hậu quả đau lòng. Tuy nhiên, Liên vẫn xin Toà tha tội chết vì bị cáo phạm tội lần đầu, là công nhân ngành cao su lâu năm và có những đóng góp nhất định…
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm xử lý đúng người, đúng tội, Liên là kẻ cầm đầu, rủ rê lôi kéo người khác phạm tội mang tính chất băng nhóm xã hội đen. Tuy nhiên, Liên có nhiều tình tiết giảm nhẹ, do đó HĐXX giảm án từ tử hình xuống mức tù chung thân. Cánh cửa chiếc xe tù đóng sập, Trần Thị Liên sẽ phải trả giá bằng những tháng ngày còn lại trong nhà giam.
(Tên bị cáo đã thay đổi)
An Dương