Tòa án địa phương

Nữ Thẩm phán tận tâm với công việc

Thành Phan 02/04/2024 - 10:42

Hơn 20 năm công tác trong hệ thống Tòa án, Thẩm phán Lê Thị Phong, Phó Chánh án TAND thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá) luôn tận tâm với nghề, giữ vững lập trường chính trị, được lãnh đạo và đồng nghiệp tại đơn vị tin tưởng và đánh giá cao.

Bắt đầu vào công tác ngành Tòa án năm 1997, đến năm 2020, Thẩm phán Lê Thị Phong được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh án TAND thành phố Sầm Sơn. Là người hết lòng vì công việc, chị luôn đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án tốt nhất có thể nên trong cơ quan chị luôn là người giải quyết nhiều loại án khó nhất.

tandsamson2.jpg
Thẩm phán Lê Thị Phong, Phó Chánh án TAND TP. Sầm Sơn là người luôn tận tâm với công việc

Theo Thẩm phán Phong, khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị luôn chịu khó nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập điều tra xác minh đầy đủ các chứng cứ, xây dựng thủ tục tố tụng chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, cân nhắc, cẩn trọng, chính xác, kỹ lưỡng… để đi đến một phán quyết đúng đắn, hợp lý, hợp tình để người dân tin vào công lý và sự công bằng của pháp luật. Do đó, các vụ án hình sự luôn được đảm bảo xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan, không bỏ lọt tội phạm.

Với các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, nữ Thẩm phán Lê Thị Phong luôn chú trọng đến công tác hòa giải, giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, thuyết phục, động viên các đương sự bàn bạc, thỏa thuận phương án giải quyết, tỷ lệ án hòa giải thành cao. Đường lối giải quyết án tốt, đảm bảo sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên đương sự.

Ngoài những áp lực trong nghề, nữ Thẩm phán Lê Thị Phong cũng chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở, khi nghĩ về các vụ án. Theo chị, mỗi vụ việc có những tình tiết khác nhau, đằng sau đó là biết bao câu chuyện, số phận buồn. Có những bị cáo tuổi đời đang còn rất trẻ, thiếu hiểu biết quy định pháp luật, dẫn đến phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng. Những vụ án ly hôn, chia con giữa phiên tòa, chứng kiến những đứa con gào khóc vì bố mẹ, là người phụ nữ, chị cũng rất xót xa khi chứng kiến các bé phải chọn ở cùng cha hay mẹ.

Nhớ về một vụ hôn nhân gia đình trước đây chị giải quyết, người vợ làm đơn ly hôn gửi lên tòa, nhưng người chồng không đồng ý. Để níu kéo tình cảm, anh chồng đã bế theo đứa con 2 tuổi lên núi Trường Lệ, đòi nhảy xuống biển tự tử. Chị đã kiên trì, phân tích thấu đáo và làm cầu nối hóa giải những mâu thuẫn cho họ hiểu, cùng nhìn nhận mặt còn hạn chế của nhau để xây đắp tổ ấm. Sau khi hòa giải thành công, vợ chồng đã về chung sống hòa thuận.

tandsamson.jpg
HĐXX sơ thẩm do Thẩm phẩn Lê Thị Phong làm Chủ tọa phiên tòa

Bên cạnh công tác chuyên môn, Thẩm phán Lê Thị Phong còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, hoạt động phong trào ở cơ quan cũng như tại địa phương. Chị thường xuyên có những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao của cơ quan, khuyến khích, cổ vũ, động viên kịp thời toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các hoạt động thi đua yêu nước.

Trong quá trình công tác, để kịp thời động viên cũng như ghi nhận những cống hiến của Thẩm phán Lê Thị Phong, Lãnh đạo TANDTC cũng như lãnh đạo địa phương trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Nhận xét về Thẩm phán Lê Thị Phong, Chánh án TAND thành phố Sầm Sơn Ngô Thị Hà cho biết: Thẩm phán Lê Thị Phong là người có trách nhiệm trong công việc, luôn nêu cao và giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật trong vai trò của mình. Đồng thời, chị Phong là người khiêm tốn, có ý thức gương mẫu, chấp hành, thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong cơ quan và tại địa phương, được các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp và nhân dân đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ Thẩm phán tận tâm với công việc