Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng Tiêu Phương Anh (28 tuổi) vẫn thử thách bản thân khi đăng ký học song bằng ngành Báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với quyết tâm trở thành nhà báo.
PV: Được biết, khi chưa đầy 1 tuổi thì Phương Anh đã bị khiếm thị, vậy bạn phát hiện ra căn bệnh này bằng cách nào và phản ứng của gia đình lúc ấy ra sao ?
Phương Anh: Căn bệnh khiếm thị không bị ngay từ khi mới sinh ra. Vì sinh non, bản thân mình bé quá nên phải nằm lồng ấp khoảng 3 tháng đầu. Phải đến khi tầm 7 tháng tuổi, thấy mình dụi mắt nhiều thì gia đình mới phát hiện ra. Khi ấy, gia đình mình vẫn chưa hiểu căn bệnh khiếm thị là như thế nào. Mọi người tìm và đưa mình đi chữa trị nhưng tất cả các bệnh viện đều trả về và kết luận rằng: Dây thần kinh đó bị teo và chưa phát triển đầy đủ vì sinh thiếu tháng.
PV: Khiếm thị từ khi còn quá nhỏ (chưa đầy 1 tuổi), chưa đủ nhận thức, Phương Anh đã gặp phải khó khăn gì trong việc sinh hoạt hằng ngày cũng như trong học tập ?
Phương Anh: Mình vẫn có thể đi lại trong nhà. Việc sinh hoạt hằng ngày mình vẫn có thể làm như người bình thường và ông bà bố mẹ là người dạy mình. Hồi nhỏ, mình rất tự ti vì tới 12 tuổi, mình mới được đi học lớp 1 ở trường dành cho trẻ khiếm thị của Hải Phòng. Đến hết cấp 1, mình mới chuyển sang trường bình thường.
Thay đổi môi trường khiến mình cảm thấy hơi bỡ ngỡ. Giáo viên nói nhanh, dạy kiến thức nâng cao và mình phải làm nhiều bài tập hơn. Vì không chép được bài, mình thường mua thêm sách, nhờ bà đọc cho chép bằng chữ nổi. Sau này, nhờ bạn bè, thầy cô giúp đỡ, mình đã tự tin hơn về bản thân.
PV: Sống cùng căn bệnh bẩm sinh và chấp nhận nó như một điều thiếu may mắn trong cuộc đời, làm thế nào để Phương Anh có tinh thần lạc quan và nỗ lực vượt qua những khó khăn?
Phương Anh: Mình luôn có gia đình và bạn bè ở bên chia sẻ. Ngoài ra, mỗi khi buồn, mình thường nghe những bài hát có thông điệp tích cực, giai điệu sôi động khiến mình như được tiếp thêm sức mạnh. Khoảng năm 11 tuổi thì mình tình cờ biết đến ca sĩ Đông Nhi trong chương trình Vietnam Idol. Câu chuyện về sự nỗ lực của chị khi trong gia đình không có ai theo nghệ thuật, niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt của chị ấy đã thôi thúc mình phải cố gắng vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để học tập nếu muốn có một công việc hay vị trí.
PV: Hành trình theo đuổi đam mê học tập của chị có nhận được sự ủng hộ từ gia đình, người thân không?
Phương Anh: Hành trình theo đuổi đam mê của mình lúc nào cũng có mẹ, bà và cô sát cánh ở bên, tuy nhiên bố mình lại không mấy ủng hộ việc mình theo đuổi con đường học tập. Bố luôn nghĩ rằng con gái sẽ không thể kiếm được việc làm, sẽ không nơi nào nhận người có khiếm khuyết như mình. Nhưng mình không nghĩ như vậy, quan trọng là trong quá trình học tập mình đã cố gắng và nỗ lực như thế nào bởi xã hội bây giờ ngày càng bình đẳng, cái nhìn của mọi người về người khiếm thị cũng cởi mở hơn trước rất nhiều.
PV: Tại sao Phương Anh lựa chọn học Văn hoá học là ngành đầu tiên khi bắt đầu học đại học?
Phương Anh: Ban đầu mình không định chọn Văn hoá học vì mình từng nghĩ học Văn hoá học giống như các nhập môn của Đại học Văn hóa và đó không phải là ngành học yêu thích của mình. Mình thích ngành Báo chí nhưng sợ điểm cao và đông các bạn đăng ký, nên mình lo lắng sẽ không thi đỗ.
PV: Học song bằng tốn nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều. Vậy bạn sắp xếp thời gian biểu như thế nào và động lực nào đã giúp Phương Anh theo đuổi con đường học tập đầy thử thách ấy?
Phương Anh: Trước hết, mình sẽ nói về thời gian biểu. Có nhiều khi mình phải học 30-31 tín chỉ/kỳ, có những khi là 33 tín chỉ/kỳ. Kỳ đầu tiên học song bằng học 31 tín chỉ, kỳ thứ 2 là 30 tín chỉ. Thời gian học kỳ đầu khi học bằng kép, mình vào lớp từ 7h cho đến 15h30, có nghĩa là 3 ca. Còn kỳ thứ 2 là từ 7h - 18h30 với 4 ca.
Thực tế, mình cảm thấy hành trình này không có nhiều khó khăn. Bởi khi mình đặt bút đăng ký ngành Báo chí, tức là mình đã chấp nhận sẽ phải dành nhiều thời gian hơn, vất vả hơn các bạn học khác. Và động lực để mình học văn bằng 2 là niềm đam mê, sự ham học hỏi và khao khát chinh phục những đỉnh cao. Mình tin chỉ cần có đam mê, không khó khăn nào mình không thể vượt qua.
PV: Bên cạnh việc học ở trường, Phương Anh có tham gia các chương trình ngoại khóa hay làm thực tập sinh không?
Phương Anh: Hiện tại, Mình chưa trở thành thực tập sinh của bất kỳ cơ quan báo chí nào tuy nhiên nếu có cơ hội, mình sẽ tham gia. Mình cũng đang là thành viên của Câu lạc bộ “Hoa đá Nhân văn”, một câu lạc bộ dành cho những sinh viên khuyết tật. Mình cùng các thành viên trong câu lạc bộ đang tham gia một số hoạt động tình nguyện. Mình cũng tham gia một số hoạt động ngoại khóa do trường và các khoa tổ chức như: talkshow, các chương trình văn nghệ,...
Bên cạnh đó, đi xem triển lãm, ca nhạc hay xem phim cũng là sở thích của mình. Dù nhiều người cho rằng các hoạt động như vậy là đi chơi, có phần vô bổ. Nhưng đi nhiều như vậy sẽ giúp mình học hỏi được nhiều kiến thức. Đi xem ca nhạc sẽ có kiến thức về âm nhạc, đi xem phim sẽ có thêm kiến thức về điện ảnh. Những thứ đó sẽ giúp mình có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, phục vụ cho tương lai sau này trở thành phóng viên.
PV: Có khi nào bạn cảm thấy tự ti bởi trong môi trường đại học có nhiều bạn trẻ cùng trang lứa với mình, họ bình thường, họ đi học và có đầy đủ điều kiện để phát triển?
Phương Anh: Mình không tự ti. Không có khái niệm tự ti trong bản thân mình và mình cũng không quan tâm người khác nói gì. Mình cho rằng quan trọng nhất là bản thân mình học tập, cố gắng thế nào và mình sống ra sao. Bởi những lời bàn tán và phán xét không hề hỗ trợ được gì cho bản thân mình. Chính vì vậy, mình đã học cách sống và tìm cách hòa nhập với mọi người.
PV: Bạn từng xuất sắc đạt GPA 3.9/4.0 ở văn bằng Báo chí. Vậy bạn có bí kíp hay công cụ hỗ trợ nào để vượt qua khiếm khuyết là đôi mắt và đạt được thành tựu đáng khen ngợi như vậy?
Phương Anh: Trong học tập, chiếc máy tính đã hỗ trợ mình nhiều nhất. Vì khi mình lên đại học, đa phần sinh viên đều sử dụng giáo trình điện tử, nên việc theo dõi bài giảng của mình có chút khó khăn. Trong máy tính của mình có một hệ thống đọc màn hình. Khi mình di chuột tới đâu, thì hệ thống sẽ phát ra âm thanh tới đó. Cho nên, mình có thể chủ động nắm bắt được toàn bộ bài giảng chỉ với chiếc laptop.
Đặc biệt, Mình cho rằng bí kíp để đạt được điểm cao cũng phụ thuộc vào quá trình các bạn ghi bài, lắng nghe các bài giảng của thầy cô ở trên lớp. Mình thường ghi bài dưới dạng từ khóa bằng chữ nổi. Từ đó, Mình có thể tóm tắt lại toàn bộ nội dung bài giảng. Một bí kíp khác là chịu khó phát biểu trong giờ học. Mình thường đặt câu hỏi cho các thầy cô và nhờ thầy cô giải đáp thắc mắc. Khi mình đã hiểu vấn đề, mình sẽ đạt được điểm cao hơn.
PV: Bạn từng chia sẻ, vì hâm mộ Đông Nhi nên bạn quyết tâm trở thành phóng viên mảng giải trí. Vậy tại sao không phải là khao khát trở thành một nghệ sĩ như Đông Nhi, mà lại là một phóng viên mảng giải trí?
Phương Anh: Mình yêu ngành Báo chí bởi làm báo có thể cho mình nhiều cơ hội hơn. Nhưng với một nghệ sĩ thì khác. Làm trong ngành giải trí đòi hỏi nhiều yếu tố về bề ngoài, phong cách, kỹ năng và môi trường khi có điều kiện tiếp xúc nghệ thuật từ nhỏ. Tuy nhiên, một phóng viên mảnggiải trí sẽ có kiến thức rộng hơn và được đi tác nghiệp nhiều hơn. Với những kiến thức được thầy cô giảng dạy trên trường, lớp, mình sẽ có nhiều cơ hội được va chạm, được đi nhiều và trải nghiệm nhiều.
PV: Bạn sẽ tác nghiệp như thế nào nếu trở thành một phóng viên mảng giải trí?
Phương Anh: Tác nghiệp tùy thể loại báo chí mình lựa chọn, như đề tài nghiên cứu thì mình đã tự đi phỏng vấn cho những bài tập thực hành. Mình cho rằng quan trọng nhất là phải vượt qua nỗi sợ, khi quen rồi thì sẽ làm được hết.
Mình lo lắng nhất là làm sao để xin phỏng vấn nhân vật và tác nghiệp có ảnh chụp. Tuy nhiên, mình đã đọc một số bài viết về sự kiện tương đương để học hỏi về cách viết và trau dồi văn phong. Đồng thời, mình cũng đã có những phương án dự phòng riêng. Dẫu biết việc tác nghiệp độc lập như vậy sẽ rất khó, nhưng chỉ cần cố gắng, không việc gì làm khó được mình.
PV: Thông điệp mà Phương Anh muốn gửi tới những bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt?
Phương Anh: Quan trọng là các bạn có đam mê, bố mẹ chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ. Khi đi học, cần phải cố gắng nhiều hơn người bình thường, gấp đôi, gấp ba. Thứ hai, hãy tự tin, không sợ sệt, thoát khỏi vùng an toàn, tự tin giao tiếp, làm quen với môi trường xung quanh.
Cảm ơn Phương Anh vì cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa!