Những người dự khán phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Nguyễn Đán (ngụ tỉnh Vĩnh Long) về tội “Giết người” không khỏi sững sờ khi nghe vợ Đán yêu cầu Tòa án áp dụng hình phạt cao nhất, loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội người chồng từng “môi kề má ấp”.
Song, có ở vào hoàn cảnh của người vợ, người ta mới cảm thông bởi nỗi đau đớn mà Đán gây ra thật nhức nhối, nhát dao trong cơn say đã cướp đi sinh mạng người mà Đán gọi bằng bố vợ, đồng thời cắt đứt tình thông gia… Tất cả những bi kịch đó đều bắt nguồn từ men rượu.
Tổ ấm của chàng thợ hàn Nguyễn Đán từng là niềm mong ước của nhiều người đàn ông trong khu công nghiệp mà Đán làm việc. Ai cũng nói Đán là người tốt số, lấy được người vợ hiền. Chị Trần Thị Trang, vợ Đán là người có nghề nghiệp ổn định, lại làm công tác sư phạm ở một trường học trong huyện. Chị Trang và Đán có thời gian quen nhau khá lâu trước khi tiến đến hôn nhân vào năm 2011. Sau đám cưới, vì yêu cầu công việc của chị Trang nên Đán cũng vui vẻ dọn đến nhà vợ ở rể. Họ nhanh chóng có một cô con gái, tưởng như hạnh phúc sẽ mỉm cười lâu dài với vợ chồng Đán.
Hình minh họa
Trong khu công nghiệp nơi Đán làm việc, thường sau mỗi buổi chiều, nhiều thanh niên hay tổ chức nhậu với lý do “giãn gân giãn cốt”. Đán tuy có vợ và con nhỏ nhưng do ham vui nên thường hay nán lại uống vài ly với bạn bè. Nhậu riết thành thói quen và sinh tật mê rượu, Đán bắt đầu bỏ bê gia đình, nhiều khi ăn nhậu đến khuya mới mò về nhà. Ông Trần Thịnh, bố vợ Đán là đàn ông nên ban đầu cũng hiểu và thông cảm cho chàng rể. Vài lần Đán gây phiền phức cho ông như nhậu say bị Cảnh sát giao thông xử lý khiến ông đêm khuya phải lọ mọ chạy xe đi đón chàng rể. Có nhiều khi, Đán say quá không biết trời đất là gì, ông cũng phải lẳng lặng dìu vào nhà, pha nước giải rượu cho uống. Nhiều lần, ông lựa lời khuyên Đán nên uống ít để giữ gìn sức khỏe và không khí hòa thuận gia đình, Đán vâng dạ lúc tỉnh nhưng khi uống vào, Đán lại quên hết…
Vào một chiều cuối tháng 8/2014, Đán được người bạn cùng xưởng ngỏ lời mời dự sinh nhật. Đán vui vẻ đồng ý và uống liên tục trong suốt cuộc vui nên say khướt. Khi đồng hồ điểm 21 giờ, Đán mới lảo đảo ra xe máy chạy về nhà. Trong khi đó, gia đình vợ Đán lòng như lửa đốt vì lo lắng cho chàng rể, không biết uống say có biết đường về nhà hay không. Chị Trang chờ chồng mãi không thấy nên đóng cửa vào nhà ru con ngủ. Khi Đán về tới kêu cửa liên hồi nhưng do giận chồng nên chị Trang không lên tiếng. Lúc này, ông Thịnh còn thức, nghe tiếng con rể kêu, ông chạy ra và lắc đầu ngán ngẩm khi thấy Đán nồng nặc mùi rượu. Ông ôn tồn khuyên Đán: “Con có gia đình, có con nhỏ, nên hạn chế ăn nhậu bên ngoài về phụ vợ con ạ”. Trong cơn say, Đán lè nhè: “Bạn thân bố mời, thử hỏi bố dám không tới không?”. Ông Thịnh giận quá, không ngờ nó dám đốp chát lại với cả bố nên không kiềm chế được, ông giáng cho Đán mấy bạt tai.
Thấy ồn ào, bà Nguyễn Thị Nhung (vợ ông Thịnh) chạy ra, nhìn thấy con rể lại say khướt nên bà Nhung buồn bực nói với chồng: “Ông đánh cho nó bỏ cái tật rượu chè đi”. Đán lúc này vẫn đang say, trước giờ, Đán cam tâm tự nguyện ở rể và không hề mâu thuẫn gì với bố mẹ vợ. Vậy nhưng đêm nay, Đán cảm giác bị xúc phạm vì cho rằng bố mẹ vợ “ỷ đông hiếp cô”. Đán đi ra xe máy kiểm tra xem còn xăng không để về thẳng nhà bố mẹ ruột. Tuy nhiên, khi mở cốp, Đán thấy có một con dao lê vợ nhờ đi cạo rỉ. Cơn giận trào lên mất hết lý trí, Đán xách hung khí tiến về bố vợ và thách: “Bố đánh con lần nữa xem nào”. Ông Thịnh nghĩ chắc nó dọa chứ dễ gì dám đâm bố nên đánh thêm vào mặt Đán. Đán vung lưỡi lê lên, sau khi thấy ông Thịnh gục xuống, Đán mới chạy về nhà kể lại cơ sự với mọi người. Sáng hôm sau, Công an đến nhà bắt Đán về tội “Giết người”.
Trong phiên tòa lưu động, Đán co rúm người lại trước ánh mắt của những người quen biết. Lúc vung lưỡi lê lên, Đán vẫn đang say và bất chấp hậu quả của hành vi phạm tội. Giờ đứng trước vành móng ngựa, Đán thành khẩn khai báo và tỏ thái độ rất ân hận về tội lỗi của mình. Đán chết điếng khi nghe vợ đề nghị Tòa xử phạt thật nghiêm, áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo. Chị Trang đã không thể tha thứ được cho người chồng bất nhân, bất nghĩa nữa. Từ ngày bố qua đời, chị sống trong nỗi đau đớn, dằn vặt. Nỗi đau đớn còn nhân lên khi chính mẹ vợ cho rằng, Đán cố tình chuẩn bị hung khí để hạ sát chồng bà, cần phải xử nghiêm không thể khoan dung. Đán bị Tòa tuyên mức án 18 năm tù về tội “Giết người”. Trước khi bị áp giải về trại giam, Đán quay lại nhìn người mẹ già héo hon vì một đứa nghịch tử như Đán. Lời năn nỉ của bà van xin phía gia đình vợ tha thứ cho Đán vẫn như còn văng vẳng bên tai. Lúc này, Đán chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, giá như Đán đừng nghiện rượu và biết cư xử đúng đạo hiếu thì bi kịch này đã không xảy ra!
(Tên nhân vật đã được thay đổi)