Trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, đã có nhiều giải pháp kích cầu nền kinh tế được các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đưa ra.
Tạo sức bật cho nền kinh tế 6 tháng cuối năm
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội tại hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo ông Dũng, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP của quý 2 chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do gần hết tháng 4 phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.
Vậy nên tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Dũng cho rằng, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan. Phương châm là “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” như Thủ tướng Chính phủ khởi xướng.
Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, cần đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa; tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, đến nay ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, có 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch và chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 29/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỉ đồng. Hiện đã thực hiện giải ngân gần 11,3 nghìn tỷ đồng tập trung vào lao động tạm hoãn hợp đồng, không có giao kết hợp đồng, lao động mất việc, lao động tự do cùng các nhóm đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội, cận nghèo, người nghèo, người có công… Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng đang thực sự phát huy tác dụng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc triển khai hỗ trợ, ngoài Thanh Hóa dừng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát đối tượng này thì cả nước chỉ phát hiện có 3 thôn, bản có vi phạm trong việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và đã được xử lý nghiêm.
Ông Dung cũng cho biết, quá trình triển khai gói hỗ trợ gặp một số khó khăn do đối tượng đa dạng, dễ trùng lắp, một số địa phương do sợ sai nên thận trọng chậm phê duyệt, chậm triển khai, làm giảm ý nghĩa tính chất, ý nghĩa hỗ trợ. Ngoài ra, một số địa phương khó khăn kinh phí nên phê duyệt rồi mà chưa hỗ trợ. Thực tế, gói 16.000 tỷ do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gặp khó khăn do chúng ta đưa ra tiêu chí quá cao.
Vậy nên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ là giáo viên các trường tư thục mất việc làm, ngừng việc làm. Đồng thời, "nới" điều kiện nhận hỗ trợ gói 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay trả lương theo hướng bỏ tiêu chí thứ 2 là không có nguồn thu mới được vay; Chính phủ điều chỉnh cho doanh nghiệp vay tới hết tháng 12/2020 và coi đây là giải pháp vừa kích cầu tiêu dùng vừa kích cầu sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất điều chỉnh điều kiện doanh nghiệp nhận hỗ trợ gói 16.000 tỷ và đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo vấn đề này. Chính phủ đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp, điều chỉnh một số tiêu chí trong gói 16.000 tỷ vay không lãi.
Giải pháp của các địa phương
Cùng với các bộ ngành, nhiều địa phương đề xuất giải pháp kích cầu nền kinh tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất: Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội. Các biện pháp cụ thể gồm: TP sẽ chuẩn bị từ 10-15 khu vực bố trí các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa DN có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng cho phép khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của TP, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần phải tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp. Kiên trì theo đuổi, thực hiện “nhiệm vụ kép” - đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và giữ vững phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến các hoạt động của xã hội.
Cùng với đó là tập trung thực hiện các dự án đầu tư công; triển khai giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch, trước mắt là tập trung phát triển thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi mở lại đường bay với các nước.
Đặc biệt là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. Kiểm tra, rà soát thường xuyên công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10/2020, đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% kế hoạch.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, UBND TP chỉ đạo tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản đóng băng, chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kích cầu du lịch nội địa, đến nay cơ bản phục hồi.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý với rất nhiều dự án trước đây của TP liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ những năm gần đây...
Ông Thơ cũng nêu lên một thực tế là gần đây có một số kết luận của thanh tra, một số phán quyết của các vụ án hiện nay việc thi hành án rất khó khăn. Điển hình như sân vận động Chi Lăng đã có phán quyết của Toà án rất lâu nhưng hiện chưa thi hành được do vướng nhiều thủ tục pháp lý, rất nhiều điều kiện thi hành án chưa thể triển khai. Vì vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm giải quyết các vấn đề này để tạo động lực cho thành phố phát triển, ông Thơ đề xuất.