Có nhiều điểm sáng quan trọng, kinh tế vĩ mô được duy trì

Mai Thoa| 02/07/2020 12:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Có nhiều điểm sáng quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đến nay sau hơn 2 tháng cả nước chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay phục hồi kinh tế, tăng trưởng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, chúng ta cần tận dụng cơ hội khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nơi tình hình xấu đi, có sự lan rộng, chưa dự báo được thời điểm kết thúc; trong đó có đối tác lớn, quan trọng đến nước ta. Dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội, nhất là tháng 4,5. Tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua; 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn,...

Có nhiều điểm sáng quan trọng, kinh tế vĩ mô được duy trì

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, có nhiều điểm sáng quan trọng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Giá thịt lợn tháng 6 giảm liên tiếp; chỉ số công nghiệp tiếp tục phục hồi, đặc biệt chế biến, chế tạo, dự báo quý 3 sẽ sản xuất tốt hơn... Nhu cầu tiêu dùng trong nước dần phục hồi, du lịch trong nước phục hồi, khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm so với cùng kỳ, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trong tháng 6, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới; 6 tháng đầu năm có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 6/2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, được quốc tế đánh giá cao. Tại hội nghị, Việt Nam tiếp tục nêu rõ, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ. Vừa qua, Quốc hội vừa phê chuẩn 2 Hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng, suy thoái nặng nề, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo ổn định, phục hồi kinh tế xã hội. Đây là minh chứng cho định hướng đúng, giải pháp quyết liệt, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đưa ý kiến, giải pháp.
Mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tiền tệ, tài chính gia tăng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động bên ngoài và bên trong để có chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân, tạo động lực cho phát triển.

Trong bối cảnh dịch, Việt Nam đạt tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm là con số thấp; trong đó có 12 địa phương tăng trưởng âm. Nếu chỉ ổn định đời sống nhưng tăng trưởng kinh tế không đạt một mức nhất định thì nghèo đói, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh. Do đó, tăng trưởng hiện có vai trò quan trọng, phải điều hành chủ động, linh hoạt về chính sách tài khóa, tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì việc làm, thu nhập của người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc tập trung hoàn thiện pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp cụ thể, nêu rõ cần sửa đổi thủ tục hành chính nào, cắt giảm thủ tục nào, đề xuất cơ chế mới để tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Thủ tướng lưu ý trong khó khăn, các bộ ngành, địa phương phải lưu ý về thái độ phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã,... phát triển.

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò, quyết tâm của các địa phương, nhất là những khu vực kinh tế trọng điểm, đầu tầu kinh tế, thành phố lớn trong bối cảnh khó khăn, trong đó tìm các giải pháp đổi mới kinh doanh, sản xuất, đẩy mạnh kinh tế chia sẻ, thanh toán thương mại điện tử,... và khôi phục một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn.

Tập trung 6 điểm trọng yếu

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Có nhiều điểm sáng quan trọng, kinh tế vĩ mô được duy trì

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng COVID-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời;

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế;

Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát;

Thứ tư, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020;

Thứ năm, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nhiều điểm sáng quan trọng, kinh tế vĩ mô được duy trì