Nỗi đau sau những phiên tòa

Thành Phan| 27/08/2020 15:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vài phút, thậm chí vài giây nóng nảy, không làm chủ được bản thân rất nhiều người đã trở thành kẻ ác nhân. Giọt nước mắt hối hận, nỗi xót xa của người ở lại là những hình ảnh đau xót, ám ảnh tâm trí mỗi người khi tham dự những phiên tòa hình sự.

Đầu tháng 3/2020, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981, ở thôn Hồng Thái, xã Công Chính, huyện Nông Cống) về tội “Giết người”.

Theo cáo trạng, khoảng 6 giờ ngày 3/6/2019, Mạnh và vợ là Phạm Thị Liên (SN 1982) đi trên 2 xe máy đến chợ Trầu thuộc địa phận thôn Tuy Yên, xã Công Liêm để bán hàng nông sản. Khi đến khu vực cổng chợ Trầu, Mạnh dừng xe trước cổng chợ, gây cản trở giao thông, vi phạm nội quy của ban quản lý chợ Trầu. Lúc này, ông Đỗ Trung Chính (SN 1957, ở xã Công Liêm, là người được chủ thầu chợ thuê trông coi quản lý chợ) đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự tại cổng chợ đến nhắc nhở nhưng Mạnh không chấp hành. Sau đó giữa ông Chính và Mạnh xảy ra to tiếng, chửi bới nhau.

Do được mọi người can ngăn nên vợ chồng Mạnh đi xe máy theo hướng về xã Công Chính. Trên đường về, do ấm ức về việc cãi nhau với ông Chính, Mạnh nảy sinh ý định sẽ đánh trả thù ông Chính nên dừng xe lại trước cửa hàng bán thịt trâu, bò. Tại đây, Mạnh lấy một con dao nhọn dài 26cm có trên bàn bán thịt rồi đi xe máy quay lại chợ Trầu tìm đánh ông Chính.

Khi đến khu vực chợ Trầu, Mạnh dựng xe máy ngoài cổng chợ, nhìn thấy ông Chính, Mạnh cầm dao đâm mạnh một nhát trúng vào vùng ngực phải, làm ông Chính đổ gục, tử vong tại chỗ.

Sau khi gây án, Mạnh lên xe máy bỏ chạy. Trên đường bỏ chạy Mạnh ném con dao xuống trước cửa nhà anh Lê Văn Lâm (nơi Mạnh đã lấy dao). Sau đó Mạnh đi xe máy về nhà gặp con trai Mạnh là cháu Nguyễn Văn Vũ (SN 2004) nói về việc Mạnh dùng dao đâm chết người, rồi Mạnh bỏ trốn đến núi ở gần nhà. Đến 15 giờ cùng ngày, gia đình Mạnh đã đưa Mạnh đến Công an xã Công Chính đầu thú.

Nỗi đau sau những phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh tại phiên tòa

Tại phiên tòa, Mạnh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như trong cáo trạng Viện kiểm sát truy tố. Trong lời nói sau cùng, Mạnh thể hiện sự ăn năn, hối cải và mong được HĐXX khoan hồng để được sớm trở về tái hòa nhập với cộng đồng, đoàn tụ với gia đình.

Trong thời gian tòa nghị án, giây phút chóng vánh được gặp vợ và người thân, Mạnh bật khóc - những giọt nước mắt hối hận muộn màng, Mạnh nghẹn ngào xin lỗi gia đình vợ, con. Từ khi Mạnh bị bắt tạm giam, việc nuôi dạy 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học đều do người vợ cáng đáng. Người chồng tội lỗi khóc nấc, dặn vợ và người thân cố gắng chăm sóc, nuôi 2 con để chúng không phải bỏ học giữa chừng. Đồng thời, nghẹn ngào xin lỗi vợ, bố mẹ và người thân vì hành vi phạm pháp mình gây ra.

Mới đây, TAND Thanh Hóa cũng đưa ra xét xử bị cáo Vũ Hoàng Hợp (36 tuổi, trú tại đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) về tội “Giết người”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, do mâu thuẫn với bố đẻ là ông Vũ Hoàng Ân (67 tuổi), vì nhiều lần xin tiền bố để mua xe ô tô chạy taxi nhưng không được, trưa ngày 16/5/2019, trong khi ông Ân đang nấu cơm thì hai cha con xảy ra mâu thuẫn, Vũ Hoàng Hợp đã bất ngờ dùng tuốc-nơ-vit, dao, búa đâm, chém và đập liên tiếp vào người ông Ân khiến ông tử vong. Sau khi gây án xong, Hợp đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị lực lượng công an bắt giữ khi đang lẩn trốn tại khu vực chợ Điện Biên (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa).

Được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Hợp nói trong ân hận đầy nước mắt: “Bị cáo xin lỗi tất cả những người thân trong gia đình. Mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo nhận thấy hành vi của bị cáo là sai trái và rất hối hận về việc mình đã gây ra”.

Phiên tòa kết thúc, kẻ thủ ác Vũ Hoàng Hợp đã phải lĩnh án tù chung thân. Cơ hội để Hợp làm lại cuộc đời không phải là không có nếu Hợp hối cải, chấp hành bản án và được khoan hồng. Nhưng với người thân của Hợp thì nỗi đau chưa chấm hết sau phiên tòa này, ngay cả khi bị cáo đã đền tội.

Nhìn từ phía ngoài cửa vào trong phiên tòa, Hợp ngồi khép nép, thẫn thờ, dùng chiếc khăn lau những giọt nước mắt. Tuy nhiên, giọt nước mắt đó đã quá muộn màng. Những người dự khán ai cũng cảm thấy cay cay sống mũi trước kết cục quá bi thương của một gia đình.

Chỉ vì những phút “điên”, không làm chủ được bản thân mình, Hợp, Mạnh cũng như các bị cáo trong các vụ án khác đã nhúng tay vào tội ác. Hành vi mất nhân tính của các bị cáo trong những vụ án giết người đã trực tiếp cướp đi mạng sống của người bị hại, để bao dòng nước mắt tuôn rơi. Đó là những giọt nước mắt của bị cáo, người thân của bị hại, cũng có thể là của những người dự khán. Nhiều trong số đó là những giọt nước mắt hối hận muộn màng, bởi chính những hành động của họ, đã khiến bản thân hoặc người thân của mình phải đau khổ, vướng vào vòng lao lý.

Để không còn những giọt nước mắt hối hận, ăn năn của kẻ gây án, nước mắt tức tưởi, nhớ thương của thân nhân người bị hại đằng sau những phiên tòa, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Cụ thể là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người để phòng ngừa chung trong xã hội. Khi phát hiện mâu thuẫn, người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải, nếu không giải quyết dứt điểm thì báo cơ quan công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn, không để những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài dẫn đến những vụ án mạng thương tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau sau những phiên tòa