Nếu da bị dính nọc độc của kiến ba khoang có thể gây bỏng, cháy da bởi nọc độc của kiến ba khoang độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang”, PGS. TS. Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết.
PGS. TS. Nguyễn Văn Châu khẳng định, kiến ba khoang không cắn người, vì phần phụ miệng kiểu nghiền và đuôi không có bộ phận chích hút, nhưng trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố. Đặc biệt nguy hiểm là độc tố của kiến ba khoang độc gấp 12 lần nọc độc của rắn hổ mang.
Nọc độc của kiến ba khoang độc gấp 12 lần nọc độc của rắn hổ mang
Chính vì vậy, khi bị dập nát, độc tố trong cơ thể kiến dính lên da sẽ gây hiện tượng phồng rát và viêm da. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau đó xuất hiện phù nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước. Sau 1-3 ngày thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát gia tăng.
Trường hợp bị nặng có thể kèm theo sốt, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. PGS. TS. Nguyễn Văn Châu nhấn mạnh, nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, tình trạng này sẽ kéo dài từ 2-3 ngày, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn, sưng đau, việc đi lại hết sức khó khăn.
Theo thống kê của Viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân bị viêm da do côn trùng vào các tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm liên tục gia tăng. Thời gian này trùng với mùa phát triển của kiến ba khoang. Bởi kiến ba khoang phát triển mạnh vào mùa mưa, khi thời tiết nóng ẩm.
Kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, trong đống rơm rạ ngoài đồng, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, những nơi đang xây dựng dở dang…Chúng xuất hiện ở quanh bóng đèn trong các phòng làm việc, buồng ngủ ở ký túc xá, bệnh viện, trường học cạnh đồng ruộng, đồng cỏ, đầm, hồ...Vì vậy khi thấy khiến ba khoang vào nhà tuyệt đối không được dùng tay đập kiến ba khoang, tránh để da tiếp xúc với nó và tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi nhà.
Nọc độc của kiến ba khoang có thể gây bỏng, cháy da
Trường hợp đã bị nọc độc của kiến ba khoang dây lên da thì ngay lập tức rửa vùng da đó bằng nước muối, xà phòng...để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ. Có thể dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxít kẽm, mỡ kháng sinh.
PGS. TS. Nguyễn Văn Châu khẳng định, nọc độc của côn trùng có axit rất mạnh nên khi bị đốt, cắn, dính vào da thì ngay lập tức phải trung hòa axit, có thể dùng kem đánh răng, mỡ, hoặc vôi ăn trầu…Nếu bị nặng, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị và chăm sóc kịp thời.
Để tránh bị kiến ba khoang tấn công, khi làm việc dưới ánh đèn, nên tránh quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.
Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng. Do tính ưa ánh sáng đèn của côn trùng nên người dân có thể treo đèn huỳnh quang ở ngoài cửa để dẫn dụ và tiêu diệt, hốt dọn đem đốt.