Số dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng đến 35% so với cuối năm trước, lên trên 136.400 tỷ đồng.
Năm 2022, tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng. Đồng thời các nhà băng cũng phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022, dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2022 của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 89% nhóm thống kê.
Trong đó, NCB là ngân hàng có nợ xấu tăng cao trong năm qua. NCB cho biết do ngân hàng đã thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID -19 hết hạn vào ngày 30/6/2022.
Trong năm, ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN.
Những ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu cao ngoài NCB phải kể đến OCB (tăng 98%); Techcombank (tăng 66%) và có 5 ngân hàng khác có nợ xấu tăng trên 30%.
Tiếp sau về quy mô nợ xấu nội bảng lần lượt là hai ông lớn BIDV và VietinBank với số dư nợ xấu lần lượt là 17.662 tỷ đồng (tăng 30%) và 15.796 tỷ đồng (tăng 10%).