Trải qua bao thăng trầm, những nỗi đau, mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ miền biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn. Phụ nữ làng biển đã thoát khỏi cái bóng sống dựa dẫm vào chồng. Chính sự thay đổi của ý thức làm chủ cuộc sống đã làm biến đổi vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình.
Tổ liên kết kinh doanh hải sản ở xã Diễn Bích huyện Diễn Châu (Nghệ An) là một điển hình. Họ thường gom vốn thu mua khối lượng lớn các loại hải sản để tích trữ, khi thị trường khan hiếm thì đem bán, thu về lợi nhuận lớn.
Tiêu biểu như chị Trần Thị Liễu, trước đây chỉ buôn bán nhỏ lẻ khi vào tổ liên kết, trung bình mỗi ngày chị xuất bán 1 tấn sản chất lượng cao cho các nhà hàng khách sạn trong cả tỉnh và xuất sang cả Lào.
Lợi nhuận thu về mỗi năm đạt 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 9 lao động nữ. Chị Liễu cho biết: Trước đây, miền biển Diễn Châu chủ yếu là các làng chài nhỏ, nơi đại bộ phận đàn ông làm nghề đánh cá biển gần bờ, nhưng nay khi đánh bắt xa bờ phát triển, các chị cũng đã mạnh dạn chuyển đổi nghề rất thành công.
Phụ nữ xã lập ra tổ liên kết, mọi người mỗi lĩnh vực trong thu mua, chế biến hải sản nhưng chị em đã năng động hỗ trợ nhau, nên có lúc gặp khó khăn, thì chị em giúp nhau vượt qua. Nhờ hỗ trợ nhau nên ai cũng làm ăn khấm khá.
Còn tại cơ sở của chị Trần Thị Châu – Xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc những ngày này hơn 50 công nhân đang tập trung nhập cá về mổ làm phi lê, đảm bảo số lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Cùng với đó hàng tấn cá tạp, cá nhỏ được đưa vào xay làm bột cá.
Chị Châu cho biết: Trước chuyên làm nước mắm nhưng thị trường nước mắm bị thu hẹp, rồi nhận thấy bà con ngư dân khai thác được rất nhiều cá tạp, cá nhỏ khó tiêu thụ nên mình đầu tư nhà máy làm bột cá. Đồng thời thu mua cá hổi về mổ làm phi lê. Tháng cao điểm cơ sở làm tới 100 tấn cá phi lê và 200 tấn bột cá.
Cá phi lê được khách hàng một số tỉnh phía nam về tận nơi lấy và chế biến thành các loại cá tẩm gia vị rất ngon. Mình mạnh dạn làm như vậy vừa đảm bảo thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho chị em phụ nữ vùng biển, vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế Diễn Châu đã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm nông nghiệp. Theo đó thúc đẩy mạnh việc phát triển kinh tế du lịch. Và vì thế, phụ nữ bây giờ cũng trở nên thức thời.
Nắm bắt được lợi thế đó, 40 phụ nữ xóm 6 xã Diễn Thành đã chuyển từ làm nông nghiệp, mở quán kinh doanh ăn uống tại khu du lịch biển. Như chị Phạm Thị Bốn, trước đây chỉ làm nông nghiệp thuần túy, cuộc sống khó khăn khi xã có chủ trương phát triển du lịch, chị đã mạn dạn thuê đất làm quán gió phục vụ ăn uống.
Nhờ đó mà gia đình chị có thu nhập ổn định, cả 3 người con đều được học hành thành đạt. Chị chia sẻ: Chị em Diễn Thành nắm bắt được thời cơ nên mở hàng, quán ở dưới biển.
Làm du lịch thì mình phải học hỏi thêm, được tiếp xúc nhiều người thì mình có thêm kinh nghiệm từ đó kinh doanh tốt. Khi mở du lịch dừ thì chị em phụ nữ cuộc sống khấm khá hơn.
Trước đây do tư tưởng thụ động, phụ nữ vùng biển thường sinh nhiều, kinh tế phụ thuộc vào người chồng, do vậy tình trạng đói nghèo, bạo hành thường xảy ra. Trước tình hình đó, Hội phụ nữ các cấp đã chủ động kết nối, huy động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền xây dựng nhiều mô hình hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng biển.
Hội thành lập các câu lạc bộ “Nam giới trách nhiệm”, “Phụ nữ tự lực” tập trung rà soát, vận động hội viên phụ nữ đăng ký chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng một số mô hình điểm.
Hội phụ nữ các cấp đã huy động nguồn vốn 115 tỷ đồng cho chị em vay phát triển kinh tế. Nhờ đó mà thu nhập của chị em vùng biển đạt bình quân 55 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 3%.
Khảo sát cho thấy có đến 80% số phụ nữ trong gia đình nắm giữ tài chính, quyết định chi tiêu trong gia đình. Bà Hà Anh Thơ - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Diễn Châu cho biết: Trước đây hội viên phụ nữ vùng biển hay thụ động nhưng trong những năm gần đây đã tích cực tham gia các phong trào cũng như học tập kinh nghiệm và làm giàu một cách chính đáng.
Chị em năng động hơn trong phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động gia đình và đời sống của hội viên phụ nữ vùng biển ngày càng được nâng lên. Cũng từ sự vươn lên mạnh mẽ như vậy nên dù ngoài kia, những cơn bão biển, hay giông bão cuộc đời cũng không thể nào đánh gục được những người phụ nữ miền biển đầy rắn rỏi và nghị lực.