Nỗ lực phòng chống tội phạm buôn người

Nguyên Phong| 16/09/2019 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, mặc dù rất nhiều thông tin về hoạt động mua bán người đã được truyền tải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, song vẫn còn không ít người dễ dàng rơi vào bẫy của loại hình tội phạm này.

Mỗi năm hàng trăm người bị bán

Mấy năm gần đây, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người, số nạn nhân lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%. Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Thủ đoạn của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi và phức tạp. Chúng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ.

Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao để đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ, ép buộc hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bán ra nước ngoài.

Nỗ lực phòng chống tội phạm buôn người

BĐBP Lai Châu lấy lời khai của đối tượng mua bán người

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi rồi đưa ra nước ngoài bán. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài.

Chỉ tính từ tháng 1/2019- 6/2019, Đường dây nóng phòng chống mua bán người 111 đã tiếp nhận 764 cuộc gọi. Đối tượng gọi đến Tổng đài phần lớn là người dân (57,8%), người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán, nạn nhân của mua bán người. Giới tính gọi đến chủ yếu là nam giới (61,3% nam và 38,7% nữ).

Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1%.

“Nóng” ở vùng biên

Đặc biệt, ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... thì tình trạng mua bán người diễn ra càng phức tạp. Ví dụ như ở Sơn La, toàn tỉnh có 106/204 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, khoảng cách giữa các trung tâm hành chính của tỉnh đến huyện và xã xa. Toàn tỉnh có 17 xã vùng biên với 305 bản, trong đó có 65 bản giáp biên giới. Đời sống người dân, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới, vùng cao còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn tỉnh Sơn La có 33 nạn nhân bị mua bán đã được giải cứu, trở về. Các nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em với độ tuổi từ 14-33, trong đó nạn nhân là người dân tộc Mông chiếm tới 96%. Các nạn nhân này đã được bố trí nơi lưu trú và hỗ trợ ăn, quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, được hỗ trợ tâm lý và được hỗ trợ trở về với gia đình.

Với gần 300km đường biên giới giáp Trung Quốc, dân số phân bố thưa thớt, Hà Giang là một trong những địa bàn “nóng” về tội phạm mua bán người. Đồng thời, tỉnh này cũng là một trong 6 địa phương được lựa chọn là đơn vị chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

Chỉ trong vòng 2 năm thực hiện Chương trình (2016-2018), toàn  tỉnh Hà Giang đã phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi mua bán người với 54 nạn nhân bị mua bán; Thụ lý điều tra 24 vụ/35 bị can; Phối hợp trao trả và giải cứu được 1.552 nạn nhân. Còn tính riêng lực lượng BĐBP Hà Giang, trong 5 năm trở lại đây (từ 2013 đến 2018) đã đấu tranh, triệt phá thành công 19 chuyên án mua bán người, bắt và xử lý 105 vụ/46 đối tượng, giải cứu thành công 98 phụ nữ, trẻ em về đoàn tụ với gia đình.

Nỗ lực phòng chống tội phạm buôn người

Một đối tượng mua bán người bị đưa ra xét xử

Còn ở Lạng Sơn, sau 2 năm thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ, 36 đối tượng mua bán người, mua bán trẻ em với 24 nạn nhân; tổ chức tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ 60 nạn nhân bị mua bán trở về.

Đồng thời, các ban ngành của tỉnh cũng đã tổ chức 73 lớp tập huấn, hơn 12.000 tờ rơi, tuyên truyền 6.145 buổi/270.000 lượt người tham gia, đăng 304 tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, tổ chức 16 cuộc hội đàm, trao đổi 210 công văn với lực lượng chức năng Trung Quốc thông tin về tỉnh hình tội phạm mua bán người.

Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước... dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tội phạm cho rằng, để việc phòng chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cần có sự tham gia của nhiều ngành nhiều cấp và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Trong đó chú trọng tuyên truyền về các chiêu thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân tự trang bị kiến thức phòng tránh.

Hơn nữa, việc kết nối chặt chẽ, thông suốt giữa các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan với báo chí thường xuyên sẽ có một bức tranh tổng thể mọi mặt về vấn nạn mua bán người, góp phần đưa tiếng nói đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan, cộng đồng. Từ đó kêu gọi cả hệ thống chính trị chung tay nhằm ngăn ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp chỉ đạo nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra khám phá, triệt xóa các đường dây tội phạm mua bán người; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, lựa chọn các vụ án điểm tập trung đưa ra xét xử lưu động để phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng phòng, chống và răn đe tội phạm.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán. Để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, cần xây dựng, thống nhất với các nước có nhiều nạn nhân bị mua bán về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân.

Một vấn đề nữa cần quan tâm hiện nay đó là việc nạn nhân mua bán trở về với gia đình sẽ được quan tâm như thế nào để vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng. Chính việc tuyên truyền xóa bỏ định kiến, sự kỳ thị của cộng đồng còn hạn chế, khiến nạn nhân trở về địa phương bị xa lánh. Chính sự kỳ thị này dễ làm nạn nhân bị tổn thương, dễ bị mua bán trở lại. Do vậy, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ định kiến, tạo cơ chế chính sách giúp đỡ nạn nhân, tạo công ăn việc làm tái hòa nhập bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực phòng chống tội phạm buôn người