Xã hội

Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về 12 bản biên giới khó khăn

Gia Ân-Lữ Phú 27/10/2023 - 11:30

Điều mong ước bao đời của đồng bào các dân tộc ở 12 bản biên giới xa và khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã trở thành hiện thực, khi dòng điện lưới quốc gia được đưa đến phục vụ thắp sáng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống sinh hoạt cho người dân khu vực biên giới.

Keng Đu là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi vùng cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nằm cách trung tâm thành phố Vinh gần 300km và trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 75km. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 80%.

dien-7.jpg
Từ khi có điện, các em học sinh đã được học tập và tiếp cận nguồn thông tin tri thức phong phú hơn

Từ ngàn đời nay, người dân xã biên giới Keng Đu, nhất là các bản làng nghèo dọc tuyến biên giới vẫn mong đợi dòng điện quốc gia sẽ đến và đem văn minh về cho bản làng… Dù gặp khó khăn về thời tiết và địa hình thi công, nhưng Công ty TNHH Nhất Nước và ngành Điện lực Nghệ An đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt hệ thống điện, đưa dòng điện lưới quốc gia vào 12 bản biên giới vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của 2 xã Đoọc Mạy và Keng Đu của huyện Kỳ Sơn. Đến ngày 26/10/2023, công trình đã hoàn thành, điện được thắp sáng trong niềm vui của Cấp ủy, Chính quyền và bà con dân bản.

dien-4.jpg
Đóng điện lưới Quốc gia về cho nhân dân xã biên giới Keng Đu sử dụng

Ông Lương Văn Thong, Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, phấn khởi chia sẻ: “Hôm nay, nhân dân xã Keng Đu rất vui mừng và phấn khởi vì đã được sử dụng điện từ điện lưới quốc gia, nhờ nguồn điện này, thời gian tới, kinh tế của xã Keng Đu sẽ phát triển, công tác an ninh, quốc phòng sẽ được giữ vững, các em học sinh sẽ được học tập tốt hơn”.

Theo ông Thành Hùng Sinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhất Nước, đơn vị thi công dự án đưa điện lưới Quốc gia vào 12 bản biên giới của huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Một trong những khó khăn nhất của đơn vị thi công và ngành điện để đưa điện lưới đến các bản làng giáp tuyến biên giới là giao thông đi lại phức tạp, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo dài đường dây quá xa dẫn đến quá trình và thời gian thi công gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng thực hiện theo mục tiêu của Chính phủ, cũng như kế hoạch của Tập đoàn EVN, nhà thầu Công ty TNHH Nhất Nước phối hợp với ngành Điện lực Nghệ An, nỗ lực hoàn thành việc lắp đặt các hệ thống cột điện đường dây để đến nay đã đưa điện đến 12 thôn bản khó khăn này”.

Thật khó để diễn tả niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây, từ khi có ánh sáng điện lưới, bản làng đã có nhiều đổi thay, các dịch vụ kinh doanh buôn bán, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân phát triển phong phú hơn. Điện không chỉ đơn thuần dùng để thắp sáng trong gia đình, phục vụ sinh hoạt, học tập của học sinh mà nhờ có điện người dân đã có cơ hội mở rộng gia trại chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong niềm vui chung của người dân các bản làng khó khăn của xã Keng Đu, anh Moong Văn Phơi, xã Keng Đu, Kỳ Sơn, chia sẻ: “Bây giờ có điện tôi sẽ mở rộng diện tích, mở rộng mặt bằng để chăn nuôi, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình.”

dien-5.jpg
Có điện, nhiều dịch vụ phục vụ sinh hoạt của người dân được phát triển

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia về các bản làng biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung, được trang bị đầy đủ dây sau công tơ và mỗi gia đình có một bảng điện, một bóng đèn thắp sáng, bảo đảm khi đóng điện lưới các hộ dân sẽ được dùng điện ngay.

Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội tại các bản làng đặc biệt khó khăn của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về 12 bản biên giới khó khăn