Năm 2013, kết thúc với nỗ lực vượt qua khó khăn và sự phát triển đi lên của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những “con sâu” có những hành vi phạm tội bị cả xã hội lên án. Báo Công lý bình chọn một số vụ án sắp xét xử được dư luận đặc biệt quan tâm.
1- Vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)
Ngày 15/12/2013, VKSNDTC ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về các hành vi: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Bị can Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đang đối mặt với 4 tội danh
Liên quan đến vụ án, VKSNDTC cũng truy tố 6 bị can khác, trong đó có 4 người nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB gồm: Ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; 4 người này đều bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tổng số thiệt hại do các bị can trên gây ra trong vụ án này là gần 1.700 tỷ đồng. Các bị can, đứng đầu là Nguyễn Đức Kiên đã làm lũng đoạn thị trường tài chính bằng thủ đoạn sở hữu chéo, gây khó khăn trong việc quản lý của Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại.
2- Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như
Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, trực thuộc Vietinbank TP Hồ Chí Minh chiếm dụng số tài sản lên tới trên 4.000 tỷ đồng
Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, trực thuộc Vietinbank TP Hồ Chí Minh bị truy tố về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” chiếm dụng số tài sản lên tới trên 4.000 tỷ đồng.
Vụ án có 23 bị can, trong đó có 13 người nguyên là Trưởng, Phó phòng, cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ và Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Chi nhánh Nhà Bè thuộc Vietinbank TP Hồ Chí Minh bị truy tố với 6 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự kiến phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này được mở từ 6 - 25/1/2014 tại TP Hồ Chí Minh.
3- Vụ án tham nhũng tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông
Ngày 21/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can gồm: Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty Nhật Minh; Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty Nhật Tân; Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Phát Long; Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu; Nguyễn Văn Khánh (đối tượng môi giới); Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông và Trần Xuân Lộc, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu.
Các đối tượng nêu trên đã lợi dụng chính sách ưu đãi về lãi suất trong việc cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Cao Bạch Mai đã sử dụng 71 hợp đồng xuất khẩu giả với các công ty nước ngoài để thực hiện 70 hợp đồng vay tín dụng với số tiền là 1.005 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 198 tỷ đồng; Trần Thị Xuân sử dụng 65 hợp đồng xuất khẩu giả để ký 64 hợp đồng tín dụng, vay tổng số tiền là 938,5 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 231 tỷ đồng.
4- Vụ án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội
Tháng 1/2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến vụ án làm thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Bị can Lượng có hành vi sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro VietNam vay vốn đầu tư dự án.
Cụ thể, năm 2007, dự án Luxfashion xây dựng nhà máy may, do Công ty liên doanh Lifepro VietNam làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và đã giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỷ đồng... Chỉ sau vài tháng hoạt động, nhà máy ngừng hoạt động vào tháng 8/2012, Giám đốc công ty bỏ về nước. Đến nay, Agribank vẫn không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.
5- Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường
Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường gây rúng động dư luận bởi hành vi mất nhân tính của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi), nguyên bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong khi chưa được cấp phép, Tường vẫn mở dịch vụ làm đẹp, gây nên cái chết đau lòng cho chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi). Sau đó, y cùng Đào Quang Khánh, nhân viên bảo vệ mang xác chị Huyền đi phi tang. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, hiện vẫn không thấy xác chị Huyền, chiều 5/12, gia đình đã làm lễ truy điệu và cầu siêu cho chị.
Vụ án là hồi chuông cảnh báo về y đức của một số bác sỹ, đồng thời thể hiện công tác quản lý, khám chữa bệnh lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của ngành Y tế.
Bị can Nguyễn Mạnh Tường, BS Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường gây nên cái chết cho chị Huyền, sau đó phi tang thi thể nạn nhân
6- Vụ án “Cậu Thủy”
Lợi dụng nhu cầu chính đáng tìm hài cốt liệt sỹ của nhiều thân nhân liệt sỹ, Nguyễn Văn Thúy (tức cậu Thủy, SN 1959) và Mẫn Thị Duyên (SN 962) cùng trú ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh dưới vai “nhà tâm linh” đã làm giả hàng trăm hài cốt liệt sỹ để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Ngày 28/3/2013, Nguyễn Văn Thúy cùng vợ là Mẫn Thị Duyên đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS.
Nguyễn Văn Thúy (tức cậu Thủy) dùng thủ đoạn làm giả hài cốt liệt sỹ lừa đảo hàng chục tỷ đồng
Trước đó, năm 1996, Thúy và Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng”. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ với biệt danh là "cậu Thủy".
7- Rượu nếp gây ngộ độc làm 6 người tử vong
Giám đốc Nguyễn Duy Vường (bên phải) cùng hai nhân viên bị bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
“Rượu nếp 29 Hà Nội” của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, trụ sở tại 40 Vũ Xuân Thiều, Hà Nội có hàm lượng methanol và ethanol vượt quá giới hạn cho phép từ 1.600 đến 1.900 lần đã làm 6 người uống phải loại rượu này tử vong. Chiều 10/12/2013, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh bắt Vũ Duy Vường (46 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Hai nhân viên của Công ty là Nguyễn Duy Vương (30 tuổi) và Đặng Văn Cảnh (36 tuổi, đều ở Thái Bình) cũng bị bắt về cùng tội danh trên.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những “sâu rượu” và công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhiều kẽ hở hiện nay.
Tùng Lâm