Kỳ 4: Vì sao “kỳ án trộm dê” qua 14 lần xét xử vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cho đến nay, “kỳ án trộm dê” đã kéo dài gần một thập kỷ, trải qua hơn 14 phiên tòa xét xử, với nhiều tình tiết “có một không hai”. Tại sao một vụ án “cỏn con” như vậy lại bị kéo dài tới hơn chục phiên tòa xét xử mà vẫn “giậm chân tại chỗ? Và, đằng sau kỳ án này còn có điều gì bí ẩn?
Bị bắt vì “ăn trộm” dê của chính nhà mình
Theo hồ sơ vụ án, vào đêm 29/5/2005, Trần Thị Kim Nguyệt cùng ba người lạ vào chuồng dê của bà Lê Thị Kim Y (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình) bắt trộm dê. Lùa đàn dê đi chừng 4km thì Nguyệt gọi cho anh Văn Hữu Chiến lái xe thuê đến chở 28 con đến đèo Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) bán cho một người lạ, rồi người này lại dùng ô tô chở đi tiếp. Sáng hôm sau (30/5/2005), chồng bà Y là Lê Văn Thái đứng đơn tố cáo Nguyệt trộm dê.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện
Công an xã Sông Bình và các lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và phát hiện còn 24 con dê chị Nguyệt gửi nuôi tại nhà một người quen ở xã Lương Sơn, cách đó vài ký lô mét. Ngay chiều hôm đó, đàn dê này đã được bắt lại trả cho bà Y. Trong biên bản bàn giao mà công an lập ghi rõ: “Bên nhận đã nhận đủ 24 con dê, không được trao đổi, mua bán, chờ quyết định của cơ quan CSĐT mới có quyền định đoạt”. Ngay trong ngày 31/5/2005, cơ quan CSĐT công an huyện Bắc Bình ban hành cùng lúc các quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyệt và có văn bản đề nghị Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Cũng trong ngày này, các quyết định đã được phê chuẩn.
Ngày 31/8/2005, do hết hạn điều tra, cơ quan CSĐT lại có công văn gửi Viện KSND huyện xin gia hạn điều tra thêm 3 tháng (kéo dài đến 30/1/2005). Tuy nhiên, trong quyết định gia hạn tạm giam Nguyệt chỉ thêm 2 tháng (tức từ ngày 5/9/2005 đến 4/11/2005). Cho đến ngày 7/10/2005, Nguyệt được dỡ bỏ lệnh tạm giam với lý do được gia đình bảo lãnh nhưng lại nhận quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú. Cho đến ngày 18/10/2005, sau hơn 5 tháng điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Bình có bản kết luận điều tra vỏn vẹn 3 trang giấy gồm cả phần lý lịch bị can.
Sang đến giai đoạn truy tố, ngày 19/11/2005, đúng một tháng sau khi kết thúc điều tra, Viện KSND huyện Bắc Bình chính thức tống đạt cáo trạng truy tố Nguyệt cũng chỉ bằng 3 trang giấy. Sang giai đoạn xét xử, trải qua 12 lần sơ thẩm, nhưng cả 12 lần đều không xét xử được bởi khi thì thiếu vắng nhân chứng; khi thì do bị cáo ốm, hoặc nhiều nguyên do khác. Tới phiên xét xử sơ thẩm thứ 12 (ngày 10/9/2013), Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng không kết luận Nguyệt có tội hay không mà trả hồ sơ cho cơ quan CSĐT điều tra lại. Rồi ngày 17/11/2013, Nguyệt lại có thêm bản kết luận điều tra thứ 2, cũng với những cáo buộc về “hành vi trộm dê”.
“Bắt rồi thả, rồi lại bắt, rồi lại thả, tổng cộng người ta giam tôi đúng 210 ngày. Vụ án kéo dài đến nay là 9 năm 6 tháng rồi, giờ lại ra kết luận điều tra mới, chuẩn bị có cáo trạng mới. Họ vẫn muốn kết tội tôi đi trộm dê của chính tôi đấy mà”, chị Nguyệt nói.
Vì đâu 14 lần tòa xử vẫn… “giậm chân tại chỗ”?!
Mới đây nhất, phiên xét xử lần thứ 13 của “kỳ án trộm dê” diễn ra vào chiều ngày 15/1/20114, chủ tọa Võ Tấn Sinh, TAND huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) đã tuyên bị cáo Nguyệt phạm tội “trộm cắp tài sản” với mức án là 24 tháng tù giam. Các luật sư đều cho rằng, đây là một việc làm “sai trái” của cơ quan tố tụng và đẩy chị Nguyệt vào vòng lao lý. Thế nhưng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyệt cũng cho biết rằng, để “minh oan” cho người phụ nữ này cũng là một điều không hề dễ dàng. Bởi, vụ án này đã xảy ra cách đây một khoảng thời gian khá lâu. Và, đã từng bị bỏ quên gần năm năm. Các kết quả định giá không đúng với số lượng dê trong vụ việc.
Bị cáo Nguyệt bật khóc tại tòa
Nhưng theo các luật sư thì “chướng ngại” lớn nhất để đi tìm sự thật trong vụ việc lại xuất phát từ cơ quan tố tụng huyện Bắc Bình. Theo đó, cơ quan tố tụng này đã có những hành động “sai trái” để đẩy vụ việc này rơi vào “bế tắc”. Cụ thể trong phiên xét xử ngày 15/1 cơ quan tố tụng huyện đã có hành vi cố tình bỏ qua nhân chứng. Các nhân chứng sau đó được bà Nguyệt khai tên, địa chỉ nhưng hội đồng xét xử không làm rõ những lời khai này. Sự thực là, nếu các nhân chứng do bà Nguyệt khai chứng minh có bán dê cho bà Nguyệt trong tổng số đàn dê 52 con thì đây là tranh chấp dân sự. Và, sự thật rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bắc Bình đã hình sự hóa một quan hệ dân sự để rồi mọi việc rắc rối như ngày nay. Hội đồng xét xử chỉ khăng khăng một điều để buộc tội là đàn dê đang thuộc quyền quản lý của bà Y theo biên bản tạm giao đàn dê của cơ quan chức năng.
Hồ sơ của vụ án là những chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của nó. Và, mấu chốt của vụ án trên chỉ cần xác định đàn dê thuộc sở hữu của ai là giải quyết được vấn đề. Nhưng lạ rằng, tại sao trong quá trình điều tra, tài sản là đàn dê đang trong tình trạng tranh chấp mà cơ quan điều tra lại giao cho bà Y. Khi đang trong quá trình thụ lý giải quyết, TAND huyện Bắc Bình lại giao hồ sơ gốc vụ án cho bà Y và bà Y làm thất lạc gây khó khăn cho quá trình xử án về sau. Những sự việc trên đều sai quy định. Tại sao một cơ quan tố tụng lại “xé rào” để làm một việc trái luật như vậy? Phải chăng trong vụ việc này “kịch bản” và kết quả đã được cơ quan này “an bài” cho bà Y thắng kiện (?!).
Nghiêm trọng hơn, từ một vụ tranh chấp dân sự đã bị biến thành một vụ án hình sự với tội danh “Trộm cắp tài sản”. Và, đặc biệt rằng, khi quyền sở hữu đàn dê vẫn chưa được xác định rõ ràng thì cơ quan tố tụng đã xử lý “cho bị cáo đi tù”. Thử hỏi, trong gần 10 năm qua, các cơ quan tố tụng huyện Bắc Bình đã thấu đáo thân phận bị cáo Nguyệt chưa, khi mà chưa xác định được chủ sở hữu đàn dê là ai đã đẩy chị Nguyệt vào tù? Và, khi cơ quan tố tụng chưa có một thái độ thực sự công tâm, thượng tôn luật pháp và bảo vệ quyền con người thì sự thật của vụ án này vẫn còn vằng vặc xa...