Quy định về thủ tục khởi kiện được quy định cụ thể trong quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Theo đó, Đơn khởi kiện là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ khởi kiện. Báo Công lý xin giới thiệu những vấn đề liên quan đến đơn khởi kiện.
6- Đơn kiện lại của bị đơn
Trong tố tụng dân sự, tại Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 có quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn ( BLTTDS năm 2015 là Điều 200). Nội hàm của quyền phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự là khá rõ ràng. Đã là yêu cầu phản tố thì nó phải là một quan hệ pháp luật mà bị đơn yêu cầu được giải quyết trong cùng một vụ án do nguyên đơn khởi kiện. Nếu yêu cầu đó không phải là quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn khởi kiện thì đó không phải là yêu cầu phản tố. Song không phải quan hệ pháp luật nào mà bị đơn yêu cầu trong đơn phản tố đều được chấp nhận, chỉ những yêu cầu phản tố của bị đơn để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, hay yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, hoặc giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau, nếu được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, thuận lợi và nhanh hơn. Chỉ những trường hợp nói trên thì yêu cầu phản tố của bị đơn mới được chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án. Do yêu cầu phản tố của bị đơn được xác định là một quan hệ pháp luật, do đó, tại Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự quy định khi phản tố bị đơn phải thực hiện các thủ tục như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.
Vậy đơn kiện lại của bị đơn theo quy định trong Luật Trọng tài thương mại có giống như yêu cầu phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự hay không? Đây là câu hỏi không hề đơn giản. Bởi lẽ, tại Điều 36 Luật Trọng tài thương mại có quy định về đơn kiện lại của bị đơn như sau: “Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp”. Đây là một quy định quá chung chung, không có nội dung rõ ràng. Chỉ duy nhất có một tiêu chí rất trừu tượng là “có liên quan đến vụ tranh chấp”, giống như trường hợp thứ ba về yêu cầu phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự là “giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có liên quan với nhau…”. Nhưng Bộ luật tố tụng dân sự có các quy định khác về vấn đề này giúp ta hiểu, giải thích quy định đó thuận lợi hơn, còn luật trọng tài không có quy định nào khác. Tuy nhiên theo tác giả, nội dung mà bị đơn kiện lại nguyên đơn có thể thuộc một trong hai trường hợp và cũng có thể chứa đựng cả hai trường hợp được đề cập dưới đây:
Thứ nhất nó có thể là một quan hệ pháp luật không cùng tính chất hoặc có cùng tính chất với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết. Các quan hệ pháp luật này tương đối độc lập đối với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết, nhưng yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn có liên quan với nhau.
Ví dụ về các quan hệ pháp luật có cùng tính chất nhưng yêu cầu của hai bên có liên quan đến nhau: công ty X và công ty Q có ký ba hợp đồng mua bán mủ cao su, và đều có thỏa thuận trọng tài. Hợp đồng số 01 ngày 10/1/ 2012 công ty X bán cho công ty Q 200 tấn mủ cao su với giá 54 500 000 đồng một tấn. Tổng giá trị hợp đồng là 11 445 000 000 đồng. Công ty Q đã chuyển trả đủ số tiền (11.445.000.000đ) cho công ty X. Công ty X mới giao cho công ty Q 40 tấn, còn 160 tấn chưa giao nên công ty X còn giữ của công ty Q số tiền 9.156.000.000 đồng.
Hợp đồng số 02 ngày 10/1/ 2013 công ty X bán cho công ty Q số lượng 100 tấn với giá 48 400 000 đồng một tấn, tổng trị giá 5.082.000.000 đồng. Công ty Q đã nhận đủ hàng, nhưng chưa trả tiền.
Hợp đồng số 03 ngày 15/ 2/ 2013, công ty X án cho công ty Q số lượng 100,8 tấn mủ cao su, với giá 42.200.000 đồng một tấn, tổng trị giá 4.466.448.000 đồng. Công ty Q đã nhận đủ hàng, nhưng chưa trả tiền.
Ngày 25/ 5/ 2013 hai bên đã lập biên bản làm việc trong đó “hai bên thống nhất về việc bù trừ công nợ giữa các hợp đồng trên, nhưng do có chênh lệch về số lượng hàng hóa giao nhận thực tế và số lượng hàng hóa trên hóa đơn nên hai bên sẽ cùng làm việc với cơ quan thuế để điều chỉnh, xử lý hóa đơn này theo hướng dẫn của cục thuế thành phố K”
Ngày 5/ 6/ 2014 công ty X khởi kiện công ty Q tới trọng tài về hợp đồng số 03 ngày 15/2/ 2013 yêu cầu trọng tài buộc công ty Q thanh toán số tiền chưa trả là 4.466.448.000đ.
Trung tâm trọng tài K đã thông báo cho bị đơn đơn khởi kiện và tài liệu của nguyên đơn tới bị đơn.
Công ty Q đã có đơn kiện lại công ty X trong đó nêu rõ số tiền còn nợ của hợp đồng số 03 và hợp đồng số 02 đã được hai bên thống nhất bù trừ số tiền còn lại của hợp đồng số 01 mà công ty X đang giữ của công ty Q theo biên bản làm việc ngày 25/5/2013 và đề nghị hội đồng trọng tài xem xét, giải quyết. Kèm theo đơn kiện lại công ty Q đã cung cấp biên bản làm việc ngày 25/5/ 2013, ba hợp đồng nói trên, hóa đơn giao nhận hàng, tài liệu thanh toán tiền theo hợp đồng số 01…
Trong trường hợp này hội đồng trọng tài sẽ chấp nhận đơn kiện lại của bị đơn và xem xét, giải quyết cả ba hợp đồng mua bán mủ cao su trong cùng vụ án.
Thứ hai là trường hợp nội dung mà bị đơn kiện lại nguyên đơn không phải là một quan hệ pháp luật khác, mà nó chỉ là một phần yêu cầu, một vài vấn đề trong cùng quan hệ pháp luật mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết.
Ví dụ công ty N ký hợp đồng mua máy xúc với công ty M hợp đồng ghi rõ chủng loại, xuất sứ từ châu âu, thời gian giao hàng ,giá cả, thỏa thuận trọng tài…. Công ty M đã giao hàng cho công ty N. Công ty N đã nhận hàng nhưng do công ty N còn giữ lại 500.000.000 đồng chưa thanh toán, nay công ty M khởi kiện ra trọng tài yêu cầu hội đồng trọng tài buộc công ty N trả số tiền còn nợ là 700.000.000 đồng gồm gốc và lãi.
Sau khi nhận được đơn kiện và tài liệu kèm theo do trung tâm trọng tài chuyển tới, công ty N đã có đơn kiện lại, trong đơn công ty N trình bày do công ty M giao hàng chưa đúng chủng loại nên phải trừ 500.000.000 đồng, và giao hàng chậm dẫn đến công ty N bị công ty K phạt. Công ty N yêu cầu trọng tài buộc công ty M trả cho công ty N 300.000 000 đồng tiền phạt do giao hàng chậm . Công ty N xuất trình tài liệu, chứng cứ kèm đơn kiện lại để chứng minh.
Như vậy, trong tố tụng dân sự những vấn đề mà nguyên đơn không đặt ra trong quan hệ pháp luật mà nguyên đơn khởi kiện thì bị đơn cũng có quyền yêu cầu giải quyết, nhưng yêu cầu đó của bị đơn thì tố tụng dân sự không coi đó là yêu cầu phản tố. Nhưng trong tố tụng trọng tài yêu cầu đó của bị đơn được xác định là yêu cầu kiện lại của bị đơn đối với nguyên đơn. Đó là sự khác nhau về nội hàm các thuật ngữ pháp lý này.
Trong thực tế trọng tài, không hiếm trường hợp nguyên đơn buộc bị đơn phải trả một khoản tiền nhưng sau đó bị đơn cho rằng nguyên đơn còn phải trả cho bị đơn một khoản tiền nữa nên yêu cầu cấn trừ. Nội dung này thường không được bị đơn nêu là đơn kiện lại và không tuân thủ các quy định về đơn kiện lại. Tuy nhiên, đã có Hội đồng trọng tài coi đây là một đơn kiện lại nên đã yêu cầu bị đơn phải tuân thủ các quy định về đơn kiện lại.
Yêu cầu nói trên của bị đơn sẽ thuộc một trong hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất khoản tiền mà bị đơn yêu cầu xem xét để cấn trừ cũng trong quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đang yêu cầu giải quyết. Trường hợp thứ hai, và đây là trường hợp phổ biến hơn, đó là khoản tiền mà bị đơn yêu cầu cấn trừ là một quan hệ pháp luật khác, nó có thể là một khoản tiền mà nguyên đơn vay của bị đơn , là khoản tiền còn nợ trong một quan hệ mua bán trước đó, hoặc do thực hiện một công việc cho nguyên đơn.v.v…
Dù yêu cầu cấn trừ của bị đơn thuộc trường hợp thứ nhất hay thuộc trường hợp thứ hai đều nằm trong nội hàm về yêu cầu kiện lại của bị đơn. Do đó, yêu cầu của bị đơn chỉ được đưa ra xem xét khi bị đơn thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đơn kiện lại. Nếu bị đơn chưa hiểu, chưa làm đúng thì Hội đồng trọng tài phải giải thích cho bị đơn. Khi Hội đồng trọng tài đã giải thích mà bị đơn không thực hiện theo các quy định về đơn kiện lại thì Hội đồng trọng tài không xem xét. Nếu Hội đồng trọng tài vẫn xem xét, giải quyết là sai.
Trong trường hợp bị đơn đã làm đầy đủ các yêu cầu về thủ tục của một đơn kiện lại, thì Hội đồng trọng tài phải phân biệt, nếu yêu cầu cấn trừ của bị đơn cùng trong một quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đang yêu cầu giải quyết thì Hội đồng trọng tài sẽ xem xét, giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp yêu cầu cấn trừ của bị đơn thuộc quan hệ pháp luật khác thì phải xem xét quan hệ đó hai bên có thỏa thuận trọng tài không, có thuộc loại việc quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại không? Nếu thuộc loại việc quy định tại Điều 2, và hai bên đã có thỏa thuận trọng tài, hoặc dù không có thỏa thuận trọng tài trước đó, nhưng nguyên đơn tiếp nhận yêu cầu của bị đơn, không có phản đối về thẩm quyền của trọng tài trong thời hạn theo pháp luật quy định thì Hội đồng trọng tài mới xem xét, giải quyết.
Như vậy, thực tế hoạt động trọng tài đã chấp nhận giải quyết cả trường hợp yêu cầu trong đơn kiện lại mà quan hệ pháp luật đó không liên quan đến quan hệ tranh chấp do nguyên đơn khởi kiện ( đối trừ nghĩa vụ từ quan hệ pháp luật khác, giống như trường hợp phản tố trong tố tụng dân sự đã nêu ở trên). Việc chấp nhận đơn kiện lại trong trường hợp này là phù hợp với thực tiễn, dù trường hợp này chưa hoàn toàn đúng với câu chữ trong luật: “ Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp”.
Tác giả cho rằng cần mở rộng hơn nữa biên độ của đơn kiện lại. Sau này khi sửa đổi, bổ sung Luật trọng tài thương mại nên quy định theo hướng bị đơn có quyền kiện lại cả ba trường hợp mà bộ luật tố tụng dân sự quy định cho bị đơn có quyền phản tố, miễn là có thỏa thuận trọng tài thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết. Vì nó giúp cho việc giải quyết được nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, từ đó tiết kiệm xã hội. Các quy định trong tố tụng trọng tài phải theo hướng vừa tiện lợi cho các bên, vừa bảo đảm công bằng thì được phép.
Khoản 1 Điều 36 Luật trọng tài thương mại nên viết lại như sau: Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn trong nhưng trường hợp sau sau đây:
a/ yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
b/ Yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
c/ Yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn có liên quan đến vụ tranh chấp.
Tóm lại, Dù yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn có trong cùng một quan hệ pháp luật mà nguyên đơn khởi kiện hay là một quan hệ pháp luật khác có liên quan với yêu cầu của nguyên đơn thì các yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn đều phải thuộc trường hợp có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài đó có thể được ký kết trước khi có tranh chấp, hoặc sau khi có tranh chấp, thậm chí sau khi trọng tài đã thụ lý đơn kiện. Nếu nội dung trong đơn kiện lại của bị đơn dù có liên quan đến vụ tranh chấp nhưng không nằm trong phạm vi thỏa thuận trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài thì yêu cầu mà bị đơn đặt ra trong đơn kiện lại sẽ không thuộc thẩm quyền trọng tài, trọng tài không giải quyết. Trừ trường hợp nguyên đơn bày tỏ ý chí hoặc ngầm tiếp nhận; công nhận thẩm quyền của trọng tài trên thực tế, trong quá trình tố tụng trọng tài. Nguyên đơn không phản đối thẩm quyền trọng tài trong thời hạn được quy định tại Điều 35 Luật Trọng tài thương mại.
6.1- Nơi gửi đơn kiện lại, thời hạn gửi đơn kiện lại
6.1.1- Nơi gửi đơn kiện lại
Theo quy định của khoản 2 Điều 36 thì đơn kiện lại của bị đơn phải được gửi cho Trung tâm trọng tài, nếu vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm.
Nếu các đương sự thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc và trọng tài vụ việc đang thụ lý đơn kiện của nguyên đơn, thì bị đơn phải gửi đơn kiện lại cho Hội đồng trọng tài vụ việc và nguyên đơn.
Điều 36 không quy định cụ thể về việc bị đơn có phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu được nêu ra trong đơn kiện lại hay không? nhưng tác giả cho rằng bị đơn đã có đơn kiện lại nguyên đơn thì bị đơn cũng phải gửi kèm tài liệu, chứng cứ và phải nộp tạm ứng phí trọng tài bởi các lý do sau: Một là, đơn kiện lại của bị đơn phải có các yêu cầu mới đối với nguyên đơn. Theo lẽ công bằng nguyên đơn khởi kiện bị đơn phải gửi kèm tài liệu, chứng cứ thì việc bị đơn kiện lại nguyên đơn cũng phải thực hiện như vậy. Hai là, dù là người khởi kiện hay người kiện lại khi đã đưa ra yêu cầu phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, để phía đương sự bên kia nếu không đồng ý thì có cơ sở phản bác lại.
Về phí trọng tài, nguyên đơn chỉ phải tạm ứng phí trọng tài tương ứng với phần giá trị mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết. Do đơn kiện lại của bị đơn có nội dung mới, khác với yêu cầu của nguyên đơn, sẽ phát sinh thêm công sức, chi phí, thời gian… để xử lý, nên bị đơn phải nộp tạm ứng phí trọng tài tương ứng với phần giá trị mà bị đơn yêu cầu giải quyết là phù hợp với lẽ công bằng. Ba là, khoản 4 Điều 36 quy định việc giải quyết đơn kiện lại của bị đơn cũng thực hiện theo trình tự, thủ tục giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn, phải được giải thích là bị đơn phải thức hiện theo quy định của Luật trọng tài thương mại về thủ tục khởi kiện, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu trong đơn kiện lại của bị đơn cũng giống như của nguyên đơn.
6.1.2- Thời hạn gửi đơn kiện lại
Để tránh việc lợi dụng kéo dài gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp, đồng thời bảo đảm công bằng về quyền tố tụng của mỗi bên, khoản 2 Điều 36 quy định đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm bị đơn nộp bản tự bảo vệ. Như vậy, có thể kết luận thời hạn nộp đơn kiện lại cũng sẽ là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
6.2- Bản tự bảo vệ của nguyên đơn
Như phần trên đã trình bày, khi nguyên đơn khởi kiện thì bị đơn có quyền gửi bản tự bảo vệ của mình đối với các yêu cầu của nguyên đơn, nhằm tự bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình. Khi bị đơn kiện lại nguyên đơn, thì Luật Trọng tài thương mại cũng dành cho nguyên đơn quyền tự bảo vệ được quy định tại khoản 3 Điều 36 như sau:
“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện lại, nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Hội đồng trọng tài và bị đơn”.
Luật Trọng tài thương mại không có quy định cụ thể bản tự bảo vệ của nguyên đơn cần có các nội dung gì, nhưng cũng có thể áp dụng tương tự bản tự bảo vệ của bị đơn và xác định gồm các nội dung sau: ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ; tên, địa chỉ của nguyên đơn; cơ sở và tài liệu, chứng cứ tự bảo vệ (nếu có).
Bản tự bảo vệ chính là văn bản mà bị đơn, nguyên đơn có cơ hội đưa ra các luận cứ, các quy định của pháp luật, các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc các luận cứ, tài liệu… để phản đối yêu cầu của phía bên kia hoặc phản đối thẩm quyền trọng tài. Trên cơ sở đó Hội đồng trọng tài xem xét chấp nhận hay bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện, của bên có đơn kiện lại.
Trong trường hợp nguyên đơn cho rằng yêu cầu của bị đơn trong đơn kiện lại không có trong phạm vi thỏa thuận trọng tài thì nguyên đơn cũng phải thể hiện sự phản đối của mình trong bản tự bảo vệ.
7- Rút đơn khởi kiện, đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại
Trong tố tụng dân sự cũng như tố tụng trọng tài đều có một điểm chung là rất tôn trọng ý chí của các bên đương sự. Nhưng cũng có sự khác nhau cơ bản:
Về việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, tố tụng dân sự có quy định khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện là một căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án (điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2011; BLTTDS năm 2015 là Điều 217). Khi bắt đầu thủ tục phiên tòa nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử cũng chấp nhận và đình chỉ xét xử toàn bộ yêu cầu đã rút (Điều 218; BLTTDS năm 2015 là Điều 244).
Đối với trường hợp trước khi Hội đồng xét xử, Hội đồng xét đơn vào nghị án mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì xử lý thế nào Luật tố tụng dân sự không quy định rõ. Song trong tố tụng trọng tài trước khi Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài, luật quy định rất rõ các bên có quyền rút đơn khởi kiện, đơn kiện lại (khoản 1 Điều 37) và Hội đồng trọng tài sẽ căn cứ điểm c khoản 1 Điều 59 để đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Tại phiên tòa, Luật tố tụng dân sự quy định việc thay đổi, bổ sung yêu cầu không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, hoặc yêu cầu độc lập ban đầu ( Điều 218; BLTTDS năm 2015 là Điều 244). Nhưng trong tố tụng trọng tài các bên có quyền sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại hoặc bản tự bảo vệ trong suốt quá trình tố tụng ( khoản 2 Điều 37).
Từ quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật trọng tài có hai vấn đề cần phải làm rõ.
Một là đến thời điểm nào các bên sẽ không được sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện? Tác giả cho rằng căn cứ lời văn của điều luật thì có thể xác định khi hội đồng trọng tài tuyên bố kết thúc phiên họp để chuẩn bị ban hành phán quyết trọng tài thì các bên không còn quyền sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại.
Hai là tại phiên họp giải quyết đơn khởi kiện, đơn kiện lại thì các bên (bên khởi kiện, bên kiện lại) có quyền sửa đổi bổ sung vượt quá yêu cầu trong đơn khởi kiện, đơn kiện lại ban đầu hay không? Hiện đang có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng căn cứ quy định tại Điều 36 Luật trong tài thì luật đều quy định thời gian nộp bản tự bảo vệ, thời gian có đơn kiện lại nhằm bảo đảm cho bên kia có thời gian cung cấp tài liệu, chứng cứ để tự bảo vệ. Do đó, khi phiên họp đã diễn ra thì các bên không được thay đổi, bổ sung yêu cầu vượt quá so với yêu cầu trong đơn khởi kiện, đơn kiện lại ban đầu. Vì nếu tại phiên họp các bên mới đưa ra các yêu cầu mới, yêu cầu vượt quá so với yêu cầu ban đầu thì phía đương sự bên kia không có thời gian để tự bảo vệ, không chuẩn bi kịp tài liệu, chứng cứ. Quan điểm thứ hai và đây cũng là quan điểm của tác giả, các bên đương sự có quyền sửa đổi, bổ sung yêu cầu vượt quá so với yêu cầu trong đơn khởi kiện, đơn kiện lại bởi các căn cứ sau: Một là Luật Trọng tài không có quy định cấm như trong tố tụng dân sự. Hai là tố tụng trọng tài có nhiều quy định tùy nghi, là sân chơi sáng tạo tố tụng của các bên, do các bên quyết định, các bên có quyền lựa chọn đưa ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung vượt quá so với yêu cầu khởi kiện, kiện lại ban đầu. Nếu vì thế mà bên kia không chuẩn bị kịp luận cứ, tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu dừng phiên họp để có thời gian chuẩn bị. Luật trọng tài không cấm hoãn trong trường hợp này, không khống chế thời gian giải quyết như tố tụng dân sự. Do đó, không ảnh hưởng quyền tự bảo vệ.
Ba là ưu điểm của tố tụng trọng tài là mền dẻo, uyển chuyển, linh hoạt cả hai bên đều có quyền như nhau trong việc sửa đổi, bổ sung nên bảo đảm sự công bằng. Bốn là việc giải quyết có thể có trường hợp vụ kiện bị kết thúc chậm hơn, nhưng tất cả các yêu cầu mà mỗi bên quan tâm đều được giải quyết, không phải khởi kiện vụ án khác thì về tổng thể trong nhiều trường hợp là nhanh, tiết kiệm. Năm là đây là quyền lựa chọn tố tụng của các bên, lựa chọn này không ảnh hưởng đến lợi ích công, lợi ích chủ thể khác. Dù hay hay dở nhưng các bên tự nguyện lựa chọn thì sao lại không được.
Tuy nhiên, các bên có quyền sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại vượt quá yêu cầu của đơn khởi kiện, đơn kiện lại ban đầu đều có thể được chấp nhận khi thỏa mãn các điều kiện sau: Một là yêu cầu đó phải thuộc phạm vi có thỏa thuận trọng tài. Hai là nếu yêu cầu đó có giá trị tranh chấp lớn hơn giá trị tranh chấp được nêu trong đơn khởi kiện, đơn kiện lại thì bên sửa đổi, bổ sung phải nộp thêm tạm ứng phí trọng tài. Ba là yêu cầu đó phải được thể hiện bằng văn bản. Khi bên đưa ra yêu cầu đáp ứng cả 3 điều kiện nói trên thì mới được xem xét.
Bên cạnh việc Luật Trọng tài thương mại trao quyền rất rộng rãi cho các bên trong việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại, nhưng Luật cũng trao quyền cho Hội đồng trọng tài không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp (khoản 2 Điều 37).
Tóm tại, dù vấn đề sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại có đưa ra yêu cầu vượt quá…, nhưng không phải để gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết thì hội đồng trọng tài cần chấp nhận.
Khi Hội đồng trọng tài đã chấp nhận xem xét, giải quyết thì Hội đồng trọng tài phải dành cho phía đương sự bên kia có đủ cơ hội theo quy định tố tụng thực hiện quyền tự bảo vệ. Nếu thấy phía đương sự bên kia chưa thể hiện đầy đủ, rõ ràng thì Hội đồng trọng tài phải hỏi, phải làm rõ quan điểm của phía đương sự bên kia về các sửa đổi, bổ sung mới so với đơn khởi kiện, trong đơn kiện lại. Trên cơ sở làm rõ yêu cầu, quan điểm của mỗi bên về nội dung được sửa đổi, bổ sung, dựa trên các chứng cứ mà hai bên xuất trình để xem xét, xử lý phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Chỉ khi làm đúng như vậy phán quyết trọng tài mới có sức thuyết phục, không tạo kẽ hở cho bên không có thiện chí khai thác, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.