Quy định về thủ tục khởi kiện được quy định cụ thể trong quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Theo đó, Đơn khởi kiện là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ khởi kiện. Báo Công lý xin giới thiệu những vấn đề liên quan đến đơn khởi kiện.
1- Đơn khởi kiện
Khi có việc khởi kiện dù là tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hay tố tụng trọng tài… thì cũng đều phải xuất hiện người khởi xướng cho một quá trình tố tụng bằng việc thể hiện ý chí của mình dưới hình thức đơn khởi kiện. Có thể nói đơn khởi kiện là điểm mở đầu, là khởi thủy cho một tiến trình tố tụng sẽ được diễn ra.
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, có hai hình thức giải quyết tranh chấp trọng tài:
Một là, hình thức giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài ( còn gọi là trọng tài quy chế), theo quy định của luật trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó.
Hai là hình thức giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, theo quy định của luật trọng tài, trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.
Mỗi hình thức giải quyết tranh chấp có tính chất đặc thù riêng. Do đó, nếu các bên đương sự thỏa thuận, khi có tranh chấp sẽ lựa chọn trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp, thì nguyên đơn khi làm đơn khởi kiện, phải gửi đơn đến trung tâm trọng tài mà hai bên đã thỏa thuận lựa chọn.
Trường hợp hai bên thỏa thuận khi tranh chấp sẽ do trọng tài vụ việc giải quyết, thì sau khi nguyên đơn làm đơn khởi kiện, nguyên đơn phải gửi đơn khởi kiện cho bị đơn để bị đơn chọn Trọng tài viên; Đồng thời, cùng phối hợp với nguyên đơn hình thành Hội đồng trọng tài vụ việc và chuẩn bị cho việc tham gia tố tụng.
Dù việc tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài quy chế, hay trọng tài vụ việc thì nội dung đơn khởi kiện đều phải có điểm chung như sau:
1.1- Nội dung đơn khởi kiện
Tại khoản 2 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại đã quy định:
“Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
d) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
đ) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
e) Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.”
Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn phải nêu các yêu cầu cụ thể mà nguyên đơn mong muốn được trọng tài giải quyết. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, là điểm mấu chốt của đơn khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện nêu được rõ ràng, cụ thể yêu cầu của nguyên đơn bao nhiêu, sẽ là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi cho tiến trình giải quyết vụ kiện.
So sánh quy định tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại, với quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2011, có thể thấy rõ yêu cầu trong nội dung đơn khởi kiện là khác nhau, nhất là quy định tại khoản 3 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại khoản 3 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
“Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.” (Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 189 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện)
Nếu cá nhân khởi kiện thực hiện theo tố tụng dân sự không trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn mà chỉ có người đại diện theo ủy quyền ký vào đơn thì đơn khởi kiện đó là không hợp lệ, không có giá trị pháp lý. Điều đó cho thấy tố tụng dân sự rất chặt chẽ, hoàn toàn khác với tố tụng trọng tài là mềm dẻo, linh hoạt được thể hiện ngay trong quy định về các yêu cầu của đơn khởi kiện.
Tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại không quy định về việc người khởi kiện phải ký vào đơn khởi kiện, cho nên cũng có ý kiến cho rằng đơn khởi kiện không có chữ ký của người khởi kiện vẫn có giá trị. Thiết nghĩ, dù luật không quy định cụ thể, không chặt chẽ như trong tố tụng dân sự, nhưng không có nghĩa là đơn khởi kiện theo tố tụng trọng tài không cần có chữ ký. Bởi lẽ, chữ ký dù là ký bình thường hay chữ ký điện tử (hoặc điểm chỉ) là sự khẳng định ý chí của chính chủ thể về các yêu cầu đặt ra trong đơn và mong muốn trọng tài giải quyết. Do đó, họ phải ký vào đơn. Nhưng với cách quy định tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại và các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định khác thì người khởi kiện có thể trực tiếp, cũng có thể để cho người đại diện theo ủy quyền ký vào đơn đều được coi là hợp lệ, nếu người được ủy quyền chứng minh rõ việc ủy quyền là hợp pháp.
1.2- Hình thức đơn và tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện
+ Do luật trọng tài không quy định, nên đơn khởi kiện thể hiện dưới hình thức nào sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài mà hai bên đã lựa chọn. Thông thường đơn khởi kiện được thể hiện dưới hình thức văn bản.
+ Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải gửi các tài liệu sau:
- văn bản chứa đựng thỏa thuận trọng tài.
- Bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan đến nội dung tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn trong đơn khởi kiện.
Một trong những yếu tố giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh, tiết kiệm thời gian thì nguyên đơn phải chuẩn bị và gửi càng đầy đủ, càng sớm các tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp là rất quan trọng.
1.3- Nơi gửi đơn khởi kiện
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại thì:
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến trung tâm trọng tài.
Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài vụ việc thì nguyên đơn phải gửi đơn khởi kiện cho bị đơn.
2- Thời điểm bắt đầu và chấm dứt tố tụng trọng tài
2.1- Thời điểm bắt đầu tố tụng
Bộ luật tố tụng dân sự quy định nội dung và hình thức của đơn khởi kiện với yêu cầu chặt chẽ. Nếu đơn khởi kiện không thể hiện đúng yêu cầu đó Tòa án yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung trong một thời hạn, nếu không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý, giải quyết. Nếu đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và xuất trình biên lai nộp tạm ứng án phí thì Tòa án mới thụ lý.
Dù Bộ luật tố tụng dân sự đặt ra yêu cầu chặt chẽ đối với đơn khởi kiện, nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện vẫn được xác định là ngày nộp đơn khởi kiện (nếu đơn khởi kiện đã sửa đổi theo yêu cầu của Tòa án và Tòa án đã thụ lý - Tác giả), nếu người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án, hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi, nếu đơn khởi kiện được gửi qua đường bưu điện”.
Đối với Luật Trọng tài thương mại, như đã trình bày, phân tích ở trên, luật không có quy định nếu đơn khởi kiện chưa thể hiện đúng quy định ở Điều 30 thì xử lý thế nào? song lại quy định rất rõ ràng về thời điểm bắt đầu tố tụng.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Trọng tài thương mại thì:
“1. Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
2. Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.”
Như vậy, có thể hiểu dù đơn khởi kiện đã thể hiện đầy đủ hay chưa đúng quy định ở khoản 2 Điều 30 thì “thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn” và Trung tâm trọng tài sẽ yêu cầu nguyên đơn bổ sung đơn khởi kiện nếu thấy đơn khởi kiện chưa thể hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 30. Mặc dù có phải sửa đổi, bổ sung và nguyên đơn đã bổ sung theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài thì thời điểm tố tụng trọng tài vẫn tính từ khi trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện, nếu vụ kiện do trọng tài quy chế giải quyết .
Việc xác định thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài có ý nghĩa quan trọng, không chỉ xác định vụ tranh chấp có còn thời hiệu để trọng tài thụ lý giải quyết hay không? nguyên đơn có còn quyền đi kiện hay không? mà nó còn có ý nghĩa đánh dấu thời điểm bắt đầu vận hành quá trình tố tụng.
Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều 31 chỉ có ý nghĩa trên thực tế và sẽ được áp dụng khi các bên không có thỏa thuận nào khác.
Nếu các bên đương sự không muốn chọn thời điểm bắt đầu tố tụng như đã quy định tại Điều 31 thì các bên có quyền thỏa thuận thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài sớm hơn, hoặc muộn hơn thời điểm được quy định trong luật trọng tài.
Ví dụ các bên có thỏa thuận thời điểm bắt đầu tố tụng kể từ khi nguyên đơn gửi đơn khởi kiện, hoặc sau khi nộp biên lai nộp tạm ứng phí trọng tài.v.v…
Do không nhận thức đúng quy định tại Điều 31 Luật Trọng tài thương mại nên trong một số vụ tranh chấp đã có ý kiến cho rằng những trường hợp đơn khởi kiện chưa thể hiện đúng như quy định tại Điều 30, ví dụ đơn khởi kiện thiếu phần chọn Trọng tài viên…, nên Hội đồng trọng tài có văn bản yêu cầu nguyên đơn bổ sung. Thời gian nguyên đơn bổ sung đơn khởi kiện phải tính vào thời hiệu khởi kiện… nếu hết thời hiệu khởi kiện trọng tài không được giải quyết. Đây là nhận thức sai lầm, không phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại.
2.2- Thời điểm kết thúc tố tụng
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại thì:
“Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”.
Tuy nhiên, có một nét rất đặc thù của Luật Trọng tài thương mại là dù đã ra phán quyết trọng tài và chấm dứt tố tụng trọng tài, nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 63, khoản 7 Điều 71 Hội đồng trọng tài vẫn có quyền phán quyết bổ sung hoặc khắc phục sai sót tố tụng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
Đây là một quy định rất có ý nghĩa thực tiễn góp phần khắc phục thiếu sót và ổn định phán quyết trọng tài. Nhưng để các quy định đó giàu sức sống rất cần sự thấu hiểu và hỗ trợ của Tòa án mà trực tiếp là các Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Sau này nếu sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại trong đó có bổ sung quy định thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Tòa án về xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, thì phải coi trường hợp Hội đồng xét đơn không thực hiện đúng quy định tại khoản 7 Điều 71 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhằm bảo đảm các Hội đồng xét đơn phải nghiêm túc thực hiện quy định này, hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài khi còn cơ hội khắc phục và có thể khắc phục được.
3- Thông báo đơn khởi kiện( Điều 32)
Thông báo đơn khởi kiện được thực hiện nếu việc giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài. Đây là một hoạt động, một thủ tục quan trọng trong tố tụng trọng tài, nhằm chuyển kịp thời tới bị đơn những yêu cầu, tài liệu của nguyên đơn trong vụ tranh chấp. Nó bảo đảm cho tố tụng trọng tài vận hành bình thường, bảo đảm quyền tố tụng, quyền tự bảo vệ của mỗi bên.
Đối với tranh chấp được giải quyết tại trọng tài vụ việc, khi nguyên đơn khởi kiện đã phải gửi ngay đơn khởi kiện cho bị đơn biết. Nên không phải thực hiện thủ tục thông báo cho bị đơn theo quy định tại Điều 32 Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng và theo bản chất của vấn đề, thì xác định bị đơn đã được nguyên đơn “thông báo” việc khởi kiện ngay từ đầu và bị đơn đã phải có phản ứng tương thích với sự kiện đó.
Trong trường hợp các bên thỏa thuận việc tranh chấp được giải quyết tại trung tâm trọng tài (còn gọi là trọng tài quy chế), nếu các bên có thỏa thuận về việc thông báo thì thực hiện theo thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận mà quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài có quy định về hình thức thông báo, thời hạn thông báo đơn khởi kiện thì các bên sẽ thực hiện theo quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài không có quy định khác, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu có liên quan đến yêu cầu khởi kiện, đến quan hệ pháp luật có tranh chấp… Từ thời điểm này đã bắt đầu quá trình thành lập Hội đồng trọng tài, quá trình “tranh tụng” theo tố tụng trọng tài. Nếu bị đơn không được thông báo việc khởi kiện của nguyên đơn kịp thời, không bảo đảm quyền được thành lập Hội đồng trọng tài… bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục trọng tài. Ví dụ không gửi cho bị đơn đơn khởi kiện của nguyên đơn hoặc không gửi cho bị đơn những tài liệu mà nguyên đơn đã gửi cho trung tâm trọng tài kèm đơn khởi kiện.
4- Phí trọng tài
Trong quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại, do Tòa án giải quyết theo tố tụng dân sự hay do trọng tài giải quyết theo tố tụng trọng tài đều có thể phát sinh rất nhiều chi phí khác nhau, ví dụ như chi phí giám định, định giá, thuê đo đạc diện tích, chi phí cho nhân chứng, luật sư, án phí (nếu giải quyết tại Tòa án), phí trọng tài (nếu việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài). Điều đó cho thấy phí trọng tài chỉ là một loại chi phí để bảo đảm cho Hội đồng trọng tài, trung tâm trọng tài có kinh phí thực hiện nhiệm vụ “trọng tài” giải quyết tranh chấp cho các bên. Vì thế Điều 32 Luật Trọng tài thương mại cũng đã quy định khi trọng tài nhận được chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo.
Tạm ứng phí trọng tài do nguyên đơn nộp mới chỉ là khoản tạm thời ứng trước một phần chi phí cho hoạt động trọng tài, chứ đó không phải là toàn bộ chi phí.
Theo quy định tại Điều 34 Luật Trọng tài thương mại thì phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nó sẽ bao gồm các khoản sau:
- Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
- Phí hành chính;
- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
Như vậy, phí trọng tài sẽ không bao gồm một số chi phí khác như chi phí định giá, chi phí giám định…..
Tùy theo yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp, mức độ phức tạp của vụ việc, giá trị tài sản tranh chấp… để xác định phí trọng tài. Do đó, Luật Trọng tài thương mại chỉ quy định những chi phí nào thuộc phạm vi được gọi là phí trọng tài, chứ luật không đưa ra một con số cụ thể. Mức phí trọng tài trong từng vụ việc cụ thể sẽ do trung tâm trọng tài ấn định (nếu vụ việc được giải quyết tại trung tâm trọng tài), hoặc sẽ do Hội đồng trọng tài ấn định nếu việc giải quyết bởi trọng tài vụ việc.
Như trên đã phân tích, khi khởi kiện nguyên đơn phải tạm ứng phí trọng tài, nhưng không có nghĩa nguyên đơn sẽ phải chịu phí trọng tài. Vậy ai sẽ phải chịu phí trọng tài? Thông thường bên nào thua kiện, bên đó sẽ phải chịu phí trọng tài. Nếu toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Hội đồng trọng tài chấp nhận thì bị đơn sẽ phải chịu toàn bộ phí trọng tài, nếu yêu cầu của nguyên đơn chỉ được chấp nhận 50% thì nguyên đơn sẽ phải chịu ½ phí trọng tài, bị đơn phải chịu ½ phí trọng tài.
Như đã từng phân tích đặc thù của tố tụng trọng tài hết sức linh hoạt, mềm dẻo, nó được thể hiện ngay trong việc xử lý phí trọng tài. Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 thì “Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác”.
Như vậy, nếu các bên có thỏa thuận “bên” nào sẽ chịu chi phí trọng tài thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Do đó, các bên có thể thỏa thuận bên thua kiện hay bên thắng kiện sẽ chịu phí trọng tài, tỷ lệ phí mà mỗi bên sẽ phải chịu, hoặc quy tắc tố tụng trọng tài có thể quy định “ai” sẽ phải chịu phí trọng tài, hoặc tỷ lệ phí trọng tài mà mỗi bên phải chịu. Đối với trường hợp việc giải quyết bởi trọng tài vụ việc, mà các bên thỏa thuận sử dụng quy tắc tố tụng trọng tài của một trung tâm trọng tài nào đó để giải quyết vụ tranh chấp thì việc xác định “ai” sẽ chịu phí trọng tài cũng theo quy định của quy tắc tố tụng của trung tâm đó (nếu quy tắc của trung tâm có quy định về việc “ai” chịu phí trọng tài), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về phí trọng tài. Ngoài ra luật còn quy định Hội đồng trọng tài có quyền phân bổ phí trọng tài.
Như vậy, có ba “chủ thể” là: các bên đương sự, quy tắc tố tụng trọng tài (do Trung tâm trọng tài ban hành) và Hội đồng trọng tài đều có thể có quyền xác định “ai” sẽ phải chịu phí trọng tài.
Trong thực tế, có trường hợp các bên thỏa thuận chủ thể phân chia phí trọng tài là “Tòa án” trong phiên bản tiếng Việt, và “court” trong phiên bản tiếng Anh. Thỏa thuận như vậy là không rõ ràng, không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài phải giải thích cho các bên biết pháp luật Việt nam chỉ quy định “Hội đồng trọng tài” chứ không phải “Tòa án nhân dân” có thẩm quyền phân bổ phí trọng tài.
Điều 34 Luật Trọng tài thương mại quy định những nội dung rất cơ bản về phí trọng tài và mới chỉ định hướng việc xử lý phí trọng tài khi vụ tranh chấp đã ra được phán quyết cuối cùng. Nhưng thực tiễn bao giờ cũng phong phú và sinh động, có những trường hợp trước khi mở phiên họp đầu tiên hoặc tại phiên họp đầu tiên thì sự việc đã được đình chỉ vì những lý do khác nhau như việc tranh chấp không thuộc thẩm quyền Hội đồng trọng tài, các bên thỏa thuận tự giải quyết tranh chấp, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.v.v… hoặc việc giải quyết chỉ với Hội đồng trọng tài do một Trọng tài viên đảm nhận thì chi phí có thể thấp hơn một vụ việc mà các bên thỏa thuận có năm, sáu Trọng tài viên.v.v….
5- Bản tự bảo vệ và việc gửi bản tự bảo vệ
5.1- Nội dung bản tự bảo vệ
Thông thường người khởi kiện được coi là người có quyền lợi bị xâm phạm, họ khởi xướng, khơi mào cho một tiến trình tố tụng. Nhưng yêu cầu của họ có được chấp nhận hay không, chấp nhận đến đâu sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc chuẩn bị tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện mà còn phụ thuộc vào sự “phản kháng”, sự chứng minh của phía bị đơn bằng tài liệu, chứng cứ, bằng các lý lẽ và viện dẫn pháp luật.
Trong tố tụng trọng tài nếu phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn hoặc không đồng ý một phần yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn phải thực hiện sự tự bảo vệ. Do đó, khi nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, bị đơn phải thu thập tài liệu, chứng cứ, phải trên cơ sở hợp đồng, và thực hiện hợp đồng, quy định của pháp luật… để có bản tự bảo vệ của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại, bản tự bảo vệ của bị đơn phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;
- Tên và địa chỉ của bị đơn;
- Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;
- Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Nội dung trên đây chỉ là những điểm rất cơ bản của bản tự bảo vệ. Tùy tình hình cụ thể của vụ tranh chấp, cũng như quan điểm của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn, mà bị đơn đề cập đến các nội dung khác.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại thì: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”.
Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 35 đặt ra thời hạn phản đối của bị đơn về thẩm quyền trọng tài, việc phản đối phải được nêu trong bản tự bảo vệ. Nếu bị đơn phát hiện trọng tài có vi phạm quy định của luật trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài mà vẫn thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối thì mất quyền phản đối về thẩm quyền của trọng tài.
5.2- Thời hạn gửi bản tự bảo vệ
5.2.1- Đối với vụ việc được giải quyết tại trung tâm trọng tài (khoản 2 Điều 35)
5.2.1.1- Thời hạn bị đơn gửi bản tự bảo vệ
Các bên có thể thỏa thuận về thời hạn bị đơn gửi bản tự bảo vệ và tài liệu về trung tâm trọng tài; nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn gửi bản tự bảo vệ thì các bên sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, mà trong quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài có quy định thời hạn thì trong thời hạn đã được ghi rõ trong quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài, bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ và tài liệu, chứng cứ về trung tâm trọng tài.
Trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài cũng không có quy định về thời hạn bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ và tài liệu, chứng cứ về cho trung tâm trọng tài thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ.
5.2.1.2- Gia hạn thời hạn bị đơn gửi bản tự bảo vệ
Luật Trọng tài thương mại quy định việc gia hạn thời hạn gửi bản tự bảo vệ như sau: “Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình hình cụ thể của vụ việc”.
Như vậy, Luật Trọng tài thương mại không quy định số lần gia hạn, thời gian gia hạn cụ thể mà dành cho các bên đương sự quyền yêu cầu và Trung tâm trọng tài quyết định.
Việc trung tâm trọng tài chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu gia hạn của một bên hoặc của các bên tranh chấp và thời gian gia hạn bao lâu là tùy thuộc vào tình tiết cụ thể của vụ việc để trung tâm trọng tài quyết định. Đây là một giải pháp rất linh hoạt, hợp lý để ngăn chặn một bên nào đó có ý đồ không tốt muốn kéo dài việc giải quyết tranh chấp, gây khó khăn cho bên kia.
Trường hợp bị đơn không có bản tự bảo vệ, hoặc không tham gia phiên họp theo thông báo của hội đồng trọng tài thì tiến trình tố tụng trọng tài vẫn vận hành bình thường. Trong trường hợp này, bị đơn đã tự tước quyền tự bảo vệ, tự tước quyền tham gia tố tụng, hội đồng trọng tài căn cứ vào tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp, trình bày của nguyên đơn trong phiên họp để giải quyết.
5.2.2- Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài vụ việc (khoản 3 Điều 35)
Các bên có thể thỏa thuận thời hạn bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ và tài liệu cho nguyên đơn và Trọng tài viên mà nguyên đơn đã lựa chọn. trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên do nguyên đơn đã lựa chọn bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà bị đơn chọn làm Trọng tài viên, để từ đó hình thành nên Hội đồng trọng tài vụ việc.
Thời hạn 30 ngày mà Luật Trọng tài thương mại quy định để bị đơn nộp bản tự bảo vệ và tài liệu được coi là thời gian hợp lý, đủ để bị đơn thực hiện các công việc tự bảo vệ bước đầu, có thể coi đây là quyền của bị đơn thực hiện “tranh tụng” trong tố tụng trọng tài. Do đó, trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn đã xác định thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành bình thường, và bị đơn cũng sẽ mất quyền phản đối về thẩm quyền của trọng tài.
Khoản 3 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại không quy định việc giải quyết bằng trọng tài vụ việc thì bị đơn có quyền xin gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ hay không và ai có quyền quyết định vấn đề đó?
Có ý kiến cho rằng luật không quy định thì bị đơn không có quyền xin gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ. Các bên đã lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là trọng tài vụ việc thì bị đơn phải chấp nhận những hạn chế của nó, đó cũng là lẽ công bằng.
Quan điểm này cũng rất đáng suy nghĩ, vì nó chứa đựng sự hợp lý và lôgic. Tuy nhiên, theo tác giả để hiểu và áp dụng Luật Trọng tài thương mại đúng phải nghiêng về hướng tư duy mở thì mới phù hợp với tính chất, đặc thù của Luật Trọng tài thương mại.
Một là, Luật Trọng tài thương mại dành một không gian rất rộng rãi về quyền tự quyết cho hai bên đương sự.
Hai là, Luật Trọng tài thương mại không có quy định cấm việc gia hạn thời hạn bị đơn nộp bản tự bảo vệ trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc. Do đó, bị đơn cũng có quyền xin gia hạn thời hạn nộp đơn tự bảo vệ. Sẽ có hai lựa chọn sau đây đều được coi là hợp pháp. Một là sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu của nguyên đơn, bị đơn thỏa thuận với nguyên đơn về việc gia hạn và thời hạn gia hạn. Hai là bị đơn phải phối hợp với nguyên đơn để sớm thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc, khi đã có Hội đồng trọng tài vụ việc, bị đơn xin gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ và Hội đồng trọng tài vụ việc là người đưa ra quyết định có cho gia hạn hay không và thời gian gia hạn bao lâu.
(Còn nữa)