Hòa giải tại Tòa án là phương thức giải quyết các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án do Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện trước khi thụ lý giải quyết vụ án theo tố tụng dân sự.
Trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được.
Hòa giải tại Tòa án
Theo Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào (nguyên Phó Chánh án TANDTC), hòa giải tại Tòa án có bốn đặc điểm so với các loại hình hòa giải khác. Trước tiên, hòa giải tất cả các tranh chấp dân sự và việc thuận tình ly hôn thuộc thấm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được. So với các hoạt động hòa giải khác thì phạm vi và đối tượng hòa giải tại Tòa án được mở rộng hơn rất nhiều.
Về phạm vi, Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải tại Tòa án được quyền hòa giải các vụ việc trong phạm vi của thẩm quyền của Tòa án cấp đó, trong khi hòa giải ở cơ sở chỉ thực hiện hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra tại cơ sở đó, tức là chỉ hòa giải các tranh chấp trong phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... Không những thế, về đối tượng, Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải tại Tòa án được quyền hòa giải các tranh chấp về: dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động kể cả trường hợp thuận tình ly hôn. Còn UBND xã, phường chỉ hòa giải các tranh chấp về đất đai; Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động chỉ hòa giải các tranh chấp về lao động; Hòa giải viên thương mại chỉ hòa giải các tranh chấp về thương mại...
Tiếp đó, hòa giải tại Tòa án thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự theo hướng dẫn của TANDTC, khác một số quy định của BLTTDS. Theo quy định hiện nay, hòa giải ngoài Tòa án là hòa giải không gắn với tố tụng, còn hòa giải tại Tòa án là hòa giải trong quá trình tố tụng. Riêng hòa giải thí điểm tại Tòa án là việc hoà giải được thực hiện sau khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhưng chưa thụ lý vụ án theo quy định của BLTTDS hoặc các bên có yêu cầu Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện việc hòa giải, các bên chưa nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.
Hay nói cách khác, hòa giải thí điểm tại Tòa án là hòa giải “tiền tố tụng”, cho nên việc thực hiện hòa giải này được tiến hành tại Trung tâm hòa giải, đối thoại do Tòa án thành lập, được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo hướng dẫn của TANDTC tại Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 hướng dẫn về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND. Một số hướng dẫn của Công văn này khác với quy định của BLTTDS như về bảo mật thông tin, xử lý kết quả hòa giải, xác định thời hiệu...
Không những thế, hòa giải tại Tòa án do Hòa giải viên tiến hành độc lập và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng được sự hỗ trợ của Tòa án. Hòa giải viên do Tòa án lựa chọn và công nhận; Tòa án có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, ký và tống đạt các giấy tờ có liên quan đến hòa giải...
Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Hải An, TP. Hải Phòng hòa giải vụ việc dân sự
Cuối cùng là phương thức hòa giải vô cùng linh hoạt. Bởi lẽ, về thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải do Hòa giải viên quyết định, không bắt buộc phải thu thập chứng cứ đầy đủ rồi mới tiến hành hòa giải, có thể tiến hành hòa giải ngoài phòng hòa giải của Trung tâm hòa giải nếu các bên tranh chấp đều đồng ý. Khi hòa giải, Hòa giải viên được phép linh hoạt trong sử dụng phương thức hòa giải, trừ những biện pháp vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội. Đó có thể là: Hòa giải viên thực hiện việc họp kín, họp chung linh hoạt; Hòa giải viên có thể giải thích, phân tích... để giúp các bên hiểu đúng bản chất đối với các vấn đề đang tranh chấp để tự nguyện thỏa thuận giải pháp thích hợp.
Như vậy có thể hiểu, linh hoạt là một đặc điểm nổi bật của phương pháp hòa giải khi thực hiện thí điểm, nó không bị gò bó theo trình tự, thủ tục quy định cứng của BLTTDS. Hòa giải viên tiến hành hòa giải mà không lo lắng vi phạm nguyên tắc “chưa xử đã xét” như khi Thẩm phán tiến hành hòa giải trong tố tụng. Đây là điểm thuận lợi lớn của việc hòa giải thực hiện theo mô hình thí điểm so với hòa giải trong tố tụng được tiến hành bởi Thẩm phán.
Những trường hợp không được hòa giải; không hòa giải được
Cũng theo Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào, Hòa giải viên không được hòa giải trong những trường hợp sau đây: Không phải là vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Tranh chấp về yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; và tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của luật quản lý sử dụng tài sản công. Trường hợp tài sản công được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Tòa án không được hòa giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về tranh chấp.
Trường hợp tài sản công đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật cho nên đối với tranh chấp từ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tài sản của doanh nghiệp thì vẫn tiến hành hòa giải.
Theo quy định Điều 123 BLDS năm 2015 thì giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu cho nên Tòa án không được hòa giải những tranh chấp nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó.
Còn những trường hợp không hòa giải được gồm: Một trong các bên tranh chấp đề nghị không tiến hành hòa giải; Một trong các bên tranh chấp không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; Vụ án ly hôn mà một bên là người mất năng lực hành vi dân sự.
Đối với trường hợp một trong các bên tranh chấp đã được mời hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì xem như không tiến hành hòa giải được (trong tố tụng dân sự, nguyên đơn triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và không xin xử vắng mặt, không có người đại diện, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì đình chỉ giải quyết vụ án).