Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, khắp các thôn làng, ngõ xóm trên cả nước lại huyên náo, đầy ắp tiếng cười, tiếng hò reo của người già, trẻ nhỏ, đây là lúc các trò chơi dân gian được tái hiện một cách sinh động, giàu nét nhân văn.
Những trò chơi dân gian ngày tết không những là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân mà nó còn thể hiện những nét văn hóa riêng của mỗi vùng miền, mỗi địa phương. Dưới đây là một số trò chơi mà dịp Tết cổ truyền người Việt thường tổ chức:
Bịt mắt bắt dê
Không gian của trò chơi này được diễn ra trên một khoảng đất rộng, khán giả sẽ đứng thành vòng tròn, vây xung quanh làm hàng rào. Sẽ có 2 người được chọn tham gia vào trò chơi, 2 người này được bịt kín mắt, 1 người sẽ làm “dê” để người kia đuổi bắt, người làm “dê” thỉnh thoảng phải phát ra tiếng động để người kia biết mà đuổi theo. Tùy theo từng địa phương mà đối tượng làm dê có thể là người, có thể là những chú dê thật.
Bắt chạch trong chum
Trò chơi này khá thú vị và thường diễn ra ở các miền sông nước, giáp biển, nhiều ruộng đồng, được tổ chức ở sân đình. Người ta sẽ bỏ 5 – 6 chiếc chum liền nhau, cho 2/3 nước vào chum, mỗi chum thả từ 3 -4 con chạch. Người tham gia trò chơi là các cặp trai gái, mỗi cặp sẽ phải dùng 1 tay để ôm nhau, tay còn lại cho vào chum để bắt chạch. Những con chạch trơn, nên cực kỳ khó bắt, dân làng sẽ đứng xung quanh hò reo cổ vũ và trêu đùa các cặp mải bắt chạch mà quên mất nhiệm vụ ôm nhau.
Bắt vịt dưới ao
Đối với những năm có thời tiết ấm, ở một số địa phương thường tổ chức trò chơi bắt vịt dưới ao. Sân chơi là một chiếc ao lớn, có bờ cao. Tùy theo diện tích ao hẹp hay rộng, người ta sẽ thả 4 con vịt xuống ao. Người tham gia bắt vịt từ 3 – 4 người và phải là những người to khỏe, bơi giỏi để đua với những chú vịt. Trò chơi chỉ kết thúc khi người chơi bắt được hết tất cả các chú vịt.
Đánh phết
Trò chơi này thường diễn ra ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sân chơi là sân đình, hai đầu sân (theo hướng đông - tây) có vòng tròn vạch vôi hay đào lỗ làm mục tiêu. Người đánh phết chia làm hai phe dùng gậy tre để cả gốc dài 1m đánh vào quả phết (làm bằng gỗ tròn sơn đỏ, tượng trưng cho Mặt Trời), hễ quả chuyển vào vòng tròn (hay lỗ) của đối phương là thắng cuộc. Có người cho rằng trò đánh phết bắt nguồn từ tục thờ Mặt Trời (quả phết chuyển động từ đông sang tây và ngược lại). Dân gian còn gắn trò chơi này với sự tích Hai Bà Trưng luyện tập binh sĩ. Các cuộc thi đấu phết đều thu hút đông đảo người xem, mọi người cùng hò reo khích lệ trong không khí ồn ào sôi động.
Đập niêu đất
Đập niêu đất cũng là một trò chơi cực kỳ phổ biến dịp tết của người miền Bắc. Trò chơi thường được diễn ra ở một khoảng sân rộng, người tham gia trò chơi sẽ bị bịt kín mắt, được cầm 1 chiếc gậy dài 50cm. Họ sẽ phải ước lượng từ điểm xuất phát cho đến vạch dừng chỗ treo niêu, để đập được vỡ niêu đang treo trên dây. Người đập vỡ niêu sẽ được lĩnh thưởng từ tờ giấy ghi trong chiếc niêu đập được.
Đi cà kheo
Người tham gia trò chơi này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và trải qua một quá trình tập luyện kỹ lưỡng. Chân tay phải kết hợp nhịp nhàng mới có thể đứng vững trên cây cà kheo được lâu. Trò cà kheo sẽ được chia thành các đội, đấu với nhau, đội nào đi được lâu, đứng được vững sẽ trở thành đội thắng cuộc.
Đi cầu kiều
Trò chơi được tổ chức trên một khoảng ao, cầu kiều là một thanh tre tròn, 1 đầu được bắc ở bờ, đầu còn lại được cột vào một sợi dây, bám vào một chiếc cột vững chắc, làm sao cho chiếc cầu đu đưa khó đi. Cuối cầu sẽ được cột các giải thưởng, người nào đi đến cuối cầu, lấy được giải thưởng mà không bị ngã xem như người đó là người thắng cuộc.