Những thông tin mới về virus corona: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó

Trâm Anh (theo AFP)| 31/01/2020 09:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO tuyên bố dịch viêm phổi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu khi số người chết tăng nhanh, cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó với virus corona...

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ trong cuộc họp kín hôm qua cho hay: "Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus lây lan đến những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế kém. Đây không phải cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Trung Quốc",

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh việc tuyên bố viêm phổi do virus nCoV là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế" nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng ứng phó, đồng thời hoan nghênh Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch.

"Chúng ta phải cùng hành động để hạn chế dịch bệnh lây lan. Chúng ta chỉ có thể ngăn nó nếu cùng hợp tác", giám đốc WHO nói, thêm rằng "không có lý do" để ra lệnh cấm đi lại và giao thương quốc tế.

Ủy ban Khẩn cấp của WHO khẳng định hạn chế đi lại với người và hàng hóa "dường như không hiệu quả" và “Lệnh phong tỏa có thể ngăn cản nỗ lực hỗ trợ y tế và kỹ thuật, gây ảnh hưởng với hoạt động kinh doanh và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, biện pháp hạn chế đi lại vẫn có hiệu quả ngắn hạn”.

Lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, cả thế giới cần hành động và cần sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống của dịch bệnh, tuy nhiên việc 194 quốc gia tự triển khai các biện pháp phòng dịch đơn phương có thể gây thảm họa về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Do vậy, để đảm bảo tất cả các biện pháp được "tiến hành dựa trên căn cứ y tế cộng đồng xác đáng là điều vô cùng quan trọng”.

Trước đó, hôm 23/1, WHO cho biết dịch viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng không phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu", thuật ngữ chỉ được sử dụng cho các dịch bệnh nghiêm trọng đòi hỏi nhiều hành động phối hợp quốc tế.

Việc WHO tuyên bố dịch bệnh này là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" đòi hỏi các quốc gia phải đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý ngăn chặn dịch ở quy mô quốc tế.

Những thông tin mới về virus corona: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó

Các sân bay quốc tế tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc

Số người chết vì virus corona tại Trung Quốc tăng lên 213

Theo Ủy ban Y tế Hồ Bắc, tính đến cuối ngày 30/1, 213 người đã thiệt mạng do virus corona, tăng thêm 42 trường hợp chỉ trong vòng 24 tiếng. Trong số các ca tử vong mới, 30 trường hợp được xác nhận tại thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh tại Trung Quốc.

Cho đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong vì virus corona được phát hiện bên ngoài lục địa Trung Quốc.

Tính đến ngày 30/1, tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận tổng cộng 5.806 ca nhiễm virus corona, ngoài ra còn có 32.340 trường hợp vẫn nằm trong diện theo dõi vì có nguy cơ lây nhiễm. Tổng cộng 804 bệnh nhân đang ở trong tình trạng nghiêm trọng và 290 người đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Trong khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh lây lan, virus corona đã lan ra toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và xuất hiện tại ít nhất 19 quốc gia khác. Chính quyền Trung Quốc đã điều hơn 7.000 y bác sĩ tới Hồ Bắc để giúp đối phó với dịch bệnh.

Hai bệnh viện để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào tuần tới tại Vũ Hán. 2.300 giường bệnh mới sẽ được bổ sung để đáp ứng nhu cầu điều trị trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh.

Những thông tin mới về virus corona: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó

Nhân viên y tế trong một bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: AFP)

Cảnh báo ổ dịch viêm phổi thứ hai

Tỉnh trưởng Hồ Bắc Vương Hiểu Đông nói viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Hoàng Cương.

Ông Vương khuyến cáo các doanh nghiệp trong tỉnh Hồ Bắc không nên khởi động lại hoạt động sản xuất cho đến sau ngày 13/2.

Hoàng Cương có 7,5 triệu dân, đô thị lân cận Vũ Hán, là một trong những thành phố ở Trung Quốc đang bị phong tỏa nhằm ngăn dịch lan rộng. Thành phố có 5 người chết và 324 ca nhiễm nCoV tính đến hết 28/1, cao thứ hai sau Vũ Hán, trung tâm công nghiệp miền trung Trung Quốc.

Theo thông tin từ Đảng ủy thành phố Tang Zhihong, người đứng đầu Ủy ban Y tế thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, đã bị cách chức tối 30/1. Thông báo được đưa ra sau khi đài truyền hình quốc gia CCTV phát sóng cảnh ông Tang không thể trả lời các câu hỏi về số giường bệnh và khả năng đối phó của thành phố Hoàng Cương trước dịch virus corona.

Nghiên cứu mới ước tính thời gian ủ bệnh viêm phổi do virus corona khoảng 5 ngày

Trong công trình nghiên cứu quy mô lớn công bố trên tạp chí Y khoa New England (NEJM), nhóm chuyên gia Trung Quốc ước tính thời gian ủ bệnh của virus corona chủng mới khoảng 5 ngày chứ không phải 2 ngày như những nghiên cứu trước đó. Mặc dù thừa nhận ước tính này có thể có sai số, song theo các chuyên gia, phát hiện này có thể giúp ích cho quá trình theo dõi y tế trong 14 ngày đối với những người đã từng tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngoài ra, qua nghiên cứu 425 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới, nhóm chuyên gia trên cũng phát hiện rằng, kể từ khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc vào tháng 12/2019, số ca nhiễm virus đã tăng gấp đôi cứ sau mỗi 7,4 ngày. Ước tính mỗi người nhiễm sau đó đã lây cho trung bình 2,2 người khác. Sự lây truyền virus từ người sang người đã xảy ra giữa những người có tiếp xúc gần gũi. Trong số 425 bệnh nhân đầu tiên, có 50% là người trên 60 tuổi và không có bệnh nhân nào dưới 15 tuổi.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thông tin mới về virus corona: Cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó