Chỉ vì không thắng được sức cám dỗ của đồng tiền, nhiều thầy giáo đã rời bỏ bục giảng luồn rừng đi buôn ma túy. Không chỉ đẩy mình vào vòng tử tội, họ còn khiến cuộc đời của vợ con, cha mẹ già trôi đi trong cô tủi.
Bỏ phấn, cầm súng đi buôn ma túy
Với địa hình hiểm trở, miền Tây xứ Nghệ luôn là điểm nóng trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy. Rất nhiều đường dây bị bóc gỡ, nhiều ông trùm người Lào, người Việt sa lưới, nhưng, cuộc chiến chống ma túy ở đây chưa bao giờ ngừng "nóng".
“Nóng” nhất phải kể đến 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, nơi mà cánh “lái buôn tử thần” vẫn thường hay gọi là “Tam giác vàng của Việt Nam”, hay “Na Ư của miền Trung”… Bởi đây là những huyện miền núi biên giới, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh Trung Lào là: Hủa Phăn, Pôlykhămxay và Xiêng Khoảng.
Lợi dụng sự hiểm trở với đường biên giới kéo dài, tiện xâm nhập và dễ rút chạy, các đối tượng là người Mông, người Lào thường xuyên dựng lều, lán và tổ chức mua bán ma túy khá rầm rộ. Ban đầu, bọn chúng chỉ dám dựng lều, lán ở các khu vực ven biên giới, càng ngày chúng càng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, miền Tây xứ Nghệ còn là địa bàn tập trung nhiều người nghiện các chất ma túy. Muốn có tiền hút chích, các con nghiện lại phải lao đầu vào con đường phạm tội. Trong những kẻ “đổ đời” vào ma túy rồi “dựa cột”, hoặc “ôm vài chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần”, thì phần lớn họ đều là những thanh niên trai tráng người Mông ít học, được sinh ra trong những gia đình khốn khó. Đói nghèo, lầm lạc, dễ bị mua chuộc, họ cuồng quẫn lao vào ma túy.
Thế nhưng cũng có nhiều người được ăn học đàng hoàng, thậm chí có người còn làm thầy giáo, gánh trên vai sứ mệnh mang cái chữ đi “thắp sáng vùng cao”, nhưng cuối cùng lại gục ngã trước sức hút ma mị của đồng tiền. Họ rời bỏ bục giảng rồi đi buôn ma túy, mang “cái chết trắng” gieo lên đồng loại.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa Vừ Bá Xênh (40 tuổi, trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ra xét xử về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Xênh là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Theo cáo trạng, vào ngày 14/6/2018, trên đường đi chợ biên giới ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Vừ Bá Xênh có gặp và làm quen với một người Lào tên là Vừ Bá Của. Tại đây, Của bảo muốn thuê Xênh làm người phiên dịch để mua bán ma túy cho một đối tượng tên Luân và sẽ trả tiền công 200USD/lần. Xênh đồng ý.
Khoảng 6h ngày 26/6/2018, Luân gọi điện cho Xênh hỏi xem Của đã chuẩn bị được hàng chưa, Xênh cho biết Của đã chuẩn bị đủ 20 bánh heroin, 7kg ma túy đá, 12.000 viên hồng phiến. Luân liền hẹn Xênh 2 ngày sau mang hàng lên khu vực gần hồ thủy điện Nậm Cắn để giao dịch.
Ngày 28/6, Xênh có mặt tại địa điểm giao hàng và thấy Của cầm một khẩu súng ngắn đi cùng một người tên là Già Bá Cô. Mỗi người mang theo một ba lô chứa ma túy. Khoảng 45 phút sau thì Luân cũng đến. Sau khi thống nhất giá cả, Cô đưa 2 ba lô trong đó chứa ma túy cho Xênh. Sau đó, hắn bỏ vào túi quần Xênh 1 khẩu súng tự chế và 15 viên đạn. Xênh vừa đi xuống khoảng 15m thì bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng tang vật. Các đối tượng còn lại đã nhanh chân tẩu thoát.
Tại phiên tòa, Vừ Bá Xênh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Vừ Bá Xênh mức án Tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Lóa mắt vì tiền
Giống như Vừ Bá Xênh, Thò Pạ Sáu (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), cũng chỉ vì quá ham hố làm giàu bất chính để rồi tự tay ném vứt cuộc đời mình. Câu chuyện trượt ngã của Sáu đã từng một thời gây xôn xao khắp miền Tây xứ Nghệ khiến nhiều người tiếc nuối.
Tất cả bắt đầu từ ngày 23/4, khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Nghệ An bắt quả tang Sáu khi đang vận chuyển lượng lớn ma túy đoạn qua bản Na Pục, xã Châu Thôn, huyện Quế Phong. Thấy Sáu bị bắt, đồng bọn của hắn đã chĩa súng vào lực lượng chức năng.
Sau 5 phát đạn nhưng không giải cứu được đồng bọn, các đối tượng nhanh chóng lao vào rừng sâu tẩu thoát. Tại hiện trường, Công an thu giữ 15 bánh heroin, 2 kg ma túy đá, 8.000 viên hồng phiến, 400 USD và các tang vật liên quan.
Tại cơ quan điều tra, Thò Pạ Sáu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thầy giáo người dân tộc Mông này khai vì lợi nhuận nên “đi làm thêm” kiếm tiền. Số hàng này được thầy giáo 43 tuổi đưa từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Ngày 19/9/2019, Thò Pạ Sáu đã bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trước tòa, Sáu khai rằng, mình chỉ làm phiên dịch viên và giao ma túy thuê cho một người đàn ông tên Tủa để lấy tiền công là 400 USD.
Thế nhưng, Sáu lại không chứng minh được “người đàn ông tên Tủa” là có thật. Bởi, Sáu không hề nhớ được hình dáng, tính cách, quê quán hay số điện thoại của người đàn ông đó. Đồng thời, trong danh sách các cuộc điện thoại mà Sáu nhận trước khi bị bắt, cũng không có cuộc gọi nào của Tủa. Như vậy, việc Sáu khai mình nhận điện thoại của Tủa nhờ đi phiên dịch và giao ma túy là hoàn toàn bịa đặt.
Bằng các chứng cứ và lập luận thuyết phục, cuối cùng HĐXX cũng đã khiến Sáu phải cúi đầu nhận tội. Hắn khai rằng do bị rủ rê, lại choáng ngợp trước các khoản lợi nhuận kếch xù từ việc buôn “hàng trắng”, nên đã không thể chối từ.
Sau khi bị HĐXX của TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án Tử hình, Sáu đã làm đơn kháng cáo. Song, trong phiên xét xử phúc thẩm mới đây, ý thức được tội lỗi mà mình đã gây ra, Sáu đã tự nguyện xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận hình phạt của phiên tòa sơ thẩm.
Sáu kể, từ khi nhìn thấy người thân vật vã như “chết đi sống lại” trong phiên sơ thẩm, hắn cảm thấy ân hận và day dứt tột cùng. Suốt quãng đường từ trụ sở TAND tỉnh Nghệ An về lại trại giam, hắn đã khóc như chưa từng được khóc.
Trong suốt những ngày sau đó, Sáu gần như không bao giờ chợp mắt, đêm nào hắn cũng chong đèn tới sáng. Hắn bảo, lúc đó hắn suy sụp đến mức lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết. Chết để quên, chết để giải thoát cho mình. Mỗi lần nghĩ đến người thân, nghĩ đến đám học trò, nghĩ đến những ngày còn đứng trên bục giảng trước bao cặp mắt háo hức của học trò, hắn lại tiếc.
Đẩy mình lên “đoạn đầu đài”
Nếu như Sáu và Xênh đều là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tít hút rừng xanh xứ Nghệ, nơi được xem là một trong những “cái rốn ma túy của cả nước”, thế nên việc họ sa ngã có thể phần nào lý giải. Song, trường hợp Trần Đông Anh (SN 1988) quê xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định lại hoàn toàn khác. Anh được gia đình cho ăn học đàng hoàng, được tiếp cận với tri thức từ rất sớm, hắn hiểu và biết hết thảy những tác hại to lớn của ma túy đối với cộng đồng. Thế nhưng, vì muốn làm giàu bất chính, hắn vẫn “năm lần bảy lượt” lao vào.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình, Trần Đông Anh nguyên là giáo viên thể dục, từng có tiền án về tội buôn bán trái phép chất ma túy và bị phạt tù. Sau khi mãn hạn, Anh về quê sinh sống, sau đó lên Hòa Bình quen một người phụ nữ tên Tuyết ở huyện Mai Châu.
Có số điện thoại của nhau, Đông Anh và Tuyết thường xuyên liên lạc. Anh được Tuyết thuê vận chuyển 15 bánh heroin từ Hòa Bình về Hải Phòng với tiền công 3 triệu đồng/bánh heroin.
Sau khi thống nhất công việc với Tuyết, Anh thuê xe taxi ở Nam Định lái lên Hòa Bình. Đến điểm hẹn, Anh được một người lạ đưa cho 15 bánh heroin rồi vận chuyển về Hải Phòng giao hàng. Trên đường đi, đến địa phận xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (Ninh Bình), Anh bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an Ninh Bình) phát hiện bắt quả tang.
Thời điểm bắt giữ, cơ quan Công an thu giữ trên xe taxi BKS 18A – 103.02 do Anh điều khiển có 15 bánh heroin (tổng trọng lượng trên 5,3kg), số tiền mặt gần 7 triệu đồng và 3 điện thoại di động.
Ít lâu sau, TAND tỉnh Ninh Bình đã đưa Trần Đông Anh ra xét xử về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Tại phiên tòa, Trần Đông Anh thành thật khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo xin HĐXX sớm cho thi hành án tử hình như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Trước hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của Anh, HĐXX cũng đã tuyên phạt Trần Đông Anh mức án cao nhất là Tử hình.
Anh bảo, kể từ khi bị bắt và “chuyển khẩu” vào trại giam, hắn đã xác định được mức án mà mình phải đón nhận. Có lẽ vì thế mà lúc nghe Tòa tuyên án, Anh vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, không hề tỏ ra suy sụp như nhiều bị cáo lĩnh án tử khác. Giờ điều hắn lo lắng nhất không phải là bản thân, mà là những người thân.
Có thể là sau khi đã trải qua quãng thời gian “ăn cơm tù, mặc áo sọc, ngủ biệt giam”, Anh đã bị tòa án lương tâm phán xét. Hắn bảo: “Nghĩ về cuộc đời mình, về những sai lầm đã phạm phải, em coi như số phận đã an bài. Em chỉ hy vọng mọi người có cái nhìn bao dung, rộng lượng để người thân của em có thể sống thanh thản hơn một chút”, Đông Anh chia sẻ.
Chả cứ gì Anh, mà ngay cả Xênh và Sáu, khi nhắc gợi đến chuyện gia đình, tất cả những tử tù này đều chùng xuống. Kẻ thương lo vợ con côi cút, người canh cánh mẹ già như đèn dầu trước gió. Nhìn vào vết trượt và phút trải lòng của cả 3 “cựu thầy giáo” này, nhiều người không khỏi tiếc. Giá như họ biết bằng lòng với những gì mình đang có, thì đâu đến nỗi tự tay đóng sập cánh cửa cuộc đời và đẩy tất thảy người thân vào bi kịch.