Những thành tựu nổi bật của Tòa án nhân dân nhiệm kỳ 2016-2020

Nhóm PV| 21/12/2020 07:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm kỳ 2016 -2020, hệ thống Tòa án nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thực hiện cải cách tư pháp và hoạt động xét xử, bảo vệ nhà nước pháp quyễn xã hội chủ nghĩa; tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào hệ thống Tòa án- cơ quan bảo vệ công lý, cơ quan thực hiện quyền tư pháp quốc gia.

tru-so-tandtc.jpg
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Năm 2020 sắp kết thúc cũng là thời điểm cuối tiến hành thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, chúng ta cùng nhìn lại những đổi mới tích cực của Tòa án nhân dân trong nhiệm kỳ vừa qua. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành Tòa án tiếp tục đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn các định hướng của Đảng về cải cách tư pháp và hoạt động xét xử trong giai đoạn tiếp theo.

Dấu mốc nhiệm kỳ 2016-2020

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ nhiệm vụ của cải cách tư pháp là bảo đảm để Toà án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…”.

Ngày 8/4/2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Hòa Bình giữ chức vụ Chánh án TANDTC nhiệm kì 2011-2016.

Ngày  27/7 /2016, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp tục được  Quốc hội khóa XIV  bầu giữ chức vụ Chánh án TANDTCnhiệm kỳ 2016-2021. 

tru-so-tandtc4.jpg
Trụ sở TANDTC hiện nay

Nhiệm kỳ 2016-2020, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đảm nhiệm chức vụ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đổi mới mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế số và kinh tế chia sẻ phát triển với tốc độ nhanh. Số lượng các loại vụ, việc mà hệ thống Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng. Các loại tội phạm hình sự xuất hiện những phương thức ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn phạm tội mới ngày càng tinh vi, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia. Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cũng gia tăng về số lượng với tính chất ngày càng phức tạp.

Với cương vị là Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có những giải pháp đột phá chiến lược vừa mang tính khoa học, vừa phù hợp thực tiễn đất nước, thể hiện quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu ngành Tòa án với mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Toà án nhân dân.

Hệ thống Tòa án đã tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tại nhiều hội nghị trực tuyến về công tác Đảng, trực tiếp đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTCNguyễn Hòa Bình phổ biến các nội dung Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên Tòa án các cấp nắm bắt, thực hiện.

Chính vì vậy, các mặt công tác của Tòa án nhiệm kỳ vừa qua có nhiều thay đổi mạnh mẽ, tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân; nâng tầm vị thế ngành Tòa án.

Xác định công tác chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm

Trong nhiệm vụ chuyên môn, xác định công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Tòa án các cấp; xác định cán bộ là khâu then chốt trong giải quyết công việc chuyên môn. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, TANDTC đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức- cán bộ. Trên cơ sở đó, TANDTC tổ chức lại các Toà chuyên trách; đổi mới thi tuyển chọn nâng ngạch Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý; kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kỷ cương kỷ luật công vụ…. Nhiều quy định về công tác cán bộ có liên quan đã được ban hành hoặc sửa đổi phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

phien-toa-3.jpg
Nhiều vụ án lớn được Tòa án đưa ra xét xử 

Cũng trên cơ sở kết quả hội nghị này, lãnh đạo TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Cùng với đó, đã đề ra những tiêu chí để đánh giá phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đó là: Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng quyền con người; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng và thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật.

Một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng xét xử đó là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Trong suốt quá trình tổ chức xét xử, Hội đồng xét xử đều bảo đảm nguyên này và không hạn chế thời gian tranh tụng. Công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu; những vụ án đồng phạm có tổ chức. Bên cạnh đó, Tòa án cũng khoan hồng với những trường hợp bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có nhân thân tốt, nhiều tình tiết giảm nhẹ. Việc cho bị cáo hưởng án treo được Tòa án xem xét, cân nhắc thận trọng.

Các Tòa án đã làm tốt công tác phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức 25.697 phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, đảm bảo các phiên tòa đều được diễn ra khách quan và đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc đối với nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.

TANDTC đã quan tâm chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế, chức vụ lớn; những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc.

Điển hình như vụ án: Phạm Công Danh và đồng phạm” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam; Hứa Thị Phấn và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín; Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng; Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại nhiều tập đoàn kinh tế và ngân hàng lớn; Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)…

phien-toa.jpg
Phiên tòa xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hàng chục nghìn tỷ đồng do các bị cáo chiếm đoạt đã được thu hồi về cho nhà nước. Thông qua xét xử các vụ án tham nhũng, Hội đồng xét xử đã kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong tình hình mới .

Đặc biệt, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, lãnh đạo TANDTCđã chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng như: tăng cường công tác hòa giải, đối thoại; đề cao trách nhiệm trong việc phát hiện và kiến nghị về các sai lầm nghiêm trọng trong bản án, quyết định; sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định;... Chính vì vậy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ, tỷ lệ năm sau luôn đạt cao hơn năm trước.

Đối với các Tòa án quân sự, đã chủ động nắm bắt tình hình, đề ra và thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chất lượng xét xử các vụ án đã được nâng lên, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Quân uỷ Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao cho.

Xây dựng thể chế và hướng dẫn áp dụng pháp luật

Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng thể chế, phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật cũng được lãnh đạo TANDTC quan tâm chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. TANDTC đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các Bộ luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính sửa đổi đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.

hoi-nghi-tap-huan.jpg
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Tòa án triển khai thực hiện

Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử TANDTC. Chỉ tính trong 3 năm qua đã có gần 600 nghìn bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân, với trên 25 triệu lượt truy cập tìm hiểu và đóng góp ý kiến. Việc công khai các bản án trên mạng Internet đã thể hiện tính công khai, minh bạch của Tòa án, được đông đảo nhân dân, các Nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý đồng tình ủng hộ.

Đối với các vụ án về gia đình và người chưa thành niên, các Tòa án đã bố trí phòng xử án thân thiện, phù hợp với các nguyên tắc quy định của pháp luật. Cùng với đó, TANDTC đã trình UBTVQH thông qua nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử mới của Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp từ tháng 01/2018.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành Nghị quyết về trình tự, thủ tục lựa chọn án lệ; Hướng dẫn áp dụng án lệ vào xét xử; thiết lập trang thông tin về án lệ. Nhiều vướng mắc trong áp dụng pháp luật đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối nghiên cứu tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của các Toà án.

Thực tiễn xét xử nhiều năm qua cho thấy, các vụ án dân sự, các khiếu kiện hành chính thường kéo dài, gây bức xúc cho người dân và dồn áp lực công việc cho các Tòa án. Từ thực trạng này, TANDTC đã tổ chức thí điểm hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án 16 tỉnh, thành phố. Kết quả hòa giải, đối thoại thành công rất đáng ghi nhận với số lượng vụ việc hòa giải thành đạt gần 80%.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, TANDTCđã chủ trì xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2020 , có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2021. Luật này ra đời là một điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng thể chế pháp luật của Tòa án nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.

Về tổ chức bộ máy, TANDTCđã ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại các Toà án trên toàn quốc. Việc tổ chức lại các Tòa chuyên trách được thực hiện tinh gọn, sát thực tế, đã giảm 39 đầu mối so với trước đây và bố trí lại số lượng Thẩm phán trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, hầu hết Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thành lập Tòa Gia đình & người chưa thành niên.

dien-thoai-2.00_13_15_22.still007.jpg
Tập huấn nghiệp vụ cho các Thẩm phán, Tòa án

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức các kỳ thi quốc gia và tuyển chọn được những người đủ tiêu chuẩn để trình Chủ tịch nước xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp. TANDTCcũng đã tổ chức thi nâng ngạch, thi tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ theo chủ trương thí điểm của Bộ Chính trị. Công tác thi tuyển được thực hiện nghiêm túc, công khai, đã chọn được những cán bộ có trình độ, năng lực tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ, công chức đã có nhiều đổi mới mang tính chiến lược, bám sát yêu cầu thực tiễn với nhiều hình thức đa dạng. Từ năm 2016 đến nay, TANDTC đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ xét xử cho hàng nghìn học viên; đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng cho hàng nghìn Thẩm tra viên và Thư ký Toà án.... Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều khoá tập huấn định kỳ qua hệ thống truyền hình trực tuyến đến 778 điểm cầu trong hệ thống Tòa án với sự tham gia thường xuyên của trên 10.000 cán bộ có chức danh tư pháp. Tham gia giảng dạy là các chuyên gia đầu ngành của Toà án, các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.

Với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, TANDTC đã tuyển dụng đối với những người có trình độ Tiến sỹ luật hoặc Thủ khoa các trường đào tạo chuyên ngành luật trong nước và những người đạt Bằng giỏi chuyên ngành luật ở nước ngoài. Xem xét tuyển chọn Thẩm phán, cán bộ, công chức đi đào tạo dài hạn tại nước ngoài, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề tranh chấp có yếu tố quốc tế phát sinh trong tình hình mới.

Học viện Toà án cũng được hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nhân sự; hoàn chỉnh Bộ giáo trình các môn học và Bài giảng chuyên biệt về cải cách tư pháp; Tăng cường thực hành diễn án, nâng cao năng lực thực tiễn cho học viên, sinh viên.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tòa án 02 cấp các tỉnh đã làm tốt công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự để tham gia Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện. Cho tới nay, hầu hết Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp. Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, các Tòa án đều phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.

Quán triệt “Cán bộ là cái gốc của mọi sự thành bại”; năng lực và đạo đức của cán bộ, Thẩm phán là yếu tố quyết định chất lượng xét xử, hiệu quả công tác. Từ đó, TANDTC đã ban hành và triển khai thực hiện Quy định số 120 về “Xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân”. Xây dựng và tham mưu cho Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”. Cùng với đó, công tác tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm của Tòa án. Hàng năm, TANDTC thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án để kịp thời nắm bắt, phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Tòa án.

Việc ban hành văn bản và thực hiện nhiệm vụ nêu trên nhằm cụ thể hóa chương trình hành động của đảng và thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các các cấp có bản lĩnh chính trị; có tâm, có tầm.

Cải cách hành chính tư pháp mạnh mẽ

Cũng trong nhiệm kỳ qua, công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án được triển khai có hiệu quả, trong đó có chuẩn hoá quy trình xử lý công việc gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Thành lập bộ phận hành chính tư pháp tại các Tòa án; tách bạch giữa quản lý hành chính và hoạt động xét xử; xây dựng quy trình phân công án ngẫu nhiên cho các Thẩm phán…

dien-thoai-2.00_17_18_05.still008.jpg
Một buổi làm việc của Ban lãnh đạo TANDTC với Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án được đẩy mạnh với việc xây dựng Trung tâm dữ liệu; phát triển các ứng dụng về hệ thống truyền hình trực tuyến tới 778 điểm cầu để phục vụ hội nghị, giao ban, quản lý, điều hành và đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn; xây dựng 67 trang thông tin điện tử của Tòa án; công bố bản án; Trang tin án lệ; ứng dụng gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ qua mạng và bằng phương tiện điện tử…. Việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận Toà án.

Về tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Tòa án, trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng mới trụ sở cho 35 Tòa án nhân dân cấp huyện, 3 Tòa án nhân dân cấp cao; 10 Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trang bị nội thất phòng xét xử theo mô hình mới cho các Tòa án trên toàn quốc.

Đồng thời, với sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả của Chính phủ về bố trí nguồn vốn, cộng với tinh thần quyết tâm cao của lãnh đạo và cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, sự nỗ lực nhiệt tình của đội ngũ các chuyên gia, c ông trình với phong cách kiến trúc tân cổ điển phù hợp với kiến trúc cổ của Toà nhà 48 phố Lý Thường Kiệt, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Trụ sở làm việc mới của TANDTC Việt Nam hiện nay được các chuyên gia đánh giá sánh ngang với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tháng 10/2020 vừa qua, TANDTC đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng trụ sở làm việc mới tại số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là một công tình mang tầm vóc thế kỷ, khẳng định vị thế cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Thành công trong công tác hợp tác quốc tế

Về công tác hợp tác quốc tế của Tòa án trong nhiệm kỳ vừa qua cũng được mở rộng và tăng cường. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã tham dự và phát biểu đề xuất các ý kiến xác đáng tại nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng, được Chánh án các nước đồng thuận, qua đó quảng bá về hình ảnh của Việt Nam và nâng cao vị thế của Tòa án nước ta trên trường quốc tế.

dien-thoai-2.00_20_06_20.still009(1).jpg

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa TANDTC Việt Nam và Tòa án tối cao Singapore

TANDTC Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN và được đánh giá cao về những đóng góp trong việc đề nghị công nhận Hội đồng Chánh án ASEAN là thực thể liên kết hoạt động theo Hiến chương ASEAN. Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã tích cực tham gia và trao đổi về các chủ đề chung cùng với người đứng đầu cơ quan tư pháp của các nước tại các diễn đàn khu vực Đông dương, ASEAN, Châu Á-Thái Bình Dương, diễn đàn Tư pháp quốc tế, Hội nghị Toà án các nước nói tiếng Pháp…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu, vượt qua mọi khó khăn, Tòa án tối cao Việt Nam, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN, đã tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 bằng hình thức trực tuyến và đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tối cao cũng đã thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác nước ngoài. Các hoạt động này đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng và năng lực của cán bộ Toà án. Đồng thời tăng cường, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền trong nhiệm kỳ qua cũng có nhiều bước đi đột phá. Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin tuyên truyền Tòa án nhân dân được Chánh án TANDTC ký quyết định thành lập; đã làm tốt nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng các đơn vị thông tin, truyền thông của Toà án. Nhiều chuyên trang, chuyên mục mới đã được xây dựng trên các ấn phẩm báo chí, thông tin- truyền thông với nội dung phong phú, chất lượng. Đặc biệt, Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo xây dựng Chương trình Truyền hình Tòa án nhân dân phát sóng thường kỳ trên Đài Truyền hình Quốc hội, đến nay là phương tiện thông tin hữu hiệu được người xem đánh giá cao về chất lượng của chương trình.

TANDTC cũng đã xuất bản cuốn sách “Xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin” đưa ra các giải pháp đột phá, chiến lược nhằm mục tiêu tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cuốn sách đã trở thành cẩm nang, định hướng rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực cho cán bộ Tòa án.

Tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện

Bên cạnh nhiệm vụ xét xử, hoạt động của Tòa án cũng gắn với trách nhiệm xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo -  Không  để  ai bị bỏ lại phía sau", nhiệm kỳ qua hàng trăm Đoàn công tác của TANDTC đã đến với các lực lượng tại quần đảo Trường Sa, đảo Thổ Châu, các Vùng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng và bà con nhân dân vùng biên giới để trao quà, xây nhà tình nghĩa; động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, chung tay vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

dien-thoai-2.00_21_33_00.still010.jpg
Lãnh đạo TANDTC thăm và tặng quà cán bộ chiến sý trên đảo Thổ Chu- Kiên Giang

Mở rộng phạm vi và phương thức tuyên truyền, trong nhiệm kỳ vừa qua, TANDTC đã tổ chức Truyền hình trực tiếp các đêm giao lưu nghệ thuật “Biển đảo quê hương” tại Hà Nội và “Xuân Biên cương” tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong các đêm giao lưu, Lãnh đạo TANDTC đã tặng quà tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các cán bộ chiến sĩ canh giữa hải đảo, biên giới quê hương, góp phần làm tốt công tác hậu phương quân đội. Đồng thời tô đậm hơn hình ảnh người cán bộ, Thẩm phán Tòa án gần dân, giúp dân; lan tỏa tình cảm ấm áp của người Thẩm phán trong lòng nhân dân và xã hội.

Nhân Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2020), TANDTC phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng, sản xuất và phát sóng bộ phim truyền hình “Lựa chọn số phận” 72 tập, được đông đảo khán giả xem truyền hình đón nhận. Xây dựng bộ phim tài liệu kỷ niệm 75 năm thành lập Tòa án nhân dân; phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất 3 tập phim tài liệu “Tòa án nhân dân xét xử những vụ án điển hình”. Cùng với đó, TANDTC đã tổ chức thành công cuộc thi sáng tác Thơ, Truyện ngắn, ký sự về Tòa án nhân dân, thu hút đông đảo các tác giả trong và ngoài hệ thống tham gia. Các tác phẩm đạt giải đã in thành sách để tuyên truyền rộng rãi trong hệ thống Tòa án và xã hội.

Trải qua mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm kỳ, Tòa án nhân dân đều ghi dấu ấn với những đổi mới tích cực, đạt những thành tựu mới, những kết quả nổi bật về tổ chức và hoạt động. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, hệ thống Tòa án nhân dân mà người đứng đầu là Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, đã thể hiện sự quyết tâm chính trị cao, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận khoa học với thực tiễn hoạt động tư pháp, công tác xét xử, đề ra những giải pháp thiết thực mang lại những kết quả tích cực, ghi những dấu ấn mới của một nhiệm kỳ với nhiều tiến bộ nổi bật.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, hệ thống Tòa án nhân dân đã có bước đổi mới, trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức và hoạt động; góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững hòa bình và hội nhập quốc tế. Với những hoạt động hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác, Tòa án nhân dân đã khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống chính trị, từng bước “Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thành tựu nổi bật của Tòa án nhân dân nhiệm kỳ 2016-2020