Những tấm gương sáng thầm lặng trong cộng đồng

Hà Thảo – La Giang| 11/02/2021 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2020 là một năm đầy biến động, khi mà dịch bệnh, thiên tai đã tác động mạnh mẽ lên đời sống xã hội trên khắp mọi nơi. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này, những câu chuyện, những tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng lại được biết đến và lan tỏa một cách rộng rãi hơn bao giờ hết.

anh-minh-hoa-chung-tay-vi-cong-dong.jpg
Ảnh minh họa

Câu chuyện về mái ấm “Thiên thần” nhận nuôi 100 trẻ em bị bỏ rơi

Gia đình ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Quận 9, TP.HCM) trong vòng hơn 10 năm qua đã nhận nuôi và chăm sóc cho hơn 100 em nhỏ bị bỏ rơi.

Về câu chuyện của bản thân, ông Hiệp cho biết 10 năm trước, sau khi về hưu, ông tích lũy được một số tiền đủ để mua một khu đất rộng hơn 2.500 m2 ở quận 9, thực hiện ước nguyện xây một căn nhà nho nhỏ để hai vợ chồng ông lui về dưỡng già, trồng rau nuôi gà như bao cảnh già yên ấm khác. Thế nhưng, khi chứng kiến cảnh các em bé bị bỏ rơi không cha, không mẹ, không có mái ấm, ông bàn với vợ thay vì xây nhà cho mình, chi bằng xây căn nhà 3 tầng để làm mái ấm cho các trẻ em mồ côi nương tựa.

hinh-anh-ong-bui-cong-hiep-.jpg
Hình ảnh ông Bùi Công Hiệp với mái ấm “ Thiên thần”

Để các con có được một mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9 xin giấy phép mở mái ấm đặt tên là "Thiên thần". Từ năm đó đến nay, vợ chồng ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, con số đã lên đến hơn 100 cháu bé. Trong đó, bé lớn nhất mới 8 tuổi, còn nhỏ nhất mới vài ngày tuổi mà thôi.

Mái ấm Thiên thần của gia đình nhà ông Hiệp có 10 bảo mẫu được ông thuê thay phiên chăm sóc trẻ. Tuy thế, những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con mỗi giấc ngủ ban trưa, ban tối đều do ông Hiệp tự tay làm.

Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Điều đặc biệt hơn, năm 2019, ông đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỉ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.

Vào tháng 10/2020, được vinh dự là một trong 50 đại biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", ông Hiệp không giấu nổi sự xúc động: "Đây là một vinh dự của cá nhân cũng như gia đình tôi, tạo ra động lực lớn hơn cho bản thân tôi cũng như nhiều người khác sẽ nêu gương, sống tốt đời đẹp đạo vì cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn".

hiep-si-bong-dem-le-anh-tuan.jpg
“ Hiệp sĩ bóng đêm” – Lê Anh Tuấn

"Hiệp sĩ bóng đêm" với hơn 500 chuyến xe cấp cứu miễn phí suốt 3 năm

Đối với tấm gương Lê Anh Tuấn (sinh năm 1997), sống tại phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, thật sự cảm động khi biết được chàng trai trẻ mới 23 tuổi này lại là một cá nhân tình nguyện chở hơn 500 chuyến xe cứu thương miễn phí trong suốt hơn 3 năm qua.

Xuất phát từ tình thương yêu đùm bọc, tương thân tương ái của con người, đặc biệt sau khi chứng kiến nhiều lần những trường hợp bị tai nạn giao thông không có người giúp đỡ, ý chí nung nấu trong Tuấn ngày càng nhen nhóm.

Trong những chuyến xe tình cờ đầu tiên, Tuấn có đăng tải thông tin người bị nạn lên mạng xã hội, rồi từ đó nhiều người chia sẻ, dần lan tỏa, những chuyến xe cấp cứu miễn phí của Tuấn ngày càng tăng lên, chiếc xe chở hàng của gia đình trở thành chiếc xe cấp cứu bất đắc dĩ. Dần dần, chàng thanh niên trang bị thêm cho xe của mình đèn ưu tiên, xe đẩy, bông băng, thuốc đỏ...

Ít ai biết, anh chỉ là lao động nghèo, thu nhập không có nhiều, ban ngày, anh phụ ba mẹ bán hàng ở chợ Thủ, đến tối, Tuấn lái xe rong ruổi khắp các đường phố nhằm phát hiện những trường hợp bị tai nạn giao thông để chở đi cấp cứu.

Không chỉ phụ trách lái xe chuyên chở các trường hợp cần cấp cứu, Tuấn phải học thêm công tác sơ cứu đối với từng trường hợp khác nhau. Đơn cử, đối với người bị gãy tay hay gãy chân, phải dùng kẹp gỗ và dây thun băng bó cẩn thận, không để xương gãy đâm vào thịt gây hoại tử phần mềm… Như một sứ mệnh khắc cốt ghi tâm, những vụ tai nạn cứ lần lượt diễn ra trước mắt Tuấn mà chẳng lần nào anh phó mặc nạn nhân, cũng không nhận đồng nào sau những chuyến xe nghĩa cử ấy.

Đầu tháng 1/2018, cán bộ Đoàn thanh niên TP. Thủ Dầu Một vận động Tuấn tham gia chở nước uống miễn phí theo phong trào thiện nguyện do UBND TP. Thủ Dầu Một phát động. Từ đó, nhiều người biết "Hiệp sĩ bóng đêm" Lê Anh Tuấn chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Tuấn chính là một trong những nhân vật của Việc tử tế, được VTV24 giới thiệu và nhận giải “tình nguyện quốc gia năm 2019 vì những đóng góp của mình cho cộng đồng"…

Những câu chuyện truyền cảm hứng trong dòng chảy thời cuộc

Hai từ khóa phổ biến nhất trong năm 2020 đối với người dân Việt Nam không gì khác ngoài “đại dịch” và “lũ lụt”. Là một năm đầy vất vả, khó khăn với toàn xã hội, trẻ em phải nghỉ học, người lớn nghỉ làm, cách ly xã hội vì thiên tai và bệnh dịch, phải đối phó với các vấn đề “sát sườn” như tài chính, kinh tế...

Trong những ngày cách ly toàn xã hội vì đại dịch, máy ATM gạo ra đời cứu giúp cho nhiều người dân đang gặp khó khăn ở TP.HCM. Anh Hoàng Tuấn Anh là người đã sáng chế ra chiếc máy ATM đặc biệt này. Xuất phát từ mong muốn chung sức vì cộng đồng đẩy lùi đại dịch, anh đã nung nấu làm ra chiếc máy phát đồ miễn phí mà người dân không phải xếp hàng đứng nhận, an toàn tuyệt đối cho sức khỏe. ATM gạo ra đời với tinh thần: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.

Có thể thấy rõ, những điều tốt đẹp chưa bao giờ bị lãng quên, đặc biệt trong khó khăn, tình người tương trợ lẫn nhau lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chia sẻ về những khoảnh khắc không thể nào quên trong thời điểm mưa lũ hoành hành, ông Võ Văn Bình (thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), người đã cùng với đứa cháu trai chỉ mới 14 tuổi của mình bất chấp hiểm nguy, cả ngày ngược xuôi vượt lũ dữ, cứu sống gần 100 người dân trong cơn đại hồng thủy lịch sử hồi tháng 10/2020, nói: "Không kịp ăn uống cũng chẳng kịp thay quần áo, vì người cần cứu thì nhiều, có gia đình chỉ toàn người già và trẻ nhỏ. Có ông cụ già đã gần 100 tuổi gọi điện cho tôi cầu cứu. Nhận những cuộc điện thoại như vậy, làm sao tôi nỡ chậm một giây, một phút nào...". Hai ông cháu cứ thế lăn lộn ngày đêm với lũ, cứu trợ an toàn gần 100 người dân…

Và, cũng có những con người để có thể mang lại điều tốt đẹp cho người khác thì hy sinh cả bản thân. Trong trận lụt tháng 10 vừa qua, Chủ tịch xã Bắc Trạch (Quảng Bình), Phan Thanh Miên dầm mình trong nước lũ để đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn. Vì mải cứu dân, không chữa căn bệnh nhiễm khuẩn vì nước lũ kịp thời, ông Miên đã qua đời trong sự tiếc thương và biết ơn của người dân.

Cũng trong trận lụt lịch sử ấy, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 là đại biểu Quốc hội khóa XIV đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3. Mưa lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Trong đó, nhiều công nhân đang thi công Thủy điện Rào Trăng 3 đã bị vùi lấp trong đất đá. Trước tình hình đó, Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Phong Điền do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu đã nhanh chóng lên đường, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để vào hiện trường tìm kiếm, cứu người bị nạn. Trong điều kiện mưa lớn, đêm tối, địa hình hiểm trở, bất ngờ bị núi lở đã vùi lấp Đoàn công tác làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

Những câu chuyện tử tế, những con người nhân hậu giống như những hạt mầm nhân văn gieo xuống cánh đồng sẽ chỉ có yêu thương và hạnh phúc. Không ai mỗi sớm thức dậy lại không muốn nhìn một thiên nhiên đẹp đẽ, một gương mặt thân thiện và một hành động ấm lòng. Mỗi cá nhân, mỗi câu chuyện đều giúp chúng ta trân trọng hơn với những gì mình đang có, và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đó là bản chất nhân văn của con người Việt Nam ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tấm gương sáng thầm lặng trong cộng đồng