Luật giáo dục đại học sử đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực; Bộ sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới ra mắt; Việt Nam thắng lớn ở đấu trường Olympic…, là những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2019.
Nhìn lại chặng đường một năm qua của ngành giáo dục nước nhà, Báo Công lý điểm lại những sự kiến nổi bật trong năm 2019.
Công bố sách giáo khoa lớp 1
Ngày 22/11, Bộ GD-ĐT công bố có 32 sách giáo khoa của 8 môn học của chương trình lớp 1 mới được phê duyệt trong lần này. Được biết, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 09 môn học ở lớp 1, cụ thể như sau: môn Tiếng Việt: 6 bản mẫu; môn Toán: 6 bản mẫu; môn Đạo Đức: 6 bản mẫu; môn Tự nhiên-Xã hội: 5 bản mẫu; môn Giáo dục thể chất: 4 bản mẫu; môn Nghệ thuật ( m nhạc): 5 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản mẫu; môn Tiếng Anh: 6 bản mẫu.
Ngày 22/11, Bộ GD-ĐT công bố có 32 sách giáo khoa của 8 môn học của chương trình lớp 1 mới được phê duyệt.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”.
Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/7/2019
Luật tạo sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật đã quy định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm: đại học và trường đại học, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Đồng thời, mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.
Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh.
Định hướng mới cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020
Trong năm 2019, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất phương án thi THPT năm 2020, lộ trình đến năm 2025. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2020 sẽ được giữ ổn định như như năm 2019.
Phương án thi THPT giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục năm 2019; đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu của phương án thi mà Bộ GD-ĐT đề xuất là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Kỳ thi dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học, từ đó tác động tích cực trở lại đổi mới quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Kết quả này đồng thời dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Các học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi trên máy tính nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Dự kiến tháng 7/2020 phương án chính thức sẽ được công bố để thực hiện từ năm 2021.
Việt Nam có các trường đại học lọt Top châu lục và thế giới
Ngày 12/9/2019, tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1.000+. Trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia TP.HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được THE đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát đầy đủ và độc lập.
Kỳ thi Olympic vẫn gặt hái được nhiều thành công lớn
Kỳ thi Olympic năm 2019 lại một lần nữa khẳng định năng lực của học sinh Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Với 5 môn tham dự với tổng huy chương …
Môn Toán học: 6 huy chương trong đó: 2 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc; Môn Vật lý: 5 huy chương trong đó: 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc.; Sinh học: 4 huy chương trong đó: 1 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng.
Môn Hóa học: 4 huy chương trong đó: 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc; Môn Tin học 4 huy chương trong đó: 2 huy chương vàng ; 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng; Môn Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế: 7 huy chương và 1 giấy khen. Trong đó: 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 1 Giấy khen.
Hi vọng, những điểm sáng trong năm 2019 là động lực để cho ngành giáo dục phát triển.