Trong lịch sử điện ảnh thế giới, nhiều bộ phim kinh dị lấy bối cảnh trong những khách sạn hay nhà nghỉ đã trở thành kinh điển và gây ám ảnh cho người xem suốt thời gian dài khi sử dụng nhiều chi tiết quá thật và gần gũi với đời thường, như “Psycho”, “The Shining” hay mới nhất là “The Night”.
PSYCHO (SỰ HOẢNG LOẠN)
Được coi là bộ phim kinh điển nổi tiếng nhất của đạo diễn người Anh, Alfred Hitchcock, “Psycho” là tác phẩm tiên phong cho dòng phim kinh dị với những hình ảnh gây sốc vào thập niên 60. Phim ra đời với chi phí vỏn vẹn 800.000 USD. Câu chuyện được dẫn dắt theo hành trình của Marion (Janet Leigh thủ vai). Cô là nhân viên tại một văn phòng bất động sản. Khi Marion đang băn khoăn làm thế nào có đủ tiền kết hôn với bạn trai thì nhận được một món quà từ trên trời rơi xuống – 40.000 USD. Đây là số tiền mà một khách hàng tới ký gửi để mua nhà cho con gái nhưng Marion lại chớp lấy cơ hội để biến nó thành của riêng và cao chạy xa bay.
Hành trình đào tẩu trong đêm mưa của Marion đưa cô tới với nhà nghỉ Bates, một trạm dừng chân tiêu điều vắng khách bởi nằm xa trục đường chính. Chủ nhân nhà trọ là Norman Bates (Anthony Perkins), một anh chàng có vẻ ngoài thư sinh và luôn miệng nhắc đến người mẹ già ốm yếu đang được chăm sóc ở một căn nhà gần đó. Trong lúc đang đứng dưới vòi hoa sen để tắm, Marion đã bị một kẻ bí ẩn dùng dao đâm đến chết. Một lát sau, Norman Bates hốt hoảng chạy tới và phi tang dấu vết của Marion trong sợ hãi. Nhưng sự mất tích bí ẩn của Marion lôi kéo nhiều người tới nhà nghỉ Bates, từ viên thám tử Arbogast (Martin Balsam), bạn trai Sam (John Gavin) cho đến cả em gái cô là Lila (Vera Miles), để rồi sự thật kinh hoàng về tên sát nhân được hé lộ...
Trong “Psycho”, cảnh Marion tắm dưới vòi sen và bị đâm đến chết gây ám ảnh suốt thời gian dài, khiến hàng triệu phụ nữ sợ và không dám tắm dưới vòi sen. Phim được coi như một “tượng đài” của thế giới kinh dị, luôn nằm trong Top đầu của những danh sách bình chọn phim hay nhất của dòng phim này. Sau đó, nhiều bộ phim kinh dị có bối cảnh nhà nghỉ hay khách sạn cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong cách rùng rợn của “Psycho”.
THE SHINING (ÁM ẢNH KINH HOÀNG)
Ra mắt vào thập niên 80, “The Shining” được xem như một trong những tác phẩm kinh dị vĩ đại nhất mọi thời, với nhiều tình tiết, hình ảnh đi vào văn hóa đại chúng Mỹ. Phim do đạo diễn kỳ cựu Stanley Kubrick chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Stephen King. Câu chuyện xoay quanh Jack Torrance (Jack Nicholson đóng) - người đàn ông dần mất trí khi sống cùng gia đình ở một khách sạn biệt lập.
Khi ra mắt, tác phẩm không được giới phê bình đánh giá cao. Tờ New York Times khen diễn xuất của Nicholson nhưng không thích các hình ảnh kinh dị của phim. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert nói khó kết nối với các nhân vật với nhau. Nhưng càng về sau, “The Shining” càng được công nhận vì những lớp lang ý nghĩa ẩn giấu sau các chi tiết kinh dị. Bối cảnh phim được đặt ở một khách sạn tọa lạc trên sườn núi, cách thị trấn gần nhất 25 dặm vốn được xây dựng trên nền của một nghĩa địa thổ dân Da đỏ và thường đóng cửa từ tháng Mười đến tháng 5 năm sau vì tuyết làm tắt nghẽn giao thông.
Cảnh nhân vật Jack dùng rìu phá cửa, hành lang ngập máu, hai cô bé song sinh ma mị, hay cảnh cậu bé Danny (con trai của Jack, Danny Lloyd đóng) chạy xe đạp được khán giả nhớ đến nhiều năm sau. Do phim ghê rợn, Kubrick không tiết lộ nội dung thật với Danny Lloyd - chỉ mới sáu tuổi lúc ghi hình. Năm 2019, phần tiếp theo của “The Shining” là “Doctor Sleep” được ra mắt, vẫn tiếp tục gây ám ảnh khi đưa các nhân vật và khán giả trở lại khách sạn ma ám The Overlook trên núi tuyết.
1408 (CĂN PHÒNG 1408)
Tới thập niên 2000, một bộ phim kinh dị khác tiếp tục khai thác nỗi sợ trong khách sạn, là “1408”. Nhân vật chính - Mike Enslin - là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện kinh dị. Anh là người trước giờ chưa bao giờ biết sợ ma, mỗi khi nghe tin nơi đâu bị ma ám thì liền đến đó ngủ lại một đêm rồi viết bài về nơi đó. Một ngày, Enslin lục trong đống thư cũ và thấy một tờ giấy của một khách sạn tên Dolphin ở New York ghi là “đừng vào phòng 1408”. Anh nghĩ rằng đó chỉ là lời quảng cáo tầm thường của những khách sạn vắng khách. Ngày hôm sau, Enslin đến thẳng New York, vào khách sạn Dolphin đăng ký ngủ một đêm trong phòng 1408, dù người quản lý khách sạn là Gerald Olin nhiều lần ngăn cản bằng cách cho anh xem hình ảnh những nạn nhân trước kia thuê phòng 1408 bị chết thê thảm nhưng Enslin vẫn cương quyết ở lại căn phòng ma ám ấy...
“1408” dựa theo một truyện ngắn cùng tên của nhà văn lừng danh Stephen King. Phim có câu khẩu hiệu chính thức là “The Dolphin Hotel invites you to stay in any of its stunning rooms. Except one” (dịch tiếng Việt: Khách sạn Dolphin mời bạn vào ở trong bất kỳ căn phòng đẹp nào. Ngoại trừ một phòng). “1408” gây ấn tượng với diễn xuất của hai tài tử John Cusack và Samuel L. Jackson, được đánh giá là một trong những phim kinh dị hay nhất của thập niên 2000.
UNDER THE NIGHT (ĐÊM TRÓI BUỘC)
Tiếp nối xu thế phim kinh dị có bối cảnh khách sạn là tác phẩm ĐÊM TRÓI BUỘC sắp ra mắt khán giả Việt Nam vào đầu tháng 5. Phim lấy bối cảnh ở Los Angeles (Mỹ), xoay quanh một cặp vợ chồng người Iran sau khi rời bữa tiệc ở nhà bạn đã nghỉ tại một khách sạn neo người. Tại đây, đôi vợ chồng và đứa con gái nhỏ bị một thế lực tâm linh nhốt lại bên trong, không thể thoát ra ngoài và chứng kiến hàng loạt hiện tượng kỳ lạ trong đêm. Song song với đó, đôi vợ chồng phải đối mặt với những bí mật trong cuộc hôn nhân mà cả hai đang chôn giấu người bạn đời.
Phim có những hình ảnh gây tò mò khi đôi vợ chồng nhân vật chính và cô con gái nhỏ bị kẹt lại trong một khách sạn vắng lặng giữa đêm khuya. Những hiện tượng bí hiểm xảy ra ở nơi đây gợi nhớ tới tinh thần của bộ phim kinh dị kinh điển “The Shining” của đạo diễn Stanley Kubrick, với diễn xuất của tài tử gạo cội Jack Nicholson. Poster phim với hình ảnh khách sạn cũ kỹ nguy nga nhưng chỉ có một căn phòng sáng đèn cũng khơi gợi trí tưởng tượng của người xem.
Được bấm máy ở Mỹ, ĐÊM TRÓI BUỘC mới đây đã nhận được giấy phép phát hành tại rạp ở Iran và trở thành bộ phim đầu tiên do Mỹ sản xuất làm được điều này kể từ sau cuộc cách mạng Iran. Sự kiện này đã được tờ Deadline gọi là “một chuẩn mực lịch sử”. ĐÊM TRÓI BUỘC công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Quốc tế Santa Barbara vào tháng 1 nhận được sự hoan nghênh từ phía khán giả và giới phê bình.
Phim đã được sản xuất tại Mỹ vào năm 2018, khi sắc lệnh trừng phạt Iran của cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu thực thi một cách mạnh mẽ, lựa chọn dàn diễn viên và phi hành đoàn đa dạng để tạo thành một nhóm những người nhập cư hà khắc chủ yếu là công dân hợp pháp/người có thẻ xanh hoặc người Mỹ gốc Iran sinh ra tại Mỹ. Tất cả những người đứng đầu bộ phận sản xuất đều là người Iran hoặc gốc Iran.
“THE NIGHT” (ĐÊM TRÓI BUỘC) dự kiến khởi chiếu từ ngày 11.03.2022.