Những phiên toà truy tìm… “Sở Khanh”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do nhẹ dạ và nông nổi trong quan hệ tình cảm, nhiều cô gái đã phải nuốt “chén đắng” khi sinh ra những người con không cha. Trong giấy khai sinh, đứa trẻ mang họ mẹ, riêng phần người cha thì bỏ trống hoặc chỉ ghi hai chữ lạnh lùng: “vô danh”.

Một bà mẹ trĩu nặng tâm tư trong phiên toà

Những đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh như vậy khó có thể hòa nhập cuộc sống một cách bình thường, lúc nào cũng trĩu nặng mặc cảm. Để bảo vệ quyền lợi cho người con kém may mắn, nhiều người mẹ đã dũng cảm vượt qua dư luận, khởi kiện dân sự nhờ Toà án xác nhận cha cho con…

Trong các phiên toà đó, đa số những người mẹ tìm cha cho con hầu hết đều trong độ tuổi còn khá trẻ, từ 18 đến 30 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh song phần lớn đều thừa nhận do tuổi trẻ bồng bột, nông nổi, quá tin tưởng vào những lời đường mật nên “trót dại” vượt qua giới hạn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người tình. Khi những mầm sống đã hình thành, người tình họ Sở bội bạc liền “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc chị em vượt cạn một mình, khốn khổ vì đàm tiếu của thiên hạ. Tuy nhiên, vì quyền lợi và tương lai của con, nhiều người mẹ đã gạt bỏ những phiền lụy gửi đơn đến Toà án yêu cầu xác nhận cha cho con.

Có mặt tại nhiều phiên tòa xác nhận cha cho con, chúng tôi đã quen với cảnh tượng người mẹ trẻ bồng con nước mắt ràn rụa, nhất mực khẳng định người đàn ông đứng cạnh chị trước phiên tòa chính là cha đứa trẻ. Không ít người đàn ông thẳng thừng phủ nhận đứa trẻ kia là con của mình. Có nhiều trường hợp khá hài hước, một ông ngoài “lục thập” tuyên bố xanh rờn: “Tôi già cả, sức cùng lực kiệt thế này thì sinh con thế nào được?” Khi Tòa chất vấn và làm rõ về mối “quan hệ trên mức tình cảm” với bà mẹ trẻ, ông già khoái “gặm cỏ non” mới ấp úng thừa nhận nhưng vẫn cố chống chế theo kiểu còn những người đàn ông khác trong ấp quan hệ với cô đều có thể là cha của đứa bé (?!) .Việc giám định gen cho ra kết quả chính xác nhất, buộc các ông phải thừa nhận giọt máu của mình. Tuy nhiên, điều này gây cho các bà mẹ nhiều khó khăn bởi chi phí giám định rất tốn kém. Nhiều người không tiếc công sức, tiền của tìm được cha cho con. Vậy nhưng sau đó, họ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi khi người cha tìm được lại quá vô cảm.

Nhiều em cất tiếng khóc chào đời không có cha, đến khi pháp luật xác định được người cha nhưng thực tế các em vẫn phải chịu cảnh không cha. Sau phán quyết của Tòa, ông bố vô danh được thay bằng một ông bố có danh tánh nhưng chỉ có ý nghĩa trên… giấy! Tình phụ tử không tồn tại theo đúng nghĩa thiêng liêng bởi đó chỉ là “cưỡng chế” của pháp luật. Nhiều trường hợp, các ông bố không có trách nhiệm gì với đứa con mà mình đã “lỡ” sinh ra. Trường hợp cô Trần Thị Huệ quê ở Cà Mau cũng là một điển hình. Từ vùng đất phèn, cô lên Tp. Hồ Chí Minh lập nghiệp với nghề tiếp thị. Huệ có vẻ đẹp dịu dàng đậm chất miền Tây và thân hình rất quyến rũ khiến cô nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của nhiều người, trong đó có ông Thành - chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ. Sau nhiều lời hứa hẹn có cánh, ông Thành đã để lại trong cơ thể Huệ một mầm sống. Tuy nhiên, do sợ vợ và các áp lực khác, ban đầu ông Thành không thừa nhận con cô Huệ là quý tử của mình. Huệ liền khởi kiện ra Toà án, đề nghị xác nhận cha cho con. Trước những chứng cứ rành rành, ông Thành phải thừa nhận “giọt máu” của mình. Gặp lại chúng tôi trong một lần đến Toà, Huệ cay đắng cho biết mỗi tháng ông Thành chỉ bỏ ra ít tiền để trợ giúp nuôi con. Điều đó khiến mẹ con Huệ sống trong tủi nhục, đau đớn vì con có bố mà không có hơi ấm tình người.

Có những đứa trẻ sau lần gặp mặt cha ở Tòa án, các em đã không bao giờ gặp lại đấng sinh thành lần nữa. Bởi chúng không có cơ hội được sống dưới mái nhà của người cha cũng như có được sự quan tâm, chăm sóc của cha như bao đứa trẻ khác. Điều an ủi duy nhất với chúng là có cha, có mang họ của một người đàn ông trong tờ giấy khai sinh của mình...

An Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phiên toà truy tìm… “Sở Khanh”