Những người thắp lửa ký ức

Nguyễn Trung Thành| 20/04/2016 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

40 năm sau chiến tranh, những cựu binh của Đại đội thông tin C18 thời chống Mỹ năm xưa giờ mỗi người mỗi cảnh, mỗi quê hương, tất cả tưởng chừng như sẽ trôi lăn vào quên lãng, không bao giờ gặp lại.

Nhưng may mắn thay khi đơn vị vẫn còn có những người ngày đêm trăn trở, tìm cách kết nối những đồng đội cũ từ khắp mọi miền Tổ quốc. Để rồi từ đó, họ lại cùng nhau nhóm lên, thốc thổi ngọn lửa ký ức bừng sáng cho hôm nay và mai sau...

Nhớ thương đồng đội như sóng dậy

Tháng 4, Hà Nội trời nhiều gió. Ngồi trong căn gác nhỏ gần hồ Láng, tôi được các cựu chiến binh Đỗ Việt Dũng, Trần Hữu Phúc, Chử Ngọc Tuất kể cho nghe về những tháng năm binh lửa, về Đại đội thông tin (C18 - E48 - F302A) đầy gan dạ xưa kia. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những ký ức rất đỗi hào hùng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí họ. Tất cả, như vừa mới diễn ra.

Cách đây gần 50 năm, vào tháng 7/1967, tại xã Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội), Đại đội thông tin C18 đã làm lễ xuất quân lên đường vào Nam chiến đấu với lời thề “Một lòng theo Đảng/Trung kiên chiến đấu/Thắng giặc mới trở về”. Từ đó, bước chân của các chiến sĩ C18 đã in dấu trên khắp các chiến trường, từ Thành Cổ - Quảng Trị đến Đường chín Nam Lào, Tây Nguyên. Rồi những đêm hành quân thần tốc, dồn dập trên con đường số 7, cho đến những đòn sấm sét cuối cùng giáng vào quân địch ngay tại cửa ngõ Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975 đã đang và mãi mãi là những kỷ niệm không phai mờ trong tâm trí mỗi cựu binh C18.

Những người thắp lửa ký ức

Một cuộc hội ngộ của những người lính C18 

Hòa bình lập lại, Đại đội Thông tin C18 ngày ấy mỗi người chọn một con đường. Người ở lại trong quân đội, người đi học, người xuất ngũ về quê. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi quê hương, tưởng rằng sẽ rất khó để có ngày gặp lại. Thế nhưng, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình cờ một nhóm cựu binh C18 đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội gặp gỡ nhau. Tủi mừng khôn xiết. Ý tưởng thành lập nên “Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A” và bầu ra Ban Liên lạc C18 thời kỳ chống Mỹ cũng ra đời từ đó.

““Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A” không phải là một tổ chức chính trị xã hội đơn thuần mà thực chất nó là một tổ chức thiện nguyện do các cựu chiến binh của C18 thời chống Mỹ tự nguyện lập nên để cùng nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh trên khắp các chiến trường. Đồng thời, đây còn là nơi để tất cả anh em cùng nhau chia sẻ những buồn vui, gian khó trong cuộc sống đời thường, làm cho cuộc sống có thêm ý nghĩa. Và trên hết, nó phần nào thể hiện nét đẹp truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta cũng như đề cao phẩm cách của anh Bộ đội cụ Hồ”, cựu binh Trần Hữu Phúc, Trưởng ban Liên lạc C18 thời kỳ chống Mỹ chia sẻ.

Với tinh thần đó, trong suốt gần 20 năm qua, những người lính C18 E48 F302A đã tìm kiếm đến nhau và lập nên “Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A”. Hàng năm, Hội đều tổ chức gặp mặt để ôn lại những  ngày gian khổ, hy sinh, để thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống đời thường và cũng để “điểm danh” xem ai còn ai mất. Tính đến giờ, những cuộc hội ngộ ấy đã từng diễn ra tại hầu khắp các tỉnh phía bắc như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội.

“Hầu hết những đồng đội của tôi thời bấy giờ khi trở về cuộc sống đời thường đều gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Ốm đau, bệnh tật, những di chứng chiến tranh đã bào mòn cả tinh thần và vật chất của họ, có những người còn không có cả túp lều che nắng che mưa. Vậy rồi anh em trong C18 đã tự bảo nhau “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trích từng đồng lương ít ỏi của mình để mong chia vơi, san sẻ khó khăn với những đồng đội kém may mắn hơn mình”, ông Phúc tâm sự.

Nghĩa cử với người đã khuất

“Tính đến nay chúng tôi đã tổ chức được 16 lần gặp mặt, có lần lên đến 80 người. Ngoài việc ôn lại truyền thống thì những lần gặp mặt ấy còn là dịp để anh em tìm hiểu về hoàn cảnh, cuộc sống của nhau. Ai khó khăn thì Hội lại kêu gọi ủng hộ, từ sang sửa nhà, giúp vốn sản xuất đến việc tiếp nhận con em vào làm trong một số doanh nghiệp. Mỗi lần gặp gỡ, chúng tôi đều cố gắng làm mới chương trình để hấp dẫn, lôi cuốn, vui vẻ, ấm áp hơn, nhờ thế mỗi dịp hội ngộ đều để lại những dấu ấn khó phai”, ông Tuất chia sẻ.

Thế nhưng, để có những buổi hội ngộ, hàn huyên ấm áp, xúc động và đầy ý nghĩa ấy, những cựu binh trong Ban Liên lạc C18 đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và thậm chí cả tiền bạc. Những việc họ làm, tất cả chỉ xuất phát từ niềm mong mỏi muốn gắn níu những đồng đội từng một thời vào sinh ra tử với mình. Vì niềm mong mỏi ấy mà từ nhiều năm nay, ông Phúc, ông Tuất, ông Dũng vẫn lặng lẽ đi về trên hầu khắp các con đường của Tổ quốc để lần tìm. Từng người, từng người một.

“Tôi nhớ mãi lần tìm được anh Chu Tấn Điền. Hôm đó, phải vất vả lắm anh em mới về được đến quê Điền. Khi đến nhà thì Điền đi vắng. Nghe hàng xóm bảo anh đang đi cấy, cả đoàn lại tất tả lội đồng. Ra đến ruộng, trước mắt tôi không phải là một Chu Tuấn Điền vâm vam, ầm ào, sức vóc ngày xưa, mà chỉ còn một Chu Tấn Điền nông dân xương gầy thịt héo. Cầm lòng không đặng, tôi ào xuống bế bổng Điền lên. Nhẹ bẫng. Sau phút giây tủi mừng gặp gỡ, biết gia cảnh Điền gặp khó khăn, anh em trong đoàn tự nguyện đóng góp mỗi người một ít tiền giúp Điền sửa lại mái nhà”, ông Phúc kể.

Những người thắp lửa ký ức

Cựu chiến binh Trần Hữu Phúc, Trưởng ban Liên lạc C18: Phương châm của “Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A” là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Không chỉ kiếm tìm những đồng đội còn sống, mà ngay cả những đồng đội đã ngã xuống nhưng vì một lý do nào đó mà chưa tìm thấy hài cốt, anh em trong Ban Liên lạc C18 cũng tìm mọi cách để giúp đỡ gia đình họ. “Thời chiến tranh, chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, chúng tôi luôn tâm nguyện rằng: Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nếu còn sống, sẽ đi tìm hài cốt của đồng đội để đưa các anh về với gia đình, quê hương. Hơn nữa, khi phải chứng kiến nỗi khắc khoải của những người thân các gia đình liệt sỹ chưa tìm được hài cốt con em mình, chúng tôi không đành lòng", ông Đỗ Việt Dũng tâm sự.

Chính vì nỗi niềm ấy mà suốt nhiều năm qua, ông Dũng cùng với anh em trong Ban Liên lạc C18 đã rong ruổi hàng trăm cây số, đến hàng trăm làng bản, xã thôn để tìm kiếm mộ liệt sỹ. Trên hành trình mải miết ấy, nhiều lúc khó khăn chồng chất, nhưng không một ai có ý định từ bỏ. Ông bảo, phần lớn những đồng đội của ông ngày ấy chỉ mới mười tám, đôi mươi, họ đã hy sinh cả tuổi xuân, bỏ lại bao ước mơ dang dở để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, việc tìm kiếm, “trả lại tên” cho họ và đưa họ về với nơi chôn rau cắt rốn là một việc nên làm. Động lực đó, nó đã thôi thúc ông Phúc, ông Tuất, ông Dũng hành động và cuộc hành trình ấy kéo dài cho đến tận bây giờ.

Tìm về quá khứ

Năm 2014, “Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A” đã tổ chức chuyến đi xuyên Việt, rong ruổi qua hầu khắp các tỉnh từ Hà Nội trở vào để cho các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, từ Thành cổ Quảng Trị cho đến Tây Nguyên, rồi thành phố mang tên Bác. Trước đó, Hội cũng đã cùng nhau về Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nơi đơn vị đóng quân suốt gần 6 tháng vào năm 1971 để củng cố lại lực lượng trước khi trở lại chiến trường miền Nam.

Những người thắp lửa ký ức

Ông Chử Ngọc Tuất: “Mỗi lần gặp mặt luôn để lại dấu ấn khó phai” 

Trong chuyến đi ấy, Hội bạn chiến đấu C18 đã tìm kiếm và tài trợ, tặng nhiều suất quà cho các gia đình chính sách tại Kỳ Tây, và tặng nhà tình nghĩa cho một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Tân Kỳ, Nghệ An. Đặc biệt, Hội còn trực tiếp đóng góp làm một đoạn đường từ trụ sở UBND xã Kỳ Tây tới nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Từ những xúc cảm trong chuyến “về nguồn” ấy, nhà thơ - cựu chiến binh C18 Đỗ Việt Dũng đã viết lên bài “Thương nhớ Kỳ Tây” với những câu thơ khắc khoải, yêu thương, da diết đến khôn cùng, như “Chúng tôi nhận ở nơi đây quá nhiều/Bát nước chè xanh tấm tình em gái/Bao người lính ra đi không trở lại/Nợ nần này ai trả được thay cho?” hay “Hoa vô tư xếp hình dấu hỏi/Sao bây giờ anh mới lại Kỳ Tây?”...

Và năm nay, nhằm ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của Đại đội Thông tin C18, “Hội bạn chiến đấu C18 E48 F302A” đã quyết định tổ chức đêm gala với chủ đề “Có C18 chúng ta” tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội, vào đêm 24/4/2016. Đây không chỉ là dịp để những cựu binh C18 có dịp nhớ lại giờ phút làm lễ xuất quân năm xưa, mà nó còn là cơ hội để lớp trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về lịch sử, về quá khứ bi tráng, hào hùng của cha ông ta thuở trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người thắp lửa ký ức