Những người Hội thẩm tâm huyết

Tài Đức| 17/09/2018 07:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng phục tùng sự phân công của tổ chức, họ đã được đến với “công đường” trong vai trò người Hội thẩm nhân dân.

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, bằng tâm huyết và trí lực, sự công tâm và nhân ái, họ đã góp phần quan trọng vào thành công của mỗi phiên tòa, góp phần bảo vệ công lý và lẽ phải.

Cơ duyên đến với nghề

Pha ấm trà nóng hổi giữa một ngày đẹp trời, ông Lê Minh Trực (SN 1949), Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh Thanh Hóa khiêm nhường khi nói về cơ duyên đưa đẩy ông đến với công tác Hội thẩm nhân dân. Chuyện bắt đầu từ hơn 20 năm về trước, ông Trực đang là một cán bộ tổ chức của Hội cựu Chiến binh tỉnh Thanh Hóa thì được phân công tham gia công tác Hội thẩm nhân dân ở TAND tỉnh Thanh Hóa.

Nhận phân công, ông rối như tơ vò bởi lâu nay chỉ làm công tác tổ chức, kiểm tra nội bộ chứ có rành rẽ gì về Tòa án với xét xử đâu. Thế rồi, gạt bỏ hết mọi ưu phiền, lo lắng, ông bắt tay ngay vào công việc mang tính kiêm nhiệm này.

Ngày ấy, ông đã trải qua một thời gian học tập công việc mới thông qua những đợt tập huấn, qua những đàn anh chị đi trước, qua những phiên tòa lưu động… để có thể đảm đương được nhiệm vụ, không phụ niềm tin của tổ chức. Và ông nếm trải rồi yêu nghề Hội thẩn nhân dân từ lúc nào không hay.

Ông nhớ lại, lần đầu tiên đi xét xử vụ án lưu động về ma túy ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy mà không bao giờ quên về sự khó khăn vất vả mà cả đoàn phải cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Mùa hè năm 1999, trời nắng nóng, đường xá đi lại còn khó khăn. Cả đoàn hơn chục người phải đi xe ô tô khách lên đó, mang theo cả vành móng ngựa, loa đài… Vì đường xa nên đoàn phải đi từ chiều hôm trước để sáng hôm sau kịp xét xử. Sáng hôm đó, không gian xét xử được bố trí ở sân bóng xã Cẩm Tú. Đúng hôm trời nắng to nhất, tất cả những người trong hội đồng đầu trần ngồi xét xử dưới cái nắng như thiêu đốt giữa mùa hè. Mồ hôi ai nấy tuôn ra ướt hết quần áo. Tại phiên tòa, ban đầu bị cáo cứ quanh co chối tội nên thời gian xét xử kéo dài đến tận gần 12 giờ trưa. Nhưng trước những tình tiết được HĐXX đưa ra lập luận sắc bén, những lời khuyên răn, động viên thấu tình, đạt lý của Hội thẩm dân nhân, bị cáo đã cúi đầu nhận tội và xin được giảm án vì phạm tội lần đầu. Phiên tòa kết thúc thành công trước những tiếng vỗ tay của bà con địa phương theo dõi phiên tòa. Có thể nói, đó là bản án hợp tình hợp lý, đúng người đúng tội và mang tính tuyên truyền pháp luật có hiệu quả. Đến giờ nghĩ lại, ông vẫn không thể quên được sự thiếu thốn, khó khăn, vất vả mà những người trong HĐXX hôm đó đã phải trải qua. 

Là một người phụ nữ có tinh thần trách nhiệm cao, khi công tác tại UBMT Tổ quốc tỉnh, bà Nguyễn Thị Hương (SN 1960) đã được rất nhiều người tín nhiệm và giới thiệu sang đoàn Hội thẩm TAND tỉnh để tiếp tục góp sức của mình cho công việc xã hội. Nhớ lại phiên tòa đầu tiên đầy bỡ ngỡ và hồi hộp, bà Hương kể: “Vụ án ma túy tuy đơn giản nhưng với một cán bộ phụ nữ như tôi ở thời điểm ấy thì quả là rất hóc búa. Cũng một phần do không phải nghề của mình, mà ở dưới vành móng ngựa lại là Công an nên quả thật, tôi rất run và hồi hộp. Đơn giản nhất là những thuật ngữ pháp lý, danh xưng trong quá trình tố tụng cũng trở nên rối rắm, khó quen. Nhưng đó chỉ là những giây phút ban đầu, dần dần bản thân mình tự điều chỉnh và với kiến thức đã được đọc thì phiên tòa “đầu tay” đó cũng đã diễn ra suôn sẻ. Sau đó, những phiên tòa tiếp theo, tôi như có động lực, rất thích thú nghiên cứu các vụ án, rồi cùng các anh chị em trong đoàn trao đổi, học tập nhau. Đến giờ thì công việc ở bên đoàn Hội thẩm như một phần cuộc sống của tôi rồi”.

Những người Hội thẩm tâm huyết

Các thành viên trong đoàn Hội thẩm đang nghiên cứu hồ sơ trước khi tham dự phiên tòa

Nhắc đến những người làm công tác trong đoàn Hội thẩm vào thời điểm hiện nay, tại TAND tỉnh Thanh Hóa, không mấy người không biết đến ông Lê Quang Vinh. Tuy đã 65 tuổi nhưng nhìn ông vẫn còn rất “phong độ”. Kể về chặng đường làm hội thẩm của mình, ông Lê Quang Vinh chia sẻ:  Trước đây ông công tác ở phòng Thanh tra của Công an tỉnh Thanh Hóa. Sau đó ông được tổ chức giới thiệu sang bên đoàn Hội thẩm của Tòa án tỉnh làm công việc kiêm nhiệm. Thời gian đầu tham gia công tác, ông chỉ nghĩ đơn giản là cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao. Nhưng rồi, năm tháng trôi qua, mỗi vụ án lại để lại cho ông những tình tiết hay. Cứ thế, qua tìm tòi, nghiên cứu các vụ án, đến giờ ông bị cuốn vào công việc như một “con nghiện” lúc nào không hay.

“Nghề” Hội thẩm khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn

Đây là niềm vinh dự và tự hào, bởi có phải ai cũng có được cơ hội để trở thành một Hội thẩm nhân dân đâu? Nhưng đi liền với đó là trách nhiệm nặng nề, năng lực giải quyết công việc và quan trọng hơn là phải giữ được cái tâm sáng. Lĩnh vực nào cũng có những cám dỗ riêng, nhưng làm sao để mình không rơi vào vòng xoáy đó mới chính là người cầm cân nảy mực.

Xuất thân từ một người giáo viên từng dạy ở những trường có tiếng ở xứ Thanh như Trường chuyên Lam Sơn, Trường THPT Đào Duy Từ… thầy giáo Nguyễn Trọng Hùng (SN 1950)  đã có một bước ngoặt mà không ai ngờ tới. Đó là thầy khoác thêm cho mình chiếc áo Hội thẩm nhân dân. Ban đầu, bạn bè ông ai cũng lạ cho công việc mới của ông. Đến bản thân ông cũng thấy đến lạ, vì trong đầu ông nghĩ khi về hưu sẽ an nhàn, hưởng cuộc sống với con cháu, chứ không nghĩ mình sẽ đi làm “bao công”.

Như ngấm vào máu, càng nghiến cứu, càng lên “công đường” thì ông Hùng càng hăng say, đam mê. “Có những đợt nhiều vụ mà cả đoàn như “chạy sô”, bản thân tôi cũng vậy, làm hết sức lực. Nhưng có những hôm chuẩn bị để dự phiên tòa thì lại bão hoãn do lỗi khách quan. Lúc đó, mình lại ngồi nghiên cứu vụ khác”, ông Hùng chia sẻ.

Cả đoàn luôn tất bật với công việc, nhiều người cứ nghĩ các “bô lão” Hội thẩm đi làm chắc được nhiều tiền lắm nên mới ham công tiếc việc như vậy. Nhưng có ai nghĩ rằng, những con người đó đi làm vì trách nhiệm, vì niềm vui khi được cống hiến cho xã hội. Bao nhiêu khó khăn vất vả là vậy, nhưng những con người cần mẫn đó đã không một lần đòi hỏi. Vì trong thâm tâm những con người này luôn nghĩ rằng, “ở độ tuổi này mà còn được tin tưởng, trọng dụng là hạnh phúc lắm rồi”, ông Vinh tâm sự. Do đó, dù phải hy sinh thời gian ở bên gia đình để hoàn thành công việc được giao, họ vẫn cam lòng.

Ông Hoàng Anh Thọ (SN 1950) cũng đang công tác trong đoàn Hội thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi là một cán bộ làm ở Thanh tra tỉnh và được tổ chức giới thiệu sang làm ở đoàn Hội thẩm. Khi tôi về hưu, có người hiểu thì động viên về hưu mà vẫn được làm việc, được cống hiến cho xã hội là tốt lắm đấy. Nhưng có những người không hiểu cứ bàn ra tán vào chuyện tôi đi làm ở đoàn Hội thẩm được nhiều tiền lắm. Nhưng thật sự phụ cấp đâu có đáng bao nhiêu so với thời gian và công sức mình bỏ ra. Khi đến đây, chúng tôi cảm thấy mình còn có ích cho xã hội nên cứ thế “lăn xả” mà cống hiến, chứ đâu tơ tưởng gì bổng lộc”.

Những con người tham gia công việc “cầm cân nảy mực” này, họ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Nhưng cái duyên đến với “công đường” đã đưa họ về ở chung mái nhà Hội thẩm, thầm lặng cống hiến sức lực còn lại của mình cho xã hội. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng và rất cần được tôn vinh. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người Hội thẩm tâm huyết