Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Vậy lý do nào cần phải sửa đổi Luật Giáo dục?
Hội thảo ngày 5/12 là Hội thảo thứ 2 trong số 5 hội thảo được tổ chức tại 5 địa điểm trong cả nước trong tháng 11 và tháng 12 để lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục.
Qua gần 12 năm thực hiện, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Giáo dục đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện bởi những lý do sau:
Lý do thứ nhất: Yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Ảnh minh họa.
Lý do thứ hai: Đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo Thứ trưởng, một trong những nội dung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 là những quy định về GD-ĐT, điều đó thể hiện qua khẳng định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục…” (Điều 61).
Nhằm triển khai quy định trên, Nhà nước cần xây dựng chiến lược học tập suốt đời, theo đó mọi người đều có cơ hội được đi học; các hình thức học tập phù hợp với từng đối tượng và được quản lý một cách chặt chẽ theo tiêu chuẩn thống nhất tương ứng với trình độ. Đổi mới nền giáo dục theo hướng phát triển năng lực và nhân cách người học, xây dựng nền giáo dục thực chất và hiện đại.
Lý do thứ 3: Khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành. Với nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phân tích: Hiện nay, một số nội dung chính sách và điều khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phát triển nền giáo dục theo định hướng mở, liên thông, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục trong Luật như: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, phân luồng sau trung học, giáo dục thường xuyên, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục… đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Lý do thứ 4: Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT cũng như Ban soạn thảo dự án Luật nhận thấy, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật sẽ rất có lợi, vì qua đó những người hoạch định chính sách sẽ hiểu sát thực tiễn để có những quy định phù hợp với cuộc sống.