Tết là dịp để sum vầy và thư giãn. Tuy nhiên những thói quen như lười vận động, ăn uống thả phanh, không đảm bảo phòng tránh dịch bệnh… là điều cần tránh.
Tết Nguyên đán là một trong các kỳ nghỉ dài nhất trong năm, cũng là dịp mọi người có thời gian thư giãn dành cho gia đình và bản thân.
Cũng trong các ngày nghỉ này do tâm lý thư giãn và một vài lý do khách quan bên bạn bè và người thân đã vô tình tạo nên những thói quen có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Để đón Tết lành mạnh, nên chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp cũng như chuẩn bị sẵn các loại thuốc trong tủ thuốc gia đình. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp vào mùa Tết gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cần chủ động phòng ngừa.
Bệnh hô hấp
Khi Tết đến cũng là lúc thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân. Thời điểm này thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Khi đi du xuân, khói bụi, khói nhang ở ngoài môi trường vô tình tấn công mắt, mũi cũng dễ gây viêm kết mạc, viêm mũi.
Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng; vì vậy cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp Tết.
Để phòng ngừa, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi đi ra ngoài đường nên trang bị khẩu trang và thay khi bẩn hoăc ướt, đeo kính chống bụi, chống nắng.
Giữ ấm cơ thể (nhất là khi thời tiết chuyển lạnh), mặc quần áo đủ ấm khi đi xe máy, khi ra ngoài trời, khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào buổi đêm hay sáng sớm (chú ý các vùng cơ thể như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu…).
Nếu thấy khó chịu ở mắt, tốt nhất không nên dụi mắt mà nên sử dụng nước muối nhỏ mắt sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi tác nhân gây dị ứng sau đó đi khám. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
Bệnh lý trên hệ tiêu hóa
Ngày Tết còn là dịp để những cuộc vui, tiệc tùng với các món ăn giàu chất dinh dưỡng nên nó phá vỡ chế độ cân bằng thường ngày.
Do vậy, cơ thể sẽ bị mất cân bằng nên sẽ gây ra những xáo trộn trên hệ thống tiêu hóa. Mặt khác, nếu không bảo quản tốt thực phẩm thì đây sẽ là nơi thu hút ruồi nhặng và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển và gây nên các bệnh lý về đường tiêu hóa mà thường thấy nhất là bệnh tiêu chảy.
Vì vậy, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, bệnh tiêu chảy do vi khuẩn thức ăn, cần có chế độ bảo quản thức ăn và có chế độ ăn phù hợp, không nên ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, không nên sử dụng nhiều bia, rượu, không nên dự trữ thức ăn trong nhiều ngày, nếu thức ăn có mùi vị lạ, phải hủy bỏ ngay.
Bên cạnh đó, thực đơn trong các ngày lễ tết phải chú ý đến việc gia tăng các loại rau và hoa quả tươi nhằm phòng ngừa được một số bệnh đường ruột, giảm tác hại đối với tim mạch do thức ăn gây ra, cần thiết phải cân đối các chất trong bữa ăn và ăn kèm với các thức ăn nhiều chất xơ. Sau khi uống quá nhiều rượu, bia nên uống nhiều nước để cung cấp nước cho cơ thể, vì gan rất cần nước để chuyển hóa rượu và mỡ.
Bệnh lý tim mạch
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn, ít vận động – thể dục, sử dụng nhiều rượu, bia, hút thuốc… đều gia tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ, co thắt mạch vành. Vì vậy bảo vệ sức khỏe tim mạch trong những ngày Tết là vô cùng quan trọng.
Cao huyết áp và đột quỵ là hai bệnh rất dễ mắc phải trong dịp Tết.
Nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, không nên xem tivi quá nhiều, chơi các trò chơi, tham gia hoạt động du xuân trong thời gian dài (nhất là những người già) khiến cho tim phải co bóp nhiều hơn.
Duy trì tâm thái tĩnh lặng, tránh vui buồn quá mức… Đối với những người có bệnh lý tim mạch sẵn có, cần uống thuốc đều đặn, đúng giờ, không được quên hay có tâm lý ngưng thuốc một vài ngày Tết để không bị bệnh tật.
Bệnh lý xương khớp
Dịp Tết, nhiều người dễ bị đau mỏi cổ, vai gáy khi ngồi lâu, ít vận động trong quá trình di chuyển để du xuân hoặc ngồi lâu để tham gia các lễ hội, trò chơi.
Việc ngồi lâu không chỉ không tốt cho vùng eo mà còn gây sức ép lâu dài lên xương chậu, khớp xương cùng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của chi dưới, gây phù nề chi dưới.
Để phòng tránh các bệnh lý về xương khớp do ngồi lâu trong dịp Tết, nên thực hiện một số động tác kéo giãn cơ, cố gắng duy trì tư thế ngồi đúng, đảm bảo ngồi thẳng cổ và đảm bảo mở rộng vùng thắt lưng, tránh gập người ra phía trước.
Nên duy trì thói quen tập luyện hằng ngày như đi bộ, bơi lội… để duy trì độ dẻo dai, bền bỉ của xương khớp.
Nếu đã có bệnh lý cột sống thắt lưng, nhớ đeo đai lưng hỗ trợ khi phải ngồi lâu, di chuyển chặng đường xa.
Ngộ độc rượu
Thời điểm Tết bệnh nhân nhập viện do tình trạng ngộ độc rượu tăng cao. Ngày Tết là dịp để mọi người ăn uống, vui chơi nên việc sử dụng rượu bia là điều không tránh khỏi.
Ngộ độc rượu vô cùng nguy hiểm, xảy ra khi uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Biểu hiện của ngộ độc rượu là bụng đau dữ dội, đau đầu, chóng mặt, hạ thân nhiệt, nôn, khó thở, nhịp tim không đều… thậm chí dẫn tới tử vong.
Khi phát hiện các triệu chứng như trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.