Tháng Giêng là tháng ăn chơi" bởi vậy mà hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ tưng bừng diễn ra trong suốt những ngày mùa xuân. Các lễ hội bắt đầu vào tháng Giêng, ngay sau Tết nguyên đán. Có lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn và những lễ hội để cầu chúc may mắn.
Lễ Hội Chợ Viềng - Nam Định (Từ ngày 7 - 8 tháng giêng)
"Cầu mong lắm lộc nhiều tài/ Tháng giêng, mồng 8 mời chơi chợ Viềng”.
Phiên chợ chỉ họp mỗi năm một lần, "bán điều rủi, mua sự may" đã trở thành nét văn hóa đẹp của vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định). Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm. Vì vậy, từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, hàng ngàn người đổ về chợ Viềng như mắc cửi để mong có lộc cho cả năm.
Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực, cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, v.v...). Chợ Viềng họp vào đêm mùng Bảy, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm. Như một thói quen cố hữu, khách đi chợ Viềng giờ đây vẫn mong ngóng mang về những cành lộc xanh tươi đầu năm mới. Xua đi điều không may mắn trong năm qua, rước về nhà niềm hạnh phúc và an bình trong năm mới, ước nguyện nghìn đời ấy vẫn bùng cháy, và chợ Viềng vẫn chào đón khách hành hương mỗi dịp xuân về.
Cảnh mua bán tấp nập ở chợ Viềng
Lễ Hội Chùa Hương - Mỹ Đức, Hà Nội (Từ ngày 6 tháng giêng - đến hết tháng 3 âm lịch)
“Lễ hội Du lịch – Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ ngày 6 tháng Giêng, và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.
Du khách lênh đênh trên những con đò để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ (Ảnh internet)
Đi trẩy hội chùa Hương không chỉ khiến du khách thanh thản, phiêu linh ở chốn Phật đài - cảnh bụt, mà đến với lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Lễ Hội Đống Đa - Hà Nội (Ngày 5 tháng giêng)
Lễ hội Đống Đa thuộc quận Đống Đa – Hà Nội diễn ra vào ngày 5 tết Nguyên đán hàng năm. Đây là nơi lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ), người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Tưng bừng lễ hội tại gò Đống Đa
Sau đám rước “rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại gò Đống Đa lịch sử.
Lễ Hội Lim - Bắc Ninh (Từ ngày 12 - 14 tháng giêng)
Hội Lim, Bắc Ninh là một lễ hội lớn ở vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, thuộc địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước gồm đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, bắt mắt. Du khách sẽ được mục sở thị các nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm
Hội Lim luôn thu hút hàng ngàn du khách bởi các nghi lễ dân gian
Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh ( Từ ngày 10 tháng giêng - đến hết tháng 3 âm lịch)
Không thể không nhắc đến một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam đó là Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 (Âm lịch). Hàng năm, tới dịp lễ hội, du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hồ hởi leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.
Du khách leo núi tại chùa Yên Tử (Ảnh sưu tầm)
Lễ Hội khai ấn Đền Trần - Nam Định (Từ 13 - 15 tháng Giêng)
Lễ hội ở đền Trần cũng là một địa chỉ không thể bỏ qua trong mùa lễ hội, lễ khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Người dân tới đền Trần vào dịp hội để xin được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Đêm 14 tháng Giêng, Đền Trần đã chật cứng người
Lễ hội Chùa Keo - Thái Bình (Ngày 14 tháng Giêng)
Diễn ra từ ngày 14/1. Đây là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở Việt Nam. Với công trình nghệ thuật Gác Chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ.
Chùa keo nằm nép mình ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, người ta ví chùa Keo như một đóa hoa sen vươn lên giữa màu xanh bạt ngàn của quê lúa Thái Bình. Nơi đây thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. Đến đây ngoài lễ Phật còn có các trò chơi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo.
Đua thuyền một trong những trò vui dân gian của lễ hội Chùa Keo (Ảnh Internet)
Giỗ Tổ Hùng Vương (Ngày 5 đến 10 tháng 3 Âm lịch)
Và một lễ hội bao gồm các hoạt động được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng gắn với các hoạt động hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi phục vụ cho đồng bào và du khách về dự. UBND tỉnh Phú Thọ vừa họp triển khai, công bố kế hoạch tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nào cũng thu hút các kiều bào về dự
Dự kiến lễ hội sẽ được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 23 đến 28/4 (tức ngày 5 đến 10/3 năm Ất Mùi) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Phần lễ cũng diễn ra như mọi năm, sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh Đài truyền hình Quốc gia vào ngày 28/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).
Phần hội có các hoạt động được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và tại thành phố Việt Trì như lễ rước kiệu của các xã vùng ven Đền Hùng; triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước về cung tiến; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày liên tỉnh; liên hoan dân ca và hát Xoan Phú Thọ; hội chợ du lịch Tây Bắc; hội trại văn hóa; bắn pháo hoa; đêm thơ nhạc các vùng kinh đô Việt Nam và các giải bóng chuyền tranh cúp Hùng Vương, giải quần vợt hữu nghị Hùng Vương; hội bơi Chải trên sông Lô…