Những kiến thức trọng tâm môn Lịch sử cần nhớ trước khi vào phòng thi

Đức Duy| 04/07/2021 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo nhiều giáo viên môn Lịch sử, trong lúc này, thí sinh cần nắm được những kiến thức trọng tâm thường xuất hiện trong đề thi và có phương pháp ôn luyện hiệu quả.

Những kiến thức trọng tâm cần lưu ý

Theo cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, tỉ lệ câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 10%, chủ yếu nằm ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi thuộc mức vận dụng cao. Các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 90% đề thi.

tien-si-le-thi-thu-huong.jpg
Cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Với phần kiến thức lớp 11, nội dung xuất hiện chủ yếu trong đề thi là lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858 - 1918. Trong giai đoạn này, học sinh cần nắm được những sự kiện nổi bật như Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta; Những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; Phong trào yêu nước và cách mạng...

Học sinh cần lưu ý rằng, phong trào cách mạng Việt Nam ở giai đoạn này bị khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo nên kết quả đều bị đàn áp và thất bại. Trong bối cảnh đó, năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, là cơ sở quan trọng cho con đường cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam.

Trong chương trình lớp 12, học sinh cần chú ý phần lịch sử Việt Nam giai đoạn từ năm 1919 - 2000.

Cụ thể là các mốc chính như: Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời;

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu;

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi với đại thắng mùa xuân 1975 và công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 - 2000 đã đạt được những thành tựu to lớn.

Bên cạnh đó, lịch sử thế giới giai đoạn từ năm 1945 - 2000 cũng là phần kiến thức quan trọng mà học sinh cần lưu ý ôn tập.

Phương pháp ôn luyện trong giai đoạn “nước rút”

uy9_8174.jpg
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Đến giai đoạn này, các em cũng không thể ngồi lật đi lật lại từng bài để học như giai đoạn trước được nữa. Các em cần phải tranh thủ khoảng thời gian rất quan trọng và quý giá này để khái quát lại kiến thức. Những kiến thức nào chúng ta đã biết và nhớ rồi thì không cần mất nhiều thời gian vào nó nữa.

Và bây giờ, hãy hình dung lại trong toàn bộ phần kiến thức đã học, phần nào mà các em chưa thực sự hiểu lắm thì các em mở SGK ra, đọc lại 1 vài lượt, sau đó tìm những câu hỏi có liên quan đến nội dung mà hiện nay kiến thức của mình chưa thật tốt, các em hãy làm câu hỏi, làm bài tập để có sự chà xát với thực tiễn câu hỏi liên quan đến nội dung bài học.

Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh phải trả lời 40 câu hỏi trong vòng 50 phút. Do đó, có chiến thuật làm bài hợp lí sẽ giúp các em quản lí thời gian hiệu quả và hoàn thành tốt bài thi.

“Các em nên lập sơ đồ tư duy cho mỗi vấn đề, mỗi chi tiết quan trọng để hiểu rõ lịch sử và dễ dàng trả lời các dạng câu hỏi có trong đề thi. Từ việc ôn luyện, các em có thể tổng hợp lại kiến thức bằng cách luyện đề thường xuyên, nhằm làm quen với các dạng câu hỏi và tìm ra chiến thuật làm bài hợp lí cho bản thân”, cô Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Theo đó, các dạng câu hỏi phổ biến trong đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử là: câu hỏi chọn 1 đáp án đúng trong 4 phương án; câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu 1 đoạn tư liệu; câu hỏi chọn 1 đáp án phủ định trong 4 phương án; câu hỏi đưa các sự kiện và sắp xếp đúng theo thời gian.

Để làm tốt những dạng bài này, thí sinh cần đọc kĩ câu hỏi, gạch chân từ khóa, sau đó đọc kĩ 4 đáp án. “Nếu biết đáp án chính xác, thí sinh cần đánh dấu ngay. Câu nào cảm thấy chưa chắc chắn thì tạm thời bỏ qua để làm câu khác, sau đó quay lại dùng phương pháp loại trừ để xử lí. Tuyệt đối không nên thấy khó bỏ qua không làm”, cô Hương nhắn nhủ.

Thời gian chuẩn bị cho kì thi còn rất ít nữa thôi. Các em hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để việc ôn luyện đạt hiệu quả cao nhất. Chúc các em bình tĩnh và có một kì thi thật thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kiến thức trọng tâm môn Lịch sử cần nhớ trước khi vào phòng thi