Những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự

Trung Thành| 04/07/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong mấy năm gần đây, các tranh chấp về dân sự có xu hướng ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ cao là các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về đất đai, tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế.

Công tác xét xử các vụ án dân sự này về cơ bản đã đảm bảo tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự, khắc phục được tình trạng để án quá hạn luật định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc thu thập chứng cứ.

Đương sự không giao nộp chứng cứ

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình cũng như được Tòa án thu thập để làm căn cứ giải quyết vụ án, chấp nhận yêu cầu hay phản bác ý kiến, yêu cầu của đương sự. Đồng thời, trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 đã quy định khá chi tiết, đầy đủ các hoạt động thu thập chứng cứ cũng như quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục tiến hành từng hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, việc thu thập chứng cứ còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Qua công tác xét xử cũng cho thấy, các tranh chấp gắn liền với đất như: Tranh chấp quyền sử dụng đất, chia tài sản chung là nhà và đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSD đất, hợp đồng chuyển nhượng nhà ở… tập trung chủ yếu ở các địa bàn có các dự án liên quan đến đền bù giải tỏa, tái định cư… với tính chất vụ việc rất phức tạp, đan xen nhiều quan hệ pháp luật, nhiều cá nhân, nhiều cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng. Nguyên nhân gia tăng các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là do thị trường bất động sản biến động tăng giảm bất thường, dẫn đến các bên tham gia giao dịch vi phạm hợp đồng; đô thị hóa trên diện rộng làm cho nhiều người trước đây đi khỏi địa phương nay trở về khiếu kiện với mục đích được đền bù, bố trí tái định cư. Do đó, các tranh chấp liên quan đến đất đai vì vậy rất đa dạng và ngày càng phức tạp hơn.

Những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự

Một phiên tòa của TAND Đà Nẵng

Theo lãnh đạo TAND TP. Đà Nẵng, trên thực tế, nhiều vụ án có tính chất phức tạp, nhiều người tham gia tố tụng nhưng đương sự không hợp tác, vắng mặt nên vụ án phải hoãn nhiều lần, làm cho vụ án kéo dài thời gian giải quyết. Có vụ án cấp giám đốc thẩm TANDTC xử hủy giao về xét xử lại nhưng tài sản không còn trên thực tế nên việc xét xử gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ vụ án.

Thu thập chứng cứ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật tố tụng làm cơ sở cho việc giải quyết đúng đắn vụ án là nhiệm vụ rất quan trọng của Thẩm phán, quyết định chất lượng công tác xét xử các vụ án dân sự. Chứng cứ trong hồ sơ vụ án bao gồm chứng cứ do đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giao nộp), chứng cứ do Tòa án thu thập bằng các biện pháp mà BLTTDS quy định.

Thông thường, nguyên đơn khởi kiện phải cung cấp chứng cứ kèm đơn khởi kiện, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cung cấp chứng cứ sau khi được Tòa án thông báo thụ lý vụ án. Trong nhiều trường hợp, sau khi Tòa án thụ lý vụ án, do đương sự giao nộp chứng cứ không đầy đủ nên Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp chứng cứ bổ sung. Tuy nhiên, đương sự thường là bị đơn cố tình trì hoãn, không giao nộp chứng cứ.

Mặc dù luật quy định đương sự phải gánh chịu hậu quả pháp lý nếu không giao nộp được chứng cứ nhưng việc đương sự không giao nộp chứng cứ đã gây nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án như hòa giải, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản… Nhiều vụ án tại phiên tòa sơ thẩm đương sự mới cung cấp chứng cứ, mà việc đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ không chỉ phụ thuộc vào Hội đồng xét xử, mà trong nhiều trường hợp phải trưng cầu cơ quan chuyên môn như giám định chữ ký, chữ viết, giọng nói… hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mới cung cấp chứng cứ, làm thay đổi toàn bộ kết quả sơ thẩm, dẫn đến tình trạng sửa toàn bộ vụ án hoặc hủy án sơ thẩm do có chứng cứ mới.

Một số biện pháp khắc phục

Theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS thì đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ. Như vậy, trước hết Thẩm phán phải yêu cầu đương sự chứng minh là không thể tự mình thu thập chứng cứ được. Thực tế thực hiện quy định này cũng gặp nhiều bất cập.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về chứng minh và chứng cứ thì: Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được chứng cứ cho đương sự thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do việc không cung cấp chứng cứ cho đương sự biết để họ chứng minh với Tòa án là họ đã thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Nhưng thực tế các cơ quan có thẩm quyền không bao giờ xác nhận cho đương sự. Mặc dù đương sự đã nhiều lần đi lại yêu cầu cung cấp các chứng cứ liên quan nhưng bị cơ quan, tổ chức từ chối với đủ lý do, rằng lộ bí mật Nhà nước hoặc vì sợ trách nhiệm nên không cung cấp. Việc từ chối thường thể hiện bằng lời nói, thái độ, cử chỉ. Do vậy, đương sự khó có thể chứng minh là mình “đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ” để yêu cầu Tòa án thu thập.

Do đó không có căn cứ để thẩm phán tự mình “có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp” để thu thập chứng cứ, dẫn đến tình trạng là Thẩm phán chờ đương sự, đương sự chờ cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc. Khi đương sự chưa đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ nào nhưng để giải quyết vụ án trong thời hạn luật định, Thẩm phán phải tiến hành một biện pháp thu thập chứng cứ cụ thể, dẫn đến đương sự khiếu nại.

Để khắc phục tình trạng trên, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của BLTTDS trong quá trình thu thập chứng cứ. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự đòi hỏi Thẩm phán phải tuân thủ, xem xét kỹ lưỡng trình tự thủ tục theo quy định BLTTDS và Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Việc đó đòi hỏi các Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ về kỹ năng thu thập đánh giá chứng cứ trong vụ việc dân sự. Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ các Thẩm phán phải nghiên cứu các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán đối với từng vụ án cụ thể, thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, xác định quan hệ pháp luật, thành phần người tham gia tố tụng; nghiên cứu xác định giá trị tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp; những chứng cứ khác cần thu thập, biện pháp thu thập để từ đó chủ động đề ra các biện pháp thu thập chứng cứ đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự, giải quyết triệt để những vấn đề được đặt ra trong vụ án. Việc áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ cần phải được thực hiện bằng quyết định theo đúng mẫu, căn cứ điều luật rõ ràng và phải thông báo, triệu tập đương sự biết đến nơi định giá; mời đầy đủ thành phần định giá, giám định, xem xét tại chỗ theo đúng quy định.

Cùng với đó, trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc dân sự các Thẩm phán phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác trong việc thu thập chứng cứ như cơ quan Tài nguyên - Môi trường, cơ quan giám định, cơ quan định giá... để thu thập những chứng cứ có độ chính xác cao phục vụ cho việc giải quyết án. Đồng thời, Thẩm phán là người trực tiếp áp dụng pháp luật, trong quá trình giải quyết xét xử các vụ việc dân sự, cần kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, bất cập của pháp luật để tổng hợp, kiến nghị trong việc ban hành, sửa đổi pháp luật, nhất là các quy định của BLTTDS về thu thập chứng cứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự