Nhằm tạo thuận lợi trong việc hòa giải đối thoại, giải quyết thỏa đáng các vụ tranh chấp… TAND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị ban hành “Quy chế phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn”. Đây là “mô hình” đầu tiên được triển khai thực hiện tại tỉnh Nghệ An, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Quy chế thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương
Quỳ Hợp là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với dân số hơn 11,5 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%, diện tích rộng lớn đứng thứ 7 toàn tỉnh. Trên địa bàn huyện có 2 nông trường đã chuyển đổi thành công ty; 2 lâm trường và 1 tổng đội thanh niên xung phong quản lý, sử dụng rất nhiều diện tích đất đai liên quan nhiều xã, với lịch sử, nguồn gốc đất phức tạp.
Bên cạnh đó, do lịch sử về quản lý, sử dụng đất đai trước đây còn nhiều hạn chế, cho nên tình trạng tranh chấp đất ngày càng nhiều. Quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai gặp nhiều khó khăn, do hồ sơ cấp đất lưu giữ ở nhiều cơ quan; lưu trữ không đầy đủ; các thông tin trong hồ sơ cấp đất, giao đất không chính xác so với thực địa…
Theo quy định hiện hành, về nguyên tắc thì TAND hoạt động “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử” và thực tế hiện nay, chưa có quy định cụ thể làm hành lang pháp lý để ràng buộc chính quyền các xã, thị trấn phải vào cuộc trong quá trình TAND thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến cấp xã và ngược lại, nhất là trong việc hòa giải đối thoại về giải quyết các tranh chấp đất đai; trong việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc; trong việc hướng dẫn các xã về trình tự hòa giải tranh chấp đất đai và cũng như các tranh chấp khác… dẫn đến kết quả giải quyết một số vụ việc chưa có sự vào cuộc từ đầu của các cấp, các ngành; nhiều vụ việc giải quyết còn kéo dài.
Một số vụ việc giải quyết ở cơ sở chưa có tính thuyết phục cao, trong thu thập các tài liệu, chứng cứ chưa đúng, chưa đầy đủ, sau khi giải quyết, công dân lại tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên, làm mất thời gian, công sức các cấp, các ngành.
Từ những đặc điểm, tình hình trên, TAND huyện Quỳ Hợp đã đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND huyện về sự cần thiết để ban hành Quy chế về phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn.
Được sự nhất trí của cấp ủy, Chủ tịch UBND huyện, TAND huyện Quỳ Hợp và Phòng Tư pháp UBND huyện đã phối hợp xây dựng dự thảo “Quy chế phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn”, sau đó tham khảo, lấy ý kiến của các xã, thị trấn và ngày 13/01/2021, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị ký kết Quy chế với đầy đủ các thành phần gồm: Tòa án, phòng ban, đơn vị cấp huyện và Chủ tịch UBND, công chức địa chính, công chức văn phòng, công chức tư pháp - hộ tịch của các xã, thị trấn.
Những kết quả đạt được
Kể từ sau khi thực hiện Quy chế phối hợp, đến nay, trên địa bàn 21 xã, thị trấn, TAND huyện Quỳ Hợp đã hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý và cùng tham gia với UBND các xã, thị trấn tổ chức 230 cuộc tư vấn, hướng dẫn và hòa giải, đối thoại theo đề nghị của UBND các xã, thị trấn về quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đất đai.
Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của TAND, nên đã có rất nhiều xã tổ chức hòa giải thành công và người dân đồng tình rất cao, hạn chế được các đơn khiếu kiện gửi lên cấp trên.
Bên cạnh đó, TAND huyện Quỳ Hợp đã thực hiện Quy chế phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức được 115 cuộc hòa giải đối thoại về tranh chấp đất đai tại cơ sở. Trong số đó đã hòa giải đối thoại thành 112 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,3%, còn 03 vụ việc hòa giải đối thoại không thành thì UBND các xã hướng dẫn chuyển đơn khởi kiện lên Tòa án giải quyết theo thẩm quyền (trong số 03 vụ này Tòa án đã thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng và đã giải quyết xong, còn 01 vụ Tòa đang hướng dẫn đương sự khởi kiện ra Tòa án).
Kèm theo đơn khởi kiện nộp tại Tòa án thì các đương sự đã có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, khi nhận đơn thấy đầy đủ Tòa án đã làm các thủ tục tiếp theo cho đương sự rồi thụ lý vụ án đúng theo quy định của pháp luật, không gây phiền hà cho nhân dân, giảm việc đi lại nộp đơn cho đương sự.
Ngoài tranh chấp đất đai, Tòa cũng tư vấn, hướng dẫn cho các xã cụ thể về các tranh chấp dân sự khác như hôn nhân gia đình, các mâu thuẫn trong sinh hoạt…. Vì thế, cơ bản các xã đã làm tốt công tác hòa giải, tỉ lệ hòa giải thành công khá cao.
Kết quả thực hiện Quy chế số 01/QC-PH ngày 13/01/2021 là cơ sở cho việc hình thành ý tưởng và đi đến thống nhất, ký kết “Quy chế phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện” ngày 23/5/2022 giữa UBND huyện, TAND huyện và VKSND huyện. Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành “Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện” (Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 23/5/2022 của UBND huyện).
Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp Đào Văn Đạt chia sẻ: “Sau hơn 2 năm thực hiện Quy chế số 01/QC-PH ngày 13/01/2021 về phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn, huyện Quỳ Hợp đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác của Tòa án và của UBND các xã, thị trấn trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện của nhân dân nhất là các tranh chấp đất đai, được các cơ quan ban ngành và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
TAND huyện tiếp tục tăng cường phối hợp, chủ động trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm kịp thời”.