TAND huyện Quỳ Hợp: Xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đất đai

Hiền Mai| 16/02/2023 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, TAND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã xây dựng quy chế phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan ban, ngành liên quan, từ đó đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của Tòa án mà còn góp phần giảm tải đơn thư khiếu kiện qua hệ thống chính quyền.

Đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai, chứng cứ chủ yếu ở các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng, vậy nên việc Tòa án hoặc các đương sự đi thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, vì thế rất nhiều vụ án tranh chấp đất đai bị quá hạn hoặc kéo dài qua nhiều cấp xét xử, gây bức xúc cho người dân.

Để giải quyết vấn đề này thì sự đồng hành cùng với Tòa án của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng nhằm có tiếng nói chung, quan điểm chung trong vụ việc là rất cần thiết. Từ thực tế đó, TAND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng hai quy chế phối hợp gồm: Quy chế phối hợp giữa TAND huyện Quỳ Hợp và UBND các xã, thị trấn; Quy chế phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện giữa UBND huyện, TAND huyện và Viện KSND huyện Quỳ Hợp.

Các quy chế ban hành nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao từ phía chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người dân.

TAND huyện Quỳ Hợp: Xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đất đai

Giải quyết tranh chấp đất tại xã Châu Thành

Ngày 23/5/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã có Quyết định 827/QĐ-UBND thành lập Tổ liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện. Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai làm Tổ trưởng, Chánh án TAND huyện làm Tổ phó thường trực, thành viên gồm Viện trưởng VKSND, Trưởng các phòng ban, ngành cấp huyện có liên quan.

Sự ra đời của các Quy chế và Tổ công tác liên ngành đã mang lại những tín hiệu khả quan tích cực, giảm các đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, giảm các đơn khiếu nại về lĩnh vực này.

Ông Phan Đình Đạt, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Sự ra đời của các Quy chế phối hợp và Tổ liên ngành đã góp một phần rất quan trọng trong công tác giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, nhiều vụ việc đã trên cả chục năm, nhiều tình tiết phức tạp nhưng hiện nay đã được giải quyết dứt điểm, hợp tình hợp lý. Đây thực sự là mô hình thành công và cần được nhân rộng”.

TAND huyện Quỳ Hợp: Xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đất đai

Đối thoại tại xã Châu Lộc về giải quyết tranh chấp đất rừng

Còn ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Tổ công tác là sự kết hợp của nhiều cán bộ tâm huyết trong công việc, biết vận dụng linh hoạt để vừa hòa giải vừa đối thoại. Trong giải quyết các vụ việc chúng tôi phải vừa cương, vừa nhu. Điều kiện làm việc tại địa bàn huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, dân trí thấp nên việc hòa giải cũng phải có nhiều tình tiết vận dụng linh hoạt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, TAND huyện Quỳ Hợp với vai trò tham mưu cho chính quyền trong công tác thành lập Tổ liên ngành là thành công, góp phần giải quyết rất nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, giảm áp lực đơn thư cho chính quyền địa phương”.

Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều, nhưng Tổ liên ngành đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể: Việc phối hợp công tác đã huy động được trí tuệ của nhiều cá nhân, nhiều ban, ngành, nên khi giải quyết các vụ việc sẽ mang tính toàn diện hơn; Quá trình xem xét hồ sơ, khảo sát thực địa và tổ chức làm việc, các bên liên quan và các phòng, ban, ngành sẽ hiểu nhau hơn, tạo sự đồng thuận về hướng giải quyết vụ việc.

Trong các cuộc làm việc, ý kiến đưa ra đều thể hiện rõ quan điểm, các cơ sở pháp lý, qua đó, tạo dựng được niềm tin của người dân. Mặt khác, tại các cuộc làm việc, hầu hết các Trưởng ngành đều có mặt và phát biểu nên có sức thuyết phục cao, làm cho các bên liên quan nhận thức đúng và đầy đủ về sự việc, thuận lợi trong quá trình giải quyết.

Theo ông Đào Văn Đạt, Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp: “Thông qua việc triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp đã giảm thiểu được một số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho Thẩm phán, Thư ký. Hiện các Quy chế đã và đang được các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, người dân trên địa bàn huyện quan tâm và ủng hộ rất cao. Sau 2 năm thực hiện các Quy chế phối hợp, đơn vị TAND huyện Quỳ Hợp đã thụ lý 30 vụ án tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng, chúng tôi đã hòa giải thành công 28/30, đạt tỷ lệ 93%.”.

TAND huyện Quỳ Hợp: Xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đất đai

Giải quyết tranh chấp đất đai tại xã Châu Lộc

Ngoài giải quyết các đơn khởi kiện thì Tòa án còn hướng dẫn, tư vấn cách giải quyết tranh chấp đất đai cho các xã, các cơ quan khác tổng là 89 lượt, đã thành công 100%. Các đơn khiếu nại này sau khi được giải quyết thì người dân đồng tình và ủng hộ rất cao.

Để có được những kết quả bước đầu như vậy, trước hết tập thể cán bộ công chức Tòa án, nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua thực hiện các quy chế phối hợp. Từ đó mới giảm được mâu thuẫn trong nhân dân, giảm bớt các vụ án tranh chấp đất đai mà Tòa phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, giảm được áp lực giải quyết các đơn thư kiếu nại của các cấp chính quyền, giảm được đơn thư khiếu nại vượt cấp, đem lại niềm tin cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Quỳ Hợp: Xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đất đai