Tin địa phương

Những kết quả ấn tượng về chuyển đổi số ở Bắc Giang

L.Đ 08/03/2024 - 07:05

Trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số chuyển đổi số (CĐS). Đồng thời, dẫn đầu cả nước ở chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

Phát triển ở cả 3 trụ cột

Ngày 11/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đã đặt ra 14 mục tiêu cơ bản cần ưu tiên thực hiện với trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách toàn diện, hiệu quả.

Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai và định rõ thời gian hoàn thành. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, đến nay đã có 9/14 chỉ tiêu liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức; 5 chỉ tiêu đang thực hiện. Và, phát triển đồng bộ ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

anh-bai-so-5.jpg
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thăm gian hàng công nghệ số tại Ngày hội CĐS năm 2023.

Về chính quyền số, hiện nay, 100% cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh đã được kết nối, chia sẻ. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối, chia sẻ đến các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Tỉnh Bắc Giang đã triển khai ứng dụng 15 nền tảng số quốc gia; tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; vận hành ổn định hệ thống thông tin phản ánh hiện trường và hệ thống tổng hợp tình hình KT-XH tỉnh.

Vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang. Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang đã tích hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bắc Giang cũng là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam. Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số.

100% diện tích và 78% số điện thoại di động thông minh được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, đặc biệt là thiết bị di động.

Hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN), cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 80%; số hóa đạt hơn 84%.

Kinh tế số của tỉnh năm 2023 chiếm 42,13% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, vượt hơn 17% chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2023, tại tỉnh Bắc Giang 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử.

Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có sản phẩm thế mạnh, chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Ở trụ cột xã hội số, tỉnh Bắc Giang đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các dịch vụ công thiết yếu như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính...

Ngành y tế, giáo dục đã đẩy mạnh CĐS trong khám, chữa bệnh, dạy và học. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người có công, đối tượng bảo trợ hằng tháng.

Hiện nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống cấp số thứ tự khám chữa bệnh tự động; 80% trung tâm y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý xét nghiệm; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh có điểm cầu truyền hình trực tuyến áp dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, phục vụ giao ban trực tuyến. Tỷ lệ tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân đạt hơn 80%.

Đến nay, nhận thức về CĐS của các cấp, các ngành và người dân, DN trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. 100% số xã, thôn trong toàn tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 209/209 tổ cấp xã, 1.891/1.891 tổ cấp thôn gồm khoảng 16 nghìn thành viên.

Tập trung CĐS đồng bộ ở các cấp

Để CĐS số toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện CĐS đồng bộ ở các cấp, các ngành. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả CĐS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS.

Tiếp tục phát triển chính quyền số trên cơ sở phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh. Thúc đẩy kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số. CĐS trong mọi hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi xã hội số tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân, hình thành công dân số, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.

Khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ số ở các lĩnh vực dân sinh thiết yếu. Xây dựng hình ảnh, văn hóa, con người Bắc Giang thân thiện, văn minh trên không gian mạng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả CĐS ở 9 lĩnh vực ưu tiên của tỉnh là y tế; giáo dục; tài nguyên và môi trường; công nghiệp và thu hút đầu tư; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; tư pháp và tố tụng.

Đối với từng nhiệm vụ cụ thể, các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình; khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, quyết tâm cùng tỉnh duy trì và nâng thứ hạng CĐS trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả ấn tượng về chuyển đổi số ở Bắc Giang