Thực tế, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Vô hiệu hợp đồng vay vốn ngân hàng nếu “ép” khách mua bảo hiểm
Trao đổi với báo Công lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, Chủ tịch SBLaw đánh giá hiện tượng một số nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Việc khách hàng khi đến vay vốn tại ngân hàng bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân và việc giao kết này trái với ý muốn của khách hàng thì cần phải xử lý nghiêm. Nếu có bằng chứng việc các ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, khách hàng gửi đơn kèm bằng chứng tới Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, theo quy định trên, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm thực hiện hủy hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ được hoàn trả lại số tiền phí đã đóng.
Nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh hành vi cưỡng ép, lừa dối của nhân viên ngân hàng đối với khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng này vô hiệu theo quy định tại Điều 25 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng cụ thể:
- Số cố định: (024) 3936.1017
- Số di động: 0942.966.854
- Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn
Bảo hiểm liên ngân hàng cần nhiều giải pháp phát triển lâu dài
Để thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác và khai thác mặt tích của cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm và NHTM, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, Chủ tịch SBLaw đưa ra nhiều nhận định:
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH 15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này bao gồm: Bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức, theo đó, ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ. Bổ sung nhóm quy định liên quan đến các điều kiện đối với đại lý bảo hiểm là ngân hàng; về nguyên tắc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm…thể hiện rõ các quyền lợi bảo hiểm mà sản phẩm mang lại, tránh cách diễn đạt không rõ ràng, gây kỳ vọng sai hoặc hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật;
Phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các tổ chức bảo hiểm tham gia rộng rãi vào thị trường này, thực hiện các nghiệp vụ cho vay ngắn hạn, như cho vay qua đêm, cho vay tuần, cho vay tháng… Bên cạnh đó cần điều chỉnh, bổ sung những vấn đề không phù hợp trong vận hành thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc, có thể đưa tín phiếu kỳ hạn ngắn hơn như 90 ngày….vào đấu thầu và linh hoạt hơn lãi suất chỉ đạo đấu thầu, tạo sự hấp dẫn các tổ chức bảo hiểm tham gia thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc.
Tạo sự thâm nhập sâu rộng hơn của các tổ chức bảo hiểm vào hoạt động ngân hàng và ngược lại các NHTM vào công ty bảo hiểm như: các công ty bảo hiểm mua cổ phần các NHTM, mua trái phiếu ngân hàng… Đồng thời, giữa NHTM và Công ty bảo hiểm thành lập các liên doanh về bảo hiểm.
Mở rộng việc các NHTM làm đại lý bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và khuyến khích công ty bảo hiểm mở tài khoản và gửi tiền tại các NHTM đó. Đặc biệt là trong bán các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, môi giới các hơp đồng bảo hiểm các dự án đầu tư có giá trị lớn của các NHTM đã nhận làm đại lý cho một số công ty bảo hiểm để tạo nguồn vốn dồi dào cùng duy trì hợp tác phát triển lành mạnh.
Kiến nghị đưa nghiệp vụ bảo hiểm thành môn học trong chuyên ngành đào tạo về ngân hàng. Các NHTM đẩy mạnh mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ có liên quan của mình, tạo cơ hội đa dạng nghiệp vụ kinh doanh, tạo điều kiện nắm chắc các hợp đồng cho vay, cho thuê tài chính.