Những giá trị bền vững, mang tầm thời đại của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam

Nam Phương| 02/03/2023 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương) được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Ngay từ những năm đầu tiên, trước khi Đảng ta dẫn dắt dân tộc giành được độc lập, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc, và Đề cương ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó.

Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học; nổi bật là những luận điểm sau:

Một là, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Hai là, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo.

Ba là, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong đó, dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng, con người phải là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động văn hóa. Khoa học hóa là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, biết bảo tồn, chắt lọc những nét đẹp truyền thống dân tộc, đồng thời phải chống những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan.

Những giá trị bền vững, mang tầm thời đại của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bốn là, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần tiến hành tổng hợp các biện pháp công khai và bí mật, với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”.

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943. Tròn 80 năm ra đời, đến nay các giá trị và sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên.  

Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa. Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa – khoa học hóa – đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn nhận Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong dòng chảy chính sách của Đảng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vận động của văn hóa, từ đó, có đánh giá đúng và chính xác hơn về sự phát triển chung của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội  cho rằng, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà tiên tiến thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương.

Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".

Thêm vào đó, giờ đây văn hóa có vị trí rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một chủ trương mang tính đột phá để văn hóa lan toản sức mạnh của mình sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành trung ương Khóa XI) một lần nữa khẳng định tinh thần của bản Đề cương “văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giá trị bền vững, mang tầm thời đại của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam