Tôi đã từng lang thang qua hầu khắp các vùng đất được xem như là “điểm nóng” về ma túy của Việt Nam, từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đã từng phải chứng kiến những cảnh đời thậm khổ, những gia đình nát bươm vì ma túy.
Cha mất con, vợ mất chồng, bản làng tiêu điều xơ xác. Nhưng ám ảnh tôi nhất là những đứa trẻ trót được sinh ra từ những “gia đình ma túy”. Những đứa trẻ ấy, phần lớn chúng đều phải bươn bải mưu sinh, tự chăm sóc cho nhau từ khi còn rất nhỏ. Đôi khi, tuổi thơ của chúng bị “đánh cắp” bởi chính những bậc sinh thành.
Đói cơm, thất học từ tấm bé
Thật khó có thể thống kê cũng như thấu hiểu đến tận cùng hoàn cảnh của những đứa trẻ bị văng ra đời từ những “gia đình ma túy” ở mỗi bản, mỗi làng mà tôi đã qua, thế nhưng hầu như chúng đều có một điểm chung là bị quăng quật từ thuở nhỏ. Trong khi bố mẹ mải miết luồn rừng “ăn hàng”, vò đầu bứt tóc tính trăm ngàn mưu hèn kế bẩn hoặc vùi đời trong khói phù dung thì những thiên thần bé ấy phải tự tắm rửa, cơm nước, chăm sóc cho mình.
Pháp luật thượng tôn, mà lưới trời lồng lộng, việc những “ông bố, bà mẹ ma túy” ấy sớm hay muộn cũng phải bị trừng phạt, đó cũng là cái lẽ thường tình. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là ngoài việc đem “cái chết trắng” gieo rắc cho đồng loại, những đại ca, ông trùm, hoặc những “ông nghiện, bà nghiện” ấy còn đẩy chính con cái - ràng ruột, máu mủ của mình vào cơn bĩ cực.
Trò chuyện cùng bố và vợ con của trùm ma túy Vừ A Tủa
Cách đây ít lâu, tôi đã từng được đến “thăm” nhà của trùm ma túy Vừ A Tủa (SN 1978, ở xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Nhà Tủa nằm lúp xúp dưới chân núi Ca Hâu, lối vào phải lội vòng vèo hai lần trên một con suối nhỏ, nước dâng ngang đầu gối, lạnh thấu xương. Ngay cả khi đã yên vị trong nhà, trò chuyện với vợ Tủa là Lý Thị Say, trước sự chứng kiến của ông Và Vả Tông, Chủ tịch UBND xã Na Ư, tôi cũng không tin đây lại là “dinh thự” của một trong những ông trùm ma túy nổi tiếng chơi ngông khắp dải rừng biên giới.
Nhà Tủa nghèo, cái nghèo hắt ra từ mấy bức vách rách tả tơi, ngửa lên thấy lốm đốm trời. Ngồi giữa ba bề bốn bên tường vách mà dù khách có cố thu mình vẫn không tránh được cái lạnh cắt cứa thịt da vây bủa. Trên bếp lửa cháy hắt hiu, những cành củi còn tươi mới gom được ở trên núi tỏa ra một thứ khói nhạt thếch, không đủ xua đi được hơi lạnh tràn trụa khắp nơi. Mấy đứa con của Tủa, đứa nào cũng đen đúa, cóc cáy, quần áo tả tơi. Nghe giới thiệu có cán bộ dưới Hà Nội lên, Lý Thị Say, vợ Tủa lập tức ùa ra khóc. Say nói rất nhiều, nói về cái đói, cái khổ, cái lạnh, và nói về cái “thằng chồng vô tích sự bỏ Say, bỏ đàn con dại để đi tù”. Tôi nghĩ mình không mong tìm được cái gì xa xỉ hơn là nước mắt và những lời than vãn.
Vợ và con gái út của Tủa
Trước khi vượt đèo Tây Trang vào xã Na Ư, tôi đã được nghe khá nhiều giai thoại về chồng Say, trùm ma túy Vừ A Tủa. Người ta kể rằng, có lần Tủa đã bao hẳn một khách sạn hạng sang bên nước bạn Lào để anh em, bạn bè chiến hữu tụ tập ăn mừng sau khi vừa trót lọt một chuyến hàng. 3 ngày, 3 đêm ngập ngụa trong bia rượu và gái đẹp, số tiền Tủa bỏ ra thanh toán phải tính bằng… bao tải. Nó nhiều đến nỗi mấy cô thu ngân ở khách sạn ấy phải mất cả tiếng đồng hồ để kiểm đếm tiền...
Nhưng có một nghịch lý rằng, bên ngoài Tủa nổi tiếng phong lưu, tiêu tiền như nước, song đối với vợ con thì hắn gần như buông bỏ. Say kể, trước kia Tủa quanh năm suốt tháng sống chui lủi trong các cánh rừng, thỉnh thoảng mới về quăng cho đám trẻ vài ba gói kẹo. Tủa về mùa xuân thì cuối đông Say trở dạ sinh con. Cứ thế, lần lượt 4 đứa trẻ ra đời. Khi Say mang thai đứa thứ 4 mới được vài ba tháng thì Tủa bị bắt và bị TAND tỉnh Điên Biên tuyên phạt tử hình. Đó là vào khoảng giữa năm 2009. Giờ đứa bé ấy, Vừ Thị Pa Dung đã hơn 8 tuổi mà mới được nhìn bố có một lần. Đận ấy, Say đã phải bán đi con lợn duy nhất trong chuồng, bán thêm hai bao thóc để lấy tiền đưa con gái út xuống nhìn mặt bố ở trại giam.
Tôi nhớ lần gặp Tủa trong Trại tạm giam - Công an tỉnh Điện Biên cách đây vài năm, khi hắn vừa mới bị tuyên án tử hình, Tủa tỏ ra hết sức suy sụp và chán nản. Hắn bảo, giá như hắn biết bằng lòng với những gì mình có, không bị mê hoặc bởi đồng tiền thì đâu đến nỗi tự tay đóng sập cánh cửa cuộc đời từ khi còn rất trẻ. Không chỉ vậy, Tủa còn ân hận vì đã để lại nỗi đau đớn cho cha mẹ, dòng họ, đẩy người vợ đương xuân với bốn đứa con thơ vào cơn bĩ cực.
Suốt buổi trò chuyện ngày hôm đó, Tủa nhắc đi nhắc lại về ước mơ mong sau này con mình sẽ có đứa được bước vào giảng đường đại học. Tủa bảo, cuộc đời hắn coi như bỏ đi, giống như cây mục trong rừng, giờ hắn hy vọng vào mấy đứa con học hành nên người để thay bố rửa vết nhơ cho gia đình, dòng họ. Thế nhưng, Tủa đâu biết rằng giờ đây cả mấy đứa con của mình đã phải gác lại chuyện sách đèn để giúp mẹ mưu sinh…
Lớn lên như cây cỏ
Đến con của đại ca, ông trùm ma túy lừng lẫy một thời như Vừ A Tủa còn phải lay lắt, vật vã trong cái đói, cái nghèo thăm thẳm như thế, huống hồ những đứa trẻ có bố, hoặc mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ cùng nghiện oặt. Phần lớn chúng phải chịu nỗi “rét áo, đói cơm” trong suốt tuổi thơ đằng đẵng của mình. Có những xóm bản nhà cửa lưa thưa nhưng số trẻ em côi cút vì bố, mẹ đổ đời vào ma túy, rồi “ết”, rồi khuất núi lên đến hàng chục em, như ở bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lò Văn May cùng mấy đứa cháu mồ côi
Vào những năm đầu của thế kỷ 21, Mường Lát được xem là điểm nóng về ma túy của xứ Thanh. Do ở “trung tâm của bão” nên bản Poọng bị tàn phá nhanh và có lẽ là nặng nề nhất ở xã Tam Chung. Con số người nghiện cứ tăng dần, đến một ngày, người đầu tiên của bản chết vì căn bệnh HIV/AIDS thì cả bản mới biết “bão” đã tràn về. Sau đó, lần lượt nhiều thanh niên, trung niên khác chết vì HIV/AIDS, hoặc chết vì sốc ma túy. Ước tính, trong toàn xã Tam Chung thời bấy giờ có khoảng gần 80 người chết vì HIV/AIDS thì riêng bản Poọng đã chiếm đến 40 người. Có gia đình có tới 5 người chết vì HIV/AIDS; có những gia đình cả bố, mẹ đều chết vì HIV/AIDS, để lại đàn con nheo nhóc, lớn lên như cây cỏ.
Nằm ngoài rìa bản Poọng, sát với cánh đồng lúa là căn nhà nhà phên tre của một cặp vợ chồng cùng chết vì bệnh AIDS. Trong căn nhà đó đã từng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc của cặp vợ chồng Hà Văn D – Hà Thị K và 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Thế nhưng, giờ đây ở trong căn nhà đó chỉ còn lại hai đứa trẻ, đứa lớn năm nay mới 14 tuổi, đứa bé mới chưa đầy 5 tuổi. Khi chúng tôi đến, có mỗi cậu bé Hà Văn T ở nhà, cô chị gái Hà Thị Th đã đi làm trên nương từ sáng sớm.
Từ ngày bố mẹ nghiện ma túy rồi nhiễm HIV-AIDS và chết đi, nhà chỉ còn 2 chị em, hàng ngày cô chị đi làm thuê kiếm tiền nuôi em. Cậu em 5 tuổi ở nhà một mình, tự lo cho mình những sinh hoạt hàng ngày. Đói thì vào bếp kiếm cái gì đó ăn, bẩn thì tự đi ra bể nước chung của cả bản để tắm, và cũng tự đi ngủ một mình.
Cách nhà của chị em T và Th vài con dốc, nhà chị Hà Thị Lại có phần “tươm tất” hơn. Chị vừa khóc vừa kể, hiện đang nuôi cháu Hà Văn Thiên, là con của người em chồng. Bố mẹ cháu Thiên là anh Hà Văn K và chị Hà Thị Q đều đã chết từ năm 2008. Cháu Thiên lúc đó mới chưa đầy 1 tuổi và đã được chị mang về nhà chăm bẵm. Nhà cũng chẳng khấm khá gì so với người dân trong bản, chồng chị cũng đã mất, chị ở vậy vừa nuôi con mình vừa nuôi đứa cháu nhỏ.
Có lẽ hoàn cảnh khốn khó nhất trong số những đứa trẻ mồ côi ở bản Poọng là 4 chị em Hà Thị Cới. Bố Cới đã mất từ vài năm trước, mẹ Cới là Hà Thị Ph còn sống nhưng đã bị nhiễm HIV/AIDS, cũng không chăm sóc gì được cho các con. May mà mấy chị em Cới được ông chú Lò Văn May cưu mang, bữa no bữa đói qua ngày. Đến căn nhà tuềnh toàng mà họ đang ở cũng là nhà của một người trong bản cho ở nhờ. Cứ thế, cuộc sống của 5 con người chảy trôi mà không biết tương lai sẽ thế nào…
Những tưởng quãng ngày đen tối ở bản Poọng còn kéo dài, nhưng cũng may, mấy năm gần đây, nhờ sự đấu tranh không khoan nhượng của các lực lượng chức năng, nhiều đường dây buôn bán ma túy ở Mường Lát bị triệt xóa, hàng loạt “lái buôn tử thần” sừng sỏ phải “dựa cột” hoặc mang án tù chung thân. Giờ bản Poọng đã dần bớt “nóng” và yên bình cũng đã dần trở lại với Tam Chung. Người dân ở đây đã tìm lại niềm vui nơi nương rẫy, màu xanh của lúa, của ngô đã mướt mát khắp lưng núi, sườn đồi. Và hơn hết, là niềm tin đã sáng lại trong mắt mỗi người.
Chỉ có điều là sau khi bị “cơn bão trắng” tràn qua, bản Poọng nói riêng và nhiều xã bản khác ở những “vùng đất nóng” đã phải chứng kiến quá nhiều đứa trẻ côi cút phải sống lần hồi trong đói nghèo thăm thẳm. Không biết những ông bố, bà mẹ của chúng có biết tỏ ra ăn năn hối lỗi hay không, thế nhưng bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng: Những ông bố, bà mẹ ấy đã vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng khi quăng người thân, nhất những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau của kiếp phận làm người. Dù họ có viện ra những lý do gì đi chăng nữa, vì đói nghèo hay là bị rủ rê lôi kéo cũng không thể biện hộ cho mình. Bởi, đầu xanh có tội tình gì?