Tổn thương những đứa trẻ gánh chịu khi gia đình tan vỡ chắc chắn khó lành.
"Bà ơi, con lạy bà! Bà cho con ở với dì. Con không ở với mẹ đâu!" - em N.T.P (14 tuổi) khẩn thiết nói với người đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Cách đây 2 ngày, P. chạy trốn khỏi nhà, tìm đến cơ quan chức năng ở phường 25 (quận Bình Thạnh, TP HCM) cầu cứu. Hoảng hốt, lo lắng lan tràn trong ánh mắt P.
Sau khi cha mẹ chia tay, chị em P. rơi vào cảnh trần ai.
Con thơ bất hạnh
P. kể cha mẹ em ly hôn. Cha em bỏ đi đâu không rõ. P. và đứa em nhỏ sống chung với mẹ và cha dượng. Một thời gian ngắn sau, mẹ nghe lời cha dượng rao bán… 2 đứa con ruột của mình.
P. nhớ về tháng ngày sống chung với mẹ: "Mẹ bán em rồi. Giờ con không biết em ở đâu. Mỗi ngày đều có những người nhìn rất hung dữ đến trả giá mua con. Con sợ quá nên liều bỏ trốn. Nếu cha mẹ không bỏ nhau thì chị em con không bất hạnh thế này đâu".
Hiện tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương buộc người mẹ cam kết không lại gần con gái. Dù vậy, không ai có thể buộc lại được vết thương trong tim của cô bé đang bước vào tuổi thiếu nữ, cần có cha mẹ quan tâm, chia sẻ.
Những đứa bé mang nỗi đau lớn
Trước đó, TAND TP HCM hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án "Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn" giữa nguyên đơn là bà N.T.H (ngụ quận 7) và bị đơn là ông H.H.N (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). HĐXX nhận thấy cần xác minh lời khai, chứng cứ 2 bên cung cấp.
Năm 2017, vợ chồng bà H. - ông N. hoàn tất thủ tục ly hôn. Hai bên thỏa thuận ông N. nuôi dưỡng con gái (tên T., SN 2011). Bà H. có quyền thăm con vào thứ bảy và chủ nhật. Không lâu sau, bà H. đột ngột khởi kiện giành lại quyền nuôi con.
Tại tòa, người mẹ cho rằng bà đến thăm con nhưng gia đình chồng cũ ngăn cản. Cha của con bà phản bác: "Bà H. viện cớ đến thăm con để gây sự với gia đình tôi. Thử hỏi có ai đến thăm con lúc… 23 giờ 59 phút?". Trước những tranh cãi gay gắt, HĐXX mong 2 bên hãy vì cháu bé mà suy xét.
Bé T. không đến tòa. Những âm hưởng đốp chát giữa cha và mẹ đã đủ làm em câm lặng suốt thời gian qua.
Quên nỗi đau của con
Ôm tập hồ sơ dày cộm ra khỏi phòng xét xử, một thành viên HĐXX chia sẻ: "Dù kết quả có ra sao thì người chịu ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất vẫn là con. Mong rằng bậc làm cha mẹ hãy nghĩ đến lợi ích của con mà nhún nhường, suy nghĩ thấu đáo hơn".
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM), người điều trị cho cháu T., xác nhận bé thể hiện cảm xúc sợ hãi khi nhắc đến mẹ, khi mẹ có những hành vi xung đột bột phát. T. căng thẳng và thường trốn vào phòng riêng khi mẹ la hét, chửi bới những thành viên khác trong gia đình. Hiện bé không chịu giao tiếp với mẹ.
Trực tiếp bảo vệ quyền lợi, gần gũi 2 trường hợp trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nhận định P. và T. là 2 trường hợp điển hình khi sống dưới mái nhà không hoàn chỉnh. P. bất hạnh khi cha bỏ đi, mẹ lấy chồng; T. tổn thương khi cha mẹ tiếp tục ra tòa giành quyền nuôi con. Những trẻ sống trong hoàn cảnh trên thường có biểu hiện hoảng sợ, lo lắng.
Từng tham dự nhiều phiên tòa ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết những đứa trẻ chứng kiến cha mẹ cãi vã, xung đột thường sống khép kín, không có nhiều bạn bè và hay rơi vào cảm giác bị bỏ rơi. Đặc biệt, những trẻ sống tình cảm sẽ gặp sang chấn tâm lý, tổn thương nặng nề. "Dù ai nuôi dưỡng thì tình máu mủ là không thể chối bỏ. Vì vậy, mong những người làm cha mẹ đặt lợi ích của con mình lên trên tất cả" - luật sư nhắn nhủ.