Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Nghệ An đã đóng góp nhiều sức người sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Huy động mọi nguồn lực chi viện cho tiền tuyến
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ chi viện tối đa nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược này. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã tập trung cao nhất mọi nguồn lực phục vụ cho chiến dịch.
Để tiếp tế từ hậu phương liên khu IV ra chiến trường Điện Biên Phủ phải trải qua chặng đường dài khó khăn, qua nhiều sông suối, vực sâu, núi cao hiểm trở. Mở đường ra trận, tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công với tổng số đóng góp hơn 1 triệu rưỡi ngày công; sửa chữa và mở các tuyến đường mới với chiều dài 320 km, bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, 53 cống qua các địa bàn trọng yếu dẫn ra tiền tuyến.
Với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, mọi ngành, mọi giới, người người, lớp lớp đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Nhiều thiếu niên mới 15, 16 tuổi cũng xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều cụ già cũng hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch. Với quyết tâm cao nên đúng mồng một Tết Nguyên đán năm 1954, 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến.
Với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, toàn dân Nghệ An đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm ăn độn nhiều ngô khoai dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nông dân cả tỉnh Nghệ An đã nhập kho 1.496 tấn thóc phơi khô, quạt sạch.
Cùng với đó, trong suốt chiến dịch, dân công hỏa tuyến Nghệ An đã vận chuyển 5.000 tấn lương thực ra Suối Rút (Hòa Bình) để tiếp tục đưa ra chiến trường. Các huyện miền núi, miền xuôi của tỉnh Nghệ An đã đóng góp hàng nghìn con trâu, bò, ngựa làm sức kéo; hàng tấn lợn, gà, cá, rau xanh làm thực phẩm phục vụ cho các lực lượng tham gia chiến dịch.
Đồng thời, công nhân trong các xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp cũng đã dốc sức khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu rất cao của quốc phòng trong giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến và đảm bảo sản xuất, đời sống của nhân dân.
Các địa phương có nghề thêu, dệt, đan lát như huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… đã sản xuất ủng hộ cho tiền tuyến hàng ngàn mét vải, quần áo, mũ, chăn. Nhân dân Nghệ An đã ủng hộ 300 kg thuốc lào, thêu 2.950 khăn tay gửi tặng các chiến sỹ, hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi ra chiến trường động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội thi đua giết giặc lập công.
Từ tháng 1/1954, những cuộc oanh tạc tại các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt. Bất chấp hiểm nguy, Thanh niên xung phong (TNXP) Nghệ An với khẩu hiệu: “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, cứ sau mỗi trận địch ném bom, tất cả cán bộ, đội viên lại xông ra mặt đường để san lấp hố bom, hàn gắn đường, đảm bảo cho các đoàn xe cơ giới hành quân. Khi những vùng trọng điểm bị đánh, cơ giới tạm dừng, thì xe thồ, gồng gánh, thuyền bè… lại phát huy tác dụng.
Cùng với TNXP, lực lượng dân công Nghệ An cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển từ hậu phương lên tiền tuyến. Chỉ mấy tháng đầu năm 1954, Nghệ An có 155.974 lượt dân công phục vụ tiền tuyến. Ngoài số dân công phục vụ ở chiến trường Lào gần 24.400 người và 146.000 xe đạp thồ, số dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ là trên 30.000 lượt người và 3.700 lượt xe đạp thồ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - âm vang còn mãi
Trong chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù, đã xuất hiện biết bao tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”.
Trong số 15 cán bộ, chiến sỹ được Quốc hội tuyên dương Anh hùng LLVTND trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì Nghệ An vinh dự có 3 người là Liệt sỹ Trần Can, Phan Tư và Đặng Đình Hồ. Đây chỉ là 3 người con trong tổng số hàng ngàn người con xứ Nghệ đã anh dũng kiên cường, hăng hái tham gia đánh địch trên nhiều phương diện, góp phần công sức không nhỏ cho chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra trong gần 2 tháng (13/3 đến 7/5/1954) nhưng công cuộc chuẩn bị cho thắng lợi của chiến dịch đã diễn ra trong rất nhiều ngày, tháng đầy thử thách với biết bao đóng góp to lớn của nhiều tầng lớp nhân dân ta, trong đó có nhân dân tỉnh Nghệ An.
Để chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, rất nhiều người con quê hương Nghệ An đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Riêng thành phố Vinh có 678 chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường Điện Biên...
70 năm qua, âm hưởng, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Phát huy tinh thần chiến thắng ấy, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đang ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh không ngừng phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào như: Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên; công cuộc xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả, bền vững.... Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tốt.
Nhìn lại đóng góp của mình đối với chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về vai trò xứng đáng của mình vào sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là những di sản vô giá, là hành trang để các thế hệ người Nghệ An hôm nay và mai sau trân quý, gìn giữ, phát huy và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.