Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được QH khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua với 11 chương, 98 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; về bảo đảm hoạt động của TAND.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND, về Thẩm phán TAND đã được bổ sung, sửa đổi. Do đó, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; bảo đảm cụ thể hóa tinh thần cũng như các quy định của Hiến pháp về Tòa án. TAND được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
TAND được tổ chức gồm 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính
Điều 3 của Luật quy định về tổ chức TAND bao gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (và tương đương) và Tòa án quân sự. Như vậy, Tòa án được tổ chức trong một hệ thống thống nhất là hệ thống TAND, gồm các TAND và các Tòa án quân sự. Trong đó, các TAND được tổ chức gồm 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính theo định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc tổ chức các TAND theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đó là tổ chức theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập xét xử..., góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay. Đây cũng là phương thức để nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tòa án có thể tự kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND tại Điều 2 của Luật có nhiều điểm mới, quan trọng như: Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền: a) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; b) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; c) Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; d) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật. Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về nhiệm kỳ làm việc của Thẩm phán
Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm. Thời gian này là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tổ chức, quản lý của ngành Tòa án, gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.
Do vậy, theo quy định tại Điều 74 của Luật mới thì nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định nhiệm kỳ tiếp theo của Thẩm phán là 10 năm (Ảnh minh họa)
Chế độ, chính sách đối với Thẩm phán
Công việc xét xử của Thẩm phán là một loại lao động đặc biệt, khi xét xử, Thẩm phán không nhân danh cá nhân hay Hội đồng xét xử mà nhân danh Nhà nước để định tội danh, hình phạt trong các vụ án hình sự, để phân định đúng, sai trong các vụ việc, tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình. Khi xét xử, người Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc nhất định, trong đó nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Để bảo đảm cho Thẩm phán theo nguyên tắc nêu trên đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định không chỉ về trí tuệ, tâm lý mà cả về chế độ, chính sách đối với họ. Luật quy định có 4 ngạch Thẩm phán (Điều 66) gồm: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Điểm mới nữa là Luật quy định thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Điều 75 của Luật quy định về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, theo đó: Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán; Thẩm phán được cấp trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán để làm nhiệm vụ; Thẩm phán được bảo đảm tôn trọng danh dự, uy tín; được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết; Thẩm phán được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và nghiệp vụ Tòa án; nghiêm cấm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán; Thẩm phán được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Kinh phí hoạt động của hệ thống TAND các cấp do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với TANDTC. Trường hợp không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của TAND, Chánh án TANDTC kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định (Điều 96).
Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014
Theo đó, kể từ ngày 1/2/2015 đến ngày Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Chánh án TANDTC có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Thẩm phán TANDTC hết nhiệm kỳ kể từ ngày 1/1/2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 1/6/2015.
Từ ngày 1/6/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC được thành lập theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thực hiện. Chánh án TANDTC có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án, gồm cả TAND cấp cao. Thẩm quyền xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo quy định của các luật tố tụng mới.
Các Tòa phúc thẩm TANDTC chuyển giao thẩm quyền xét xử phúc thẩm; các Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính TANDTC, các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho các TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao thực hiện. Các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương chuyển giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cho Tòa án quân sự Trung ương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương.