Đời sống

Những điểm mốc lòng dân tin cậy của chính quyền vùng biên giới

Tâm Phúc - Tiến Vinh 16/04/2024 - 17:40

Đoạn biên giới trên đất liền của TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) dài hơn 14km, được giao cho đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên quản lý. Trong những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng đã cùng với các lực lượng phát động nhiều phong trào, xây dựng các mô hình có ý nghĩa hướng về đồng bào nghèo khu vực biên giới. Tích cực tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân chung tay tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Chú Hồng Quang Trung (tổ 10 khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên) là người Việt gốc Hoa, sinh sống trên vùng biên giới Hà Tiên này hơn 50 năm. Tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng trí lực còn rất minh mẫn, tích cực tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng, các tổ chức Hội bảo vệ đường biên, tuyên truyền pháp luật cho con em trong các phum, ấp giáp biên.

Chú Hồng Quang Trung chia sẻ: Sau chiến tranh, đời sống bà con vùng này rất khốn khó. Nhưng với tình đoàn kết, chí thú làm ăn của bà con, nên cuộc sống mỗi năm một nâng lên. Những năm trở lại đây, cùng với nhiều chính sách mới của lãnh đạo các cấp, đã góp phần phát triển kinh tế vùng biên, đời sống bà con khá hơn trước nhiều…

30.jpg
Chú Hồng Quang Trung (thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ, thăm hỏi, động viên tinh thần các chiến sĩ Biên phòng trực chốt trên biên giới.

Nói về chú Hồng Quang Trung, Trung tá Lê Tuấn Phong, Chính trị viên phó, đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, cho biết: “Gia đình chú Trung sống chủ yếu bằng làm ruộng, chăn nuôi trâu, bò. Tuy còn khó khăn, vất vả, nhưng cả gia đình luôn mẫu mực, làm ăn chân chính. Nhà chỉ cách đường biên giới chưa đầy 1km, nhưng gia đình luôn trong sạch, không bao giờ tham gia, hay tiếp tay cho buôn lậu.

Không chỉ có vậy, mà chú còn là người cao tuổi đặc biệt tiêu biểu đi đầu trong các phong trào do đồn Biên phòng và địa phương phát động. Vì sống lâu năm trong cộng động có người Kinh, Hoa, Khơmer, nên chú nói được cả 3 thứ tiếng. Mỗi khi có họp dân, cần tuyên truyền nội dung gì với bà con, để bà con dễ tiếp thu, thì đơn vị lại nhờ đến chú...”.

Hàng ngày, mỗi khi xong việc ruộng vườn, chú thường lui tới các hàng quán, phum, ấp nếu thấy có dấu hiệu gì lạ trong địa bàn, ngoài biên giới là chú báo ngay cho anh em ở các chốt, trạm Biên phòng biết để xử lý. Còn gặp các đối tượng buôn lậu, chú Trung mềm mỏng khuyên bảo họ bỏ nghề, tìm công việc phù hợp chí thú làm ăn, đừng vi phạm pháp luật.

Chính sự chân thành của chú, con em trong địa bàn rất kính trọng, nghe theo. Riêng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn ghi nhận, đề cao những đóng góp của chú, xem chú như là cha, là chú trong gia đình.

Chị Thị Mỹ Loan - người đồng bào Khmer, quê quán huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, do cuộc sống gia đình hồi đó rất khó khăn, năm 12 tuổi chị đã lên vùng biên giới Hà Tiên làm thuê cho các vựa cua, ghẹ kiếm sống.

Năm 1990, chị xin cây lá cất 1 cái chòi tạm xát đường biên giới, (giữa mốc chủ quyền 313 và 314) để sinh sống. Trải qua hơn 30 năm bán đất biên cương, gia đình chị trở thành những công dân ưu tú của khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

Chị Loan nhớ lại: Hồi đó khu vực này toàn là lung, trủng, chứ đâu có đường bê tông, cây xanh bóng mát như bây giờ. Vào mùa mưa, toàn khu vực này ngập trắng, nhà chị phải đi lại bằng các bè chuối, hoặc nhặt nhạnh các mảnh xốp cũ kết lại để đi.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng mỗi khi có cán bộ đồn Biên phòng cần vào các phum, ấp tuyên truyền, hay ra các vị trí mốc kiểm tra, chị dùng bè tự chế chở các chú ấy đi. Các đoàn khảo sát, đoàn báo chí hồi đó đến đây muốn ra điểm cuối đoạn biên giới tiếp giáp trên bộ giữ giữa Việt Nam – Campuchia toàn nhờ chị dẫn đường…

32.jpg
Chị Thị Mỹ Loan (thứ 2 từ trái qua) và chú Hồng Quang Trung (thứ 3 từ trái qua) gặp gỡ người dân trong phum, ấp để vận động chấp hành các quy định của địa phương.

Chị Ngông Liếm, Chủ tịch Hội LHPN phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên, cho biết: “Chị Thị Mỹ Loan là 1 trong hội viên tích cực nhất của khu phố Xà Xía. Dù đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu, cuộc sống gia đình thì còn khó khăn, nhưng mỗi khi các cấp Hội cần là chị Loan tích cực tham gia. Do sống trên biên giới lâu năm, am hiểu nhiều về phong tục, tín ngưỡng, gia đình lại làm ăn chân chính, nên chị luôn được các chị em trong địa bàn tôn trọng. Nên mỗi khi chị tham gia tuyên truyền, vận động là các chị nghe và làm theo…”.

Ngoài ra còn có chị Nóp Lệ, tổ 10, khu phố Xà Xía, chị Nóp mở 1 quán nước nho nhỏ tại nhà bán cho bà con chòm xóm. Vợ chồng chị thì đi làm thuê kiếm sống, nuôi các con ăn học. Nhưng mỗi khi có tin mấy chú Biên phòng, mặt trận, đoàn thể mượn điểm tại nhà chị tổ chức họp dân là chị tranh thủ bỏ việc làm về tiếp 1 tay chuẩn bị bàn, ghế.

Năm 2023, chị được địa phương bầu là thành viên tổ phụ nữ bảo vệ đường biên cột mốc. Còn anh Chao Chai, mới ngoài 50 tuổi, nhưng có trách nhiệm với xã hội, nên anh được chính quyền và bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ 9, khu phố Mỹ Lộ.

Được biết anh là 1 trong những người dân tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới ở phường Mỹ Đức. Nhà anh nằm sát đường biên, không có đất canh tác, 2 vợ chồng chỉ sống bằng nghề làm thuê. Nhưng mỗi khi địa phương cần nhân lực để làm đường, cất nhà, thu gom rác thải… thì anh là thành viên tham gia đầu tiên…

31.jpg
Chị Thị Mỹ Loan, tham gia cùng với cán bộ Biên phòng, Công an, Hội phụ nữ tuyên truyền đến bà con trong khu phố không tham gia, tiếp tay, vận chuyển hàng lậu.

Qua một vài câu chuyện về những đóng góp nho nhỏ của người dân đang sống dọc biên giới Hà Tiên, cho thấy quần chúng Nhân dân trong cả nước nói chung, ở khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang nói riêng đã và đang đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ biên giới.

Mọi tầng lớp Nhân dân đã đặt trọn niềm tin với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Họ chính là những người dân góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc. Góp phần cùng các lực lượng, chính quyền quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo Biên phòng Hà Tiên
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mốc lòng dân tin cậy của chính quyền vùng biên giới