Bị lu mờ bởi những tin tức về bạo lực ở Trung Đông và được tổ chức tại một quốc gia vẫn đang phục hồi sau trận động đất, cuộc họp thường niên kéo dài một tuần của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã kết thúc vào ngày 14/10 với nhiều điểm quan trọng.
Các cuộc thảo luận tại thành phố Marrakech (Maroc) xoay quanh triển vọng nền kinh tế thế giới bị đè nặng bởi nợ nần, lạm phát và xung đột cho đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa các nước và những lúng túng trong nỗ lực giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Triển vọng mới của IMF - được phê duyệt trước khi xung đột giữa Israel và Hamas leo thang - cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại từ 3,5% năm ngoái xuống 3% trong năm nay và 2,9% vào năm tới, giảm 0,1 điểm% so với ước tính trước đó vào năm 2024. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 6,9% trong năm nay xuống mức 5,8% trong năm tới.
Các ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẵn sàng chấm dứt tăng lãi suất nếu tình hình cho phép, đồng thời hy vọng rằng lạm phát cuối cùng có thể được kiềm chế. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều đồng ý rằng còn quá sớm để nói về những xung đột ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, điều mà nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas mô tả là “khập khiễng chứ không phải là vội vã”.
Gánh nặng nợ nần của các nền kinh tế tiên tiến - từ Mỹ đến Trung Quốc và Ý - là chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc họp, diễn ra sau khi thị trường tài chính trong những tuần gần đây đẩy lãi suất trái phiếu Mỹ lên cao hơn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Ignazio Visco cho biết có “cảm giác” rằng thị trường đang “đánh giá lại phí bảo hiểm kỳ hạn” khi các nhà đầu tư trở nên lo lắng hơn về việc nắm giữ nợ dài hạn.
Bà Joyce Chang - Chủ tịch nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan (công ty hàng đầu về dịch vụ tài chính) - lại nói theo cách khác. Bà nói với một hội thảo về kỷ nguyên hai thập kỷ tương đối yên bình của nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008/09: “Những người cảnh giác về trái phiếu đã quay trở lại và ‘thời kỳ điều độ vĩ đại’ đã kết thúc”.
Một lĩnh vực chính sách có thể có tác động dây chuyền là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vitor Gaspar, người đứng đầu bộ phận tài chính của IMF, cảnh báo các chính sách dựa trên trợ cấp hiện tại không mang lại lượng phát thải ròng bằng 0 và việc tăng quy mô chúng sẽ làm bùng nổ nợ công. Quỹ kết luận: “Các quốc gia sẽ cần có sự kết hợp mới giữa các chính sách lấy giá carbon làm trọng tâm”.
Nhìn xa hơn các nền kinh tế phát triển lớn, lãi suất chính sách cao hơn, đồng đô la mạnh và những bất ổn địa chính trị đang tạo thêm thách thức cho phần còn lại của thế giới.
IMF cảnh báo trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu rằng lãi suất cao sẽ đẩy một số người đi vay vào tình thế bấp bênh hơn. Ước tính, khoảng 5% ngân hàng trên toàn cầu dễ bị căng thẳng nếu lãi suất đó duy trì ở mức cao trong thời gian dài và hơn 30% ngân hàng - bao gồm một số ngân hàng lớn nhất thế giới - sẽ dễ bị tổn thương nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài và lạm phát cao.
Cuối cùng, không có đủ thỏa thuận để đưa ra thông cáo chung như thường lệ vào cuối các cuộc họp. Đã có nhiều cuộc thảo luận trước Marrakech về việc cải tổ IMF và WB để phản ánh tốt hơn sự nổi lên của các nền kinh tế như Trung Quốc và Brazil. Đề xuất của Mỹ nhằm tăng cường quyền cho vay của IMF nhưng vẫn giữ nguyên việc xem xét lại việc nắm giữ cổ phần trong quỹ sau này đã giành được sự ủng hộ rộng rãi.
Một hiệp ước được công bố hôm thứ Bảy nói về việc “tăng đáng kể” hạn ngạch vào cuối năm 2023 nhưng không đưa ra một số chi tiết khác. Các nhóm chống nghèo đói tỏ ra hoài nghi về những gì đã đạt được.