Con tàu kinh tế năm 2015 sắp cập bến với nhiều dấu mốc nổi bật, trong đó phải kể đến việc tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua, cũng như kết thúc đàm phán hiệp định TPP...
Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua
Theo Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn 0,48% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%. Đây là mức tăng cao nhất 5 năm qua. Đặc biệt, GDP năm nay cũng tăng cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2008-2010 là 6,14%, bởi đây là giai đoạn ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, so với mức tăng GDP của giai đoạn 2007 trở về trước có mức tăng 7% trở lên, mức GDP 2015 còn thấp hơn nhiều.
Tăng trưởng kinh tế năm 2015 tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ảnh minh họa
Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu nước năm nay ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD/người/năm, tăng thêm 57% so với năm 2014.
Kết thúc đàm phán hiệp định TPP
Ngày 5/10, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên ký kết, kết thúc quá trình hơn 5 năm đàm phán. Đây được coi là hiệp định của thế kỷ 21, tạo ra những tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu ở cấp cao nhất.
Việc đàm phán và ký kết thành công TPP đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việc tham gia TTP, vừa là cơ hội và cũng là thách thức, nhưng theo dự báo TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
18 lần điều chỉnh giá xăng
Giá xăng giảm 12 lần trong năm 2015
Trong năm 2015, giá xăng đã có 18 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần điều chỉnh giảm. Lần giảm giá cuối cùng trong năm 2015 là vào ngày 18/12. Giá bán lẻ xăng RON 92 và xăng E5 giảm 391 đồng/lít, xuống còn lần lượt tối đa 16.405 đồng/lít và 15.910 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05S giảm tới 1.246 đồng/lít, xuống tối còn tối đa 11.984 đồng/lít; giá dầu hỏa hạ 1.136 đồng/lít, còn không cao hơn 11.065 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 942 đồng, còn tối đa 8.162 đồng/kg.
Cải cách môi trường kinh doanh (KD)
Báo cáo Môi trường h 2016 KD do Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10 cho thấy, Việt Nam đã tăng được 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế. Những chỉ số quan trọng được ghi nhận: nộp thuế đã tăng 4 bậc (172 lên 168); khởi sự KD tăng 6 bậc, (125 lên thứ hạng 119), tiếp cận điện năng tăng 22 bậc (130 lên 108), tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc (36 lên 28).
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ 1/7/2015. Cuối năm, các Nghị định về đăng ký KD, hướng dẫn các luật trên ra đời góp phần thúc đẩy những sáng kiến cải cách đột phá nhất ở hai luật này đi vào cuộc sống.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Năm 2015 được nhìn nhận là một năm thành công của quá trình tái cơ cấu NH. Nửa đầu 2015 các thương vụ mua lại NH 0 đồng đã diễn ra, gồm NH Đại Dương và NHDầu khí Toàn Cầu; sáp nhập NH Xăng Dầu (PG Bank) vào Vietinbank,... Những sự cố mới phát sinh ở Đông Á, Eximbank cũng được dồn dập giải quyết. Cùng với các thương vụ sáp nhập - hợp nhất tự nguyện: Phương Nam - Sacombank, Maritime Bank - MDB, MHB – BIDV.
Đến nay đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác; 4 tổ chức tín dụng được mua lại. Việc xử lý nợ xấu NH cũng về đích như mong đợi, từ đỉnh cao trước tái cơ cấu khoảng 17% (tháng 9/2012) còn dưới 3% vào tháng 9/2015.
Nguồn vốn FDI tăng 12,5% so với năm trước
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có được 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này có 814 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỉ đô la Mỹ. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm 2014
Thu ngân sách thâm hụt
Giá dầu xuống thấp kỷ lục khiến nguồn thu ngân sách thâm hụt. Theo Bộ Tài chính công bố năm nay, ngân sách cả nước vẫn vượt dự toán tới 17.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách TƯ dự kiến hụt 31.000 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương lại tăng thu tới 47.700 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ công vẫn không ngừng gia tăng. Năm nay, ước nợ công sẽ bằng 61,3% GDP, tăng hơn năm ngoái 59,6% và cao cách biệt so với năm 2011 chỉ mới 50,8%. Bình quân 5 năm qua, nợ công tăng tới 20%. Áp lực trả nợ công càng ngày càng lớn và năm 2015, Chính phủ phải vay tới 125.000 tỷ đồng để đảo nợ.