Mang tính mạng con trẻ ra dựng trò lừa đảo khiến nhiều bậc phụ huynh vì lo lắng cho con, bấn loạn mà mất cả trăm triệu đồng là hành vi vô nhân tính đáng lên án.
Thời gian gần đây, công an các địa phương liên tiếp nhận đơn trình báo của phụ huynh học sinh nhận được cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là giáo viên thông báo con, người thân bị tai nạn tại trường, đang đi cấp cứu tại bệnh viện.
Các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật sau đó chiếm đoạt.
Điểm chung của hình thức lừa đảo là các đối tượng có đủ thông tin về tên, lớp và trường con đang theo học. Khi gọi điện tiếp cận, các đối tượng sẽ đánh vào tâm lý lo sợ, hoảng loạn của phụ huynh khi nghe tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện. Nếu thiếu tỉnh táo, phụ huynh có thể mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng.
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chỉ trong vòng một tuần đã có 13 người là phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn TP đến bệnh viện này tìm con sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên và thông báo con em của họ bị tai nạn phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu, phẫu thuật.
Ngoài ra, bệnh viện cũng nhận nhiều cuộc gọi đến từ các bậc phụ huynh nhờ xác minh thông tin trẻ cấp cứu tại bệnh viện nhưng hầu hết đều là thông tin giả từ nhóm đối tượng lừa đảo.
Dù khá nhiều lần các cơ quan chức năng lên tiếng khuyến cáo, song vẫn có người chưa từng va vấp loại hình tội phạm này, còn nhẹ dạ cả tin dẫn đến thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần.
Cũng dễ hiểu bởi khi nghe tin con mình gặp nguy hiểm chẳng có người cha, người mẹ nào lại không bấn loạn trong phút chốc. Và chỉ cần phút chốc ấy, mục đích của kẻ xấu đã hoàn thành.
Sự tinh vi của những đối tượng xấu thể hiện ở chỗ, chúng nắm được cả thông tin về tên tuổi, lớp học của con, tên bố mẹ và cô giáo nên nhiều phụ huynh dễ dàng mắc bẫy.
7 phụ huynh đã bị lừa chuyển 310 triệu đồng để phẫu thuật cho con ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Hà Nội, 1 phụ huynh vừa trình báo bị lừa 200 triệu đồng, người còn lại 40 triệu đồng. Các vụ việc để lại thiệt hại lớn về tài sản, tâm lý hoang mang trong phụ huynh, học sinh, sinh viên và bệnh viện.
Vì vậy, nhắc lại thông tin dưới dạng cảnh báo sẽ không bao giờ là thừa. Mọi người cần áp dụng triệt để nguyên tắc "Đừng vội tin tưởng và luôn phải xác minh".
Khi nhận được đề nghị từ các tổ chức, cá nhân, kể cả có quen biết qua điện thoại, môi trường internet, đừng thực hiện các yêu cầu của họ ngay, mà cần xác minh thông tin được công bố về các bước, quy trình làm việc chính thống.
Trước tình trạng này, phía bệnh viện cũng đã đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh phải xác minh rõ vụ việc để tránh rơi vào bẫy kẻ gian.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguyên tắc của ngành y là "cứu người như cứu hỏa" nên không có chuyện người bệnh phải nộp tiền thì người bệnh mới được nhân viên y tế, bác sĩ cấp cứu.
PGS Điển cho hay, khi bệnh nhân nhập viện, người đi cùng sẽ được yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như: Họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Việc đóng viện phí không bắt buộc ngay tại thời điểm nhập viện cấp cứu và không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc có cứu chữa cho người bệnh hay không.
Do đó, việc đầu tiên trong trường hợp con em đang đi học mà phụ huynh nhận thông tin từ đối tượng lạ tự xưng thầy, cô giáo hoặc nhân viên y tế, bảo vệ nhà trường... với chung mục đích chuyển tiền vì nhiều lý do kiểu "hung tin" bất ngờ, phụ huynh cần xác minh ngay thông tin, ít nhất là gọi điện liên hệ với nhà trường, thầy, cô giáo (mà phụ huynh biết); hoặc gọi cho bảo vệ ngôi trường con em mình đang theo học để xác minh.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn và lời lẽ ép buộc chuyển tiền ngay vào số tài khoản mà các đối tượng đưa ra.